Pháp luật

Nữ "Tiến sỹ" và những cú lừa ngoạn mục

Mạo danh nữ Tiến sỹ, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, Nguyễn Thị Hằng (SN 1982, ở khu đô thị Royal City, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều người có nhu cầu xin việc làm.

Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Thị Hằng ra trước Tòa, để xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - Tội danh được quy định tại Điều 139, khoản 3, điểm a, Bộ luật Hình sự.
Đơn tố cáo Nguyễn Thị Hằng

Qua mạng xã hội, anh Vũ Đức T (SN 1971), cán bộ của một huyện miền núi ở tỉnh Hòa Bình đã làm quen với Hằng. Thấy anh T có nhu cầu theo học Thạc sỹ và muốn chuyển công tác từ Hòa Bình về Hà Nội, Hằng đã nảy sinh ý định “giúp đỡ” và tự giới thiệu mình là Tiến sỹ, Giảng viên Trường đại học Sư phạm I Hà Nội, có khả năng làm cho anh T toại nguyện và yêu cầu ứng trước 100 triệu đồng “phí” trà, thuốc ngoại giao.
Đối tượng Nguyễn Thị Hằng

Sau nhiều lần trò chuyện với Hằng, anh T tỏ ra tin cậy nữ “Tiến sỹ” này và vay 100 triệu đồng gửi vào tài khoản cá nhân của “vị ân nhân”. Vài ngày sau, anh T thổ lộ muốn được về một cơ quan ở Hà Nội làm việc, Hằng “chém gió” cô ta có nhiều mối quan hệ với các giới chức sắc của thành phố và “ok” ngay với người bạn trai mới quen qua mạng, đồng thời yêu cầu đưa 20.000 USD làm chi phí xin việc.

Vì chưa chuẩn bị đủ tiền, anh T bán chiếc xe ô tô đang sử dụng được 320 triệu đồng, đưa cả cho Hằng. Sau khi “ẵm” trọn 420 triệu đồng của anh T, Hằng “lặn” mất tăm. Thấy Hằng không xin được cho mình đi học Thạc sỹ và có việc làm mới ở Hà Nội, anh T nhiều lần đòi tiền song Hằng cứ khất lần rồi bỏ trốn.

Không tìm thấy Hằng, anh T đã gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của “nữ quái” này đến CAP Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Trong quá trình làm rõ vụ việc, cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh tại Trường đại học Sư phạm I Hà Nội và xác định trường này không có cán bộ, công nhân viên, giảng viên nào có tên là Nguyễn Thị Hằng.

Khi bị triệu tập đến cơ quan công an để làm rõ, Hằng khai nhận mặc dù không có nghề nghiệp gì ổn định và chẳng quen biết ai có khả năng xin học, cũng như xin việc làm ở Hà Nội, đối tượng vẫn mạo danh là Tiến sỹ, giảng viên đại học để lừa đảo chiếm đoạt tiền của anh T.

Liên quan đến hoạt động tội phạm của Nguyễn Thị Hằng, Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội còn làm rõ “nữ quái” này mở rộng địa bàn gây án đến tận vùng núi cao tỉnh Hà Giang. Theo bà Nguyễn Thị H, ở TP Hà Giang tố cáo, năm 2010, Nguyễn Thị Hằng thành lập Công ty CP Dược và thiết bị y tế Hằng Nguyên (Công ty Hằng Nguyên), ở TP Hà Giang, đứng tên Giám đốc và ngỏ ý vay bà H một số tiền để kinh doanh tân dược.

Hằng dựng lên kế hoạch mở các gói thầu thuốc tân dược rất hoành tráng, để cung cấp cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang, nhằm mục đích để bà H tưởng cô ta làm ăn lớn và đi vay gần 500 triệu đồng đưa cho Hằng. Đến ngày phải trả tiền, Hằng tìm đủ mọi cách khất nợ và đến nay vẫn chưa trả được tiền cho bà H.

Nằm trong diễn biến khác của vụ án, Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội còn được biết tháng 5-2010, Quỹ “Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hà Giang”, đã bảo lãnh cho Công ty Hằng Nguyên vay 1 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Hà Giang, để làm vốn kinh doanh tân dược.

Đến kỳ hạn trả nợ ngân hàng, Công ty Hằng Nguyên đã không thanh toán được nợ, vi phạm hợp đồng bảo lãnh tín dụng ký với Quỹ, đồng thời vi phạm các cam kết trong hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng. Sau đó, Quỹ đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trả nợ ngân hàng thay cho công ty để đảm bảo uy tín trong quan hệ phối hợp với ngân hàng và Công ty Hằng Nguyên lúc này đã ký nhận nợ khoản vay với Quỹ tổng số tiền gần 850 triệu đồng.

Nhiều lần Quỹ mới Hằng đến giải quyết nợ, nhưng cô ta viện nhiều lý do và thường xuyên thay đổi nơi ở tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Giang, Yên Bái để tránh mặt chủ nợ. Khi bị Công an tỉnh Hà Giang mời đến làm việc, Hằng cam kết sẽ trả nợ dần, nhưng cũng chỉ được vài lần nhỏ giọt, rồi cô ta rời khỏi nơi cư trú ở TP Hà Giang, sống lang thang ở nhiều nơi.

Giữa năm 2016, qua tìm hiểu và biết nơi ở của Hằng tại Hà Nội, cán bộ của Quỹ đã liên hệ yêu cầu thanh toán nợ, nhưng Hằng vẫn không thực hiện và tìm cách lẩn tránh. Cho đến giữa năm 2016, số dư nợ vay bắt buộc của Công ty Hằng Nguyên mà Nguyễn Thị Hằng là đại diện đã lên đến 550 triệu đồng.

Cũng trong quá trình làm rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Hằng, cơ quan điều tra được biết “nữ quái” này đã mượn danh nghĩa pháp nhân làm Giám đốc Công ty Hằng Nguyên để lừa đảo. Thủ đoạn hoạt động của đối tượng tinh vi đến mức thường thuê nhà ở những khu chung cư cao cấp, để tạo lòng tin với “đối tác” rồi đưa họ sập bẫy lừa đảo.

Tác giả bài viết: Hà Hoàng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP