Thế giới

Nữ sát nhân có 7 khuôn mặt khiến cảnh sát truy lùng suốt gần 15 năm

Sau gần 15 năm lẩn trốn và 7 lần thay đổi diện mạo, Kazuko Fukuda vẫn không thoát khỏi việc trả giá cho tội ác mà mình gây ra.

Kazuko Fukuda phẫu thuật thẩm mỹ thay đổi mặt 7 lần để trốn chạy sau khi giết người. Ảnh: Tokyo Reporter

Kazuko Fukuda ra đời năm 1948 tại Matsuyama. Bố mẹ ly hôn từ khi còn nhỏ, Fukuda sau đó sống cùng mẹ là kẻ điều hành một đường dây mại dâm ở thành phố Shikokuchuo, Ehime (Nhật Bản). Năm 1966, mới 18 tuổi, cô đã sống chung với bạn trai và cả hai cùng nhau đột nhập nhà của người đứng đầu Cục Thuế khu vực Takamatsu để cướp của. Sau khi bị kết án, Fukuda bị giam ở nhà tù khét tiếng Matsuyama.

Từ năm 1964 đến năm 1966, các băng đảng xã hội đen yakuza (mafia Nhật) thường xuyên hối lộ ban quản lý để đột nhập vào trại giam và tự tung tự tác. Không chỉ tổ chức uống rượu, hút thuốc và đánh bạc, chúng còn ngang nhiên cưỡng hiếp các nữ tù nhân. Và Fukuda cũng là nạn nhân của tệ nạn đó.

Khi ra tù, Kazuko Fukuda kết hôn ở tuổi 20. Nhưng 5 năm sau, cô ta ly dị chồng và tái hôn. Năm 1982, Fukuda lúc ấy 34 tuổi đã có 4 người con và làm tiếp viên tại một quán rượu ở thành phố Matsuyama, tỉnh Ehime (Nhật Bản). Theo các công tố viên, cô ta đã bóp cổ nữ tiếp viên làm cùng là Atsuko Yasuoka 31 tuổi đến tử vong ngay tại nhà nạn nhân vào ngày 19/8/1982.

Sau khi gây án, Kazuko Fukuda lấy đi tiền mặt và hơn 300 món đồ (bao gồm đồ nội thất và sổ tiết kiệm) trị giá tổng cộng khoảng 9,5 triệu yên. Cảnh sát cho biết, động cơ gây án của cô ta là để trả khoản nợ cho các công ty tài chính.

Hành trình thay đổi 7 gương mặt

Fukuda đã dùng 14 năm 11 tháng tiếp theo đó để trốn chạy và cố gắng để không bị bắt giữ. Lúc đầu, chồng Fukuda khuyên cô ta ra đầu thú nhưng người phụ nữ không chịu. Thay vào đó, cô còn nhờ chồng hỗ trợ chôn thi thể của nạn nhân Atsuko Yasuoka trên một ngọn núi ở Matsuyama. Sau đó, nữ sát nhân quay lại thành phố cùng với người tình bí mật của mình.

Tuy nhiên, khi các nhà điều tra bắt đầu vào cuộc, Fukuda đã bỏ trốn cùng số tiền khoảng 600.000 yên tiền mặt mà cô ta lấy được từ nơi ở của nạn nhân. Trong khi đó, người chồng lại bị bắt vì tội phi tang thi thể.

Ban đầu, Fukuda gặp khó khăn khi tìm việc làm tiếp viên do tuổi tác được xem là đã khá cao đối với nghề này. Tuy nhiên, cuối cùng cô ta cũng đã xin được việc làm tại một quán rượu ở thành phố Kanazawa, tỉnh Ishikawa – cách nơi gây án khoảng 620 km. Hai ngày sau, Fukada tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi hình dáng mũi và mắt tại một bệnh viện ở Tokyo và không ngừng tiếp tục các cuộc phẫu thuật sau đó. Vì điều này nên truyền thông gọi cô ta với biệt danh “người phụ nữ có bảy gương mặt”.

Nữ sát nhân di chuyển từ nơi này sang nơi khác, luôn cố gắng đi trước cảnh sát một bước. Khoảng tháng 9/1985, khi đang làm việc tại một hộp đêm ở Kanazawa, Fukuda gặp gỡ một khách hàng nam là chủ cửa hàng bánh kẹo lâu đời rồi dọn về sống chung.

Không ngờ sau khi người phụ nữ này làm việc ở cửa hàng bánh kẹo, doanh số bán hàng lại đạt được mức cao. Thậm chí, cầu thủ bóng chày huyền thoại Nhật Bản - Hideki Matsui hồi tiểu học từng là khách quen của cửa hàng bánh kẹo. “Cô ấy là một phụ nữ có vẻ ngoài đáng yêu”, Matsui nói trong một cuộc phỏng vấn sau khi Fukuda bị bắt vào năm 1997.

Thấy cuộc sống bắt đầu ổn định hơn, khoảng năm 1986, cô ta đưa đứa con trai 18 tuổi - Toshiyuk đến Kanazawa để làm việc cùng mình.

Không ngừng trốn chạy

Mặc dù được người bán bánh kẹo cầu hôn nhưng Fukuda không dám nhận lời ngay vì sợ quá khứ của mình bị bại lộ. Vào thời điểm này, Fukuda đã bị đưa vào danh sách truy nã toàn quốc, với hình ảnh xuất hiện trên các áp phích truy nã. Một người thân của ông chủ cửa hàng bánh kẹo sau khi nhìn thấy tấm áp phích đã nảy sinh nghi ngờ và đến trình báo với cảnh sát.

Ngày 12/2/1988 Fukuda đã đạp xe suốt quãng đường 235km để bỏ trốn tới Nagoya và tiếp tục làm nhân viên tại một khách sạn tình yêu. Lần này, Fukuda tiếp tục bị nhận ra khi người đồng nghiệp nhìn thấy tấm áp phích truy nã ở Sở cảnh sát Midori. Mặc dù được đồng nghiệp khuyên ra đầu thú, Fukuda vẫn mặc kệ mà chỉ chuyển sang làm ở một khách sạn khác trong thành phố. Tuy nhiên, vì hợp đồng lao động yêu cầu phải có dấu vân tay và ảnh, nên cô ta lại rời bỏ Nagoya và đến đến thành phố Fukui và ngày 13/5/1988. Ở Fukui, Fukuda tiếp tục tìm công việc làm tiếp viên.

Đến năm 1996, khi chỉ còn 1 năm là vụ án sẽ hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, Sở cảnh sát Matsuyama-Higashi - nơi đang xử lý vụ án bắt đầu cảm thấy lo lắng. Bởi thời điểm đó, luật pháp Nhật Bản quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ kéo dài tối đa 15 năm.

Cảnh sát treo thưởng 1 triệu yên cho ai cung cấp thông tin về Kazuko Fukuda, đây là một động thái chưa từng có khi đó. Bệnh viện Jujin ở Tokyo, nơi Fukuda đã thực hiện ít nhất một ca phẫu thuật thẩm mỹ cũng treo thưởng vì muốn chứng minh rằng họ phẫu thuật cho cô ta nhưng không hề biết đó là phạm nhân giết người. Hãng viễn thông cũng phát hành một loại thẻ điện thoại trả trước in hình truy nã của Fukuda.

Tờ Ehime Shimbun số ra ngày 29/7/1997 đưa tin về việc bắt giữ Kazuko Fukuda. Ảnh: Tokyo Reporter

Sa lưới pháp luật

Theo tờ Fukui Shimbun kể lại, bước ngoặt của vụ án xảy ra vào ngày 24/7, khi một khách hàng nam 59 tuổi tại nhà hàng Lẩu Oden ở thành phố Fukui báo cảnh sát: “Có một người phụ nữ thường xuyên ghé thăm một nhà hàng ở thành phố Fukui trông giống với nữ tội phạm đang bị truy nã Kazuko Fukuda". Lúc này cô ta đang sống với cái tên giả “Yukiko Nakamura”.

Cảnh sát áp giải Kazuko Fukuda bằng tàu hỏa đến tỉnh Ehime vào ngày 29/7/1997. Ảnh: Tokyo Reporter

Vào khoảng 2 giờ chiều ngày 29/7, cảnh sát cuối cùng đã bắt được Fukuda sau 14 năm 11 tháng truy tìm. Tháng 5/1999, Tòa án quận Takamatsu tuyên phạt Fukuda mức án tù chung thân. Phán quyết đó đã được Tòa án tối cao Takamatsu giữ nguyên vào năm sau và tiếp tục bác bỏ đơn kháng cáo tiếp theo vào năm 2003.

Tháng 2/2005, Fukuda lúc này 57 tuổi đang làm việc tại nhà máy của nhà tù Wakayama thuộc thành phố Wakayama thì lên cơn đột quỵ. Nữ phạm nhân qua đời sau đó vào ngày 10/3.

Năm 2010, Quốc hội Nhật Bản sửa đổi Luật Tố tụng Hình sự và bãi bỏ thời hiệu 15 năm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội giết người.

Tác giả: Trần Trang

Nguồn tin: Báo Tin tức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP