Kinh tế

Nông dân nỗ lực khắc phục hậu quả do hạn hán kéo dài

Thời gian qua, tình trạng nắng nóng kéo dài, thiếu nước tưới đã khiến cho một số cây trồng trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện tại, chính quyền và người dân đang khẩn trương thực hiện các biện pháp cứu hạn và chăm sóc cây trồng.

500 gốc chanh mang lại thu nhập mỗi năm xấp xỉ 30 triệu đồng của gia đình chị Nguyễn Thị Vinh ở xóm 2, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên chỉ qua một thời gian nắng hạn gay gắt đã chết gần 100 gốc, số còn lại nhờ trận mưa cuối tháng 7 mới có thể dần hồi xanh. Theo chia sẻ của chị Vinh: “Mặc dù nhà tôi vẫn chăm vườn mà chanh cũng vẫn chết. Chanh tươi tỉnh chút thì cũng mừng chứ nắng tiếp tục mà nó chết thì cũng rất buồn. Chỉ có trồng chanh, nên cũng lo lắng, nếu chanh chết thì không có chi để thu nhập.”

Nắng nóng, thiếu nước tưới khiến cây chanh chết khô gây thiệt hại kinh tế không nhỏ.


16 ha lúa của người dân xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên gần như rơi vào trạng thái héo đã được cứu sống nhờ trận mưa vừa qua. Thế nhưng, do nguồn nước cấp từ đập Thạch Tiền đã cạn đáy, nên cả xã vẫn có đến hơn 100 ha đất lúa bị bỏ hoang hoàn toàn.

Trao đổi với chúng tôi về kế hoạch khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Thanh Sơn – Trưởng ban Nông nghiệp xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên cho biết: “Nhờ có trận mưa ngày 27/7 vừa qua lúa đã hồi lại được. Hiện nay lúa đang trở lại bình thường, đang tiến hành dắm tỉa, chăm sóc đợt một. Còn những diện tích mà không sản xuất lúa được do thiếu nước thì xã cũng hướng dẫn cho dân chuyển sang trồng cây màu.”

Không riêng gì xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, mà tình trạng thiếu nước, gây hạn nặng cho cây trồng cũng diễn ra ở nhiều huyện, thành thị khác trên địa bàn tỉnh, biểu hiện rõ nhất ở những huyện cuối nguồn nước của hệ thống thủy lợi Nam như huyện Nghi Lộc. Dù biết là đã chậm so với thời vụ, nhưng người dân vẫn phải bám trụ với cây lúa, chờ nước, chờ “mưa vàng” để dặm lúa vào những chỗ đã chết khô. Hiện tại, theo chia sẻ của ông Đặng Hồng Ngọc – người dân xóm 12, xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, ngay khi có mưa, người dân tập trung ra đồng bón đạm, dắm lại nên cây lúa cũng đã sống lại.

Người dân tích cực xuống đồng bón đạm, dắm lại cây sau những ngày mưa để cứu lúa.


Nói về những khó khăn và cách khắc phục trong sản xuất vụ mùa ở địa phương, ông Nguyễn Xuân Quang – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc cho biết: “Nghi Lộc nằm ở cuối nguồn nước Nam, Hưng, Nghi nên gặp nhiều khó khăn, các huyện trồng hết rồi mới có nước cho Nghi Lộc. Nghi Lộc sản xuất Hè thu năm nào cũng gặp hạn, thiệt hại từ hạn tương đối lớn. Vì thế việc đầu tiên là căn cứ vào tình hình nguồn nước hồ đập để bố trí cây trồng, có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, biện pháp chỉ đạo đến tận xóm, từng hộ gia đình.”

Sản xuất nông nghiệp ngày càng khó khăn, nông dân không chỉ phải đối phó với dịch bệnh mà còn bị phụ thuộc rất nhiều đến yếu tố khí hậu thời tiết. Mưa thuận gió hòa thì còn có thể sản xuất cho thu hoạch, nếu không cũng phải tìm mọi cách tích nước, bảo vệ cây trồng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Mong rằng những cố gắng bám giữ đồng ruộng của người nông dân sẽ được đền đáp xứng đáng.

Tác giả bài viết: Phương Thảo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP