Trước đây, nông dân Nga thường giữ lại ngũ cốc để chờ giá tốt hơn, nhất là khi giá ngũ cốc toàn cầu đang giảm. Tuy nhiên, với lãi suất ngân hàng tăng cao, giờ đây họ đang đẩy mạnh bán tháo để gửi tiền vào ngân hàng, theo phân tích của các chuyên gia.
Một góc nhìn cho thấy những bông lúa mì trên một cánh đồng ở Vùng Rostov, Nga ngày 10/7/2024. Ảnh: Sergey Pivovarov |
Ngân hàng trung ương Nga mới đây đã nâng lãi suất chủ chốt lên mức 21%, cao nhất trong hơn 20 năm qua nhằm kiềm chế lạm phát trong nền kinh tế đang nóng. Nhiều ngân hàng hiện cung cấp các khoản tiền gửi ngắn hạn với lãi suất lên đến 25%.
Ông Dmitry Rylko, giám đốc công ty tư vấn nông nghiệp IKAR, chia sẻ: "Giờ đây, bán ngũ cốc rồi gửi ngân hàng với lãi suất trên 20% là lựa chọn dễ dàng và hiệu quả". Ông còn cho biết, không còn ai giữ lại ngũ cốc nữa, ngược lại, họ bán rất mạnh, góp phần vào lượng xuất khẩu lớn của năm nay.
Theo các chuyên gia, khả năng thuế xuất khẩu lúa mì có thể tăng tiếp trong những tuần gần đây khiến nông dân càng không muốn giữ lại kho dự trữ. Trong khi nông dân ở nhiều quốc gia khác không mặn mà bán ngũ cốc với giá hiện tại, Nga lại đang đẩy mạnh bán ra với tốc độ kỷ lục. Hàng tồn kho trong nước đang giảm, nhiều công ty phải tìm đến các cuộc đấu giá của nhà nước để thu mua thêm ngũ cốc cho xuất khẩu.
Dự trữ lúa mì “giảm mạnh”
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Sovecon, lượng lúa mì dự trữ của Nga tính đến ngày 1 tháng 10 giảm 14%, còn 38,7 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Dự trữ này từng tăng 21% trong quý II, nhưng hiện đã sụt giảm mạnh do sản lượng thấp và xuất khẩu tăng cao.
Tháng 10 vừa qua, xuất khẩu ngũ cốc bằng đường biển của Nga tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 6,3 triệu tấn. Tính từ đầu năm, lượng ngũ cốc xuất khẩu tăng 2,1% so với năm 2023, theo dữ liệu vận chuyển do Reuters thu thập.
Các chuyên gia ước tính Nga đã xuất khẩu khoảng 45% trong tổng tiềm năng xuất khẩu ngũ cốc của mùa vụ năm nay, ước tính chính thức là từ 55 đến 57 triệu tấn.
Bộ Nông nghiệp Nga dự báo sản lượng ngũ cốc năm nay đạt 130 triệu tấn, giảm 12% so với mức 148 triệu tấn của năm 2023, và giảm 18% so với kỷ lục 158 triệu tấn năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết xấu kéo dài trong nhiều tháng liền.
Đầu năm nay, khi sương giá mùa xuân và hạn hán gây thiệt hại nặng nề cho vụ mùa, một số nông dân đã cân nhắc giữ lại ngũ cốc chờ giá toàn cầu hồi phục.
Ông Konstantin Yurov, một nông dân ở vùng Krasnodar, chia sẻ vào tháng 8: "Trong nông nghiệp, những năm mất mùa xảy ra theo chu kỳ. Để vượt qua giai đoạn khó khăn, chúng tôi cần giá tăng cao hơn. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi".
Tác giả: Dũng Phan
Nguồn tin: congluan.vn