Trong nước

Nóng chuyện xe công, trụ sở, SIM số đẹp...

Kiến nghị các cơ quan nhà nước nếu không sử dụng hết công suất trụ sở, tài sản thì phải điều chuyển cho các cơ quan khác.


Quốc hội (QH) chiều 10-11 đã dành phần lớn thời gian để thảo luận về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Vấn đề khoán xe công và sử dụng lãng phí trụ sở, đất đai nhà nước lại nổi lên.

Khoán xe nên để tự nguyện

Đại biểu (ĐB) Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhận định vấn đề khoán xe công nếu thực hiện tốt sẽ tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước, tránh sử dụng xe công sai mục đích, lãng phí. Tuy vậy, dự thảo luật chưa quy định rõ khoán xe là bắt buộc hay chỉ mang tính tự nguyện, cũng chưa thống nhất về mức và hình thức khoán xe công. “Theo tôi, việc khoán xe chỉ nên áp dụng ở cơ chế tự nguyện, không bắt buộc vì xe là phương tiện, điều kiện làm việc” - bà Mai đề xuất vì cho rằng kể cả nghị quyết của QH về dự toán ngân sách nhà nước cũng chỉ quy định “từng bước áp dụng cơ chế khoán”.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất dán nhãn cho xe công. Nhãn hiệu đó sẽ bao gồm những thông tin như cơ quan quản lý xe, đối tượng sử dụng xe, xe được dùng chung hay dùng riêng, thời gian sử dụng xe. “Quy định như vậy cũng để chúng ta theo dõi, đánh giá lại việc sử dụng xe công. Còn lãng phí là do sử dụng không đúng tiêu chuẩn hoặc đúng tiêu chuẩn mà chưa đúng mục đích. Từ đó chúng ta quyết định nên sửa tiêu chuẩn sử dụng xe công trước hay nên điều chỉnh mục đích sử dụng xe công trước” - ông Cảnh nói.

Trụ sở các cơ quan chính quyền xã Tam Sơn (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) được cho là quá quy mô, lãng phí trong khi có nhiều việc khác cấp thiết hơn cần đầu tư. Ảnh: P.Thảo

Gắn biển cho tài sản công

ĐB Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho hay trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều trụ sở của cơ quan, doanh nghiệp trung ương nhiều năm qua bị sử dụng lãng phí, sai mục đích trong khi TP đang rất cần nguồn lực đất đai để phát triển.

Vì vậy, ông Tuấn đề nghị cần có quy định phân cấp mạnh hơn cho địa phương trong quản lý tài sản công. Địa phương phải được chủ động phối hợp với các cơ quan trung ương trong quản lý tài sản công; chịu trách nhiệm chính và có thẩm quyền quyết định đối với những tài sản công được sử dụng không đúng mục đích. “Có như vậy mới đảm bảo tài sản nhà nước được sử dụng đúng mục đích và phù hợp quy hoạch của địa phương” - ông Tuấn nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh thì đề nghị đối với đất đai, trụ sở công cần quy định phải gắn biển thông tin về cơ quan quản lý, đối tượng sử dụng, mục đích sử dụng, tọa độ, diện tích sử dụng đất và thời gian giao đất… để địa phương dễ dàng giám sát.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai góp ý thêm việc khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước, dự luật quy định chưa hợp lý. Tại khoản 3 Điều 34 quy định cơ quan nhà nước được sử dụng hội trường, phương tiện vận tải chưa sử dụng hết công suất cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác sử dụng và thu một khoản kinh phí. “Về bản chất đây chính là hình thức cho thuê tài sản, chẳng qua là nói tránh đi thôi. Nếu như vậy nhiều cơ quan, tổ chức lợi dụng quy định này để kinh doanh thu lợi nhuận” - bà Mai nói.

Để chấm dứt tình trạng này, bà Mai kiến nghị các cơ quan nhà nước nếu không sử dụng hết công suất trụ sở, tài sản thì cần điều chuyển cho các cơ quan khác. Tuyệt đối không được dùng tài sản công để kinh doanh thu lợi nhuận.

Đấu giá kho số có thể thu 100.000 tỉ đồng

ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng thực hiện đấu giá và cấp số theo nhu cầu số xe, số điện thoại là việc nên làm. Đây là nhu cầu có thật của đa số người dân, nếu làm sẽ thu được số tiền không nhỏ cho ngân sách. “Tôi ước tính nếu được triển khai trong giai đoạn 2018-2020 sau khi luật có hiệu lực, ngân sách có thể thu đến 100.000 tỉ đồng” - ông Cảnh nói.

Ông Cảnh đề nghị phân biển số làm ba loại: Loại số đẹp như ngũ linh, tứ quý, tam hoa, lộc phát, phát tài, số lộc, số gánh, số tiến, số chín nút... sẽ được đấu giá. Đối với những biển số theo yêu cầu của người dân như số ngày sinh, ngày cưới, năm sinh… thì sẽ thu lệ phí. Loại thứ ba là bấm nút ngẫu nhiên như hiện nay thì không thu tiền.

“Hiện cả nước có 80 đầu số, kết hợp với bảng chữ cái theo thông tư của Bộ Công an thì sẽ có 160 triệu số dành cho ô tô trong vài chục năm tới. Trong đó có 14.400 số ngũ linh. Nếu đấu giá bình quân 1 tỉ đồng/số thì chúng ta có 14.400 tỉ đồng. Đối với các số khác còn nhiều hơn, chúng ta có thể thu cho ngân sách nhiều hơn. Khoản thu đối với số điện thoại, số xe máy cũng rất lớn” - ông Cảnh nêu.

Tác giả bài viết: Chân Luận

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP