Những chiếc thuyền đang đưa cát về tập kết trong bãi ở gần cầu Giao Thủy. |
Cùng cháu nhỏ đi chăn bò trên cánh đồng quen thuộc trong thôn, bà Hồ Thị Ngộ (thôn Hà Nha, xã Đại Đồng, H. Đại Lộc) thẩn thờ nhìn con sông Vu Gia ngày càng mở rộng về hướng khu dân cư.
Chỉ tay về phía xa, bà Ngộ cho biết, 2 sào đất của nhà mình đã không còn sản xuất được, một phần vì bị sạt lở, phần khác bị bồi lấp cát sỏi. “Mấy năm trước dòng chảy của sông Vu Gia đoạn qua thôn Hà Nha này nằm phía bên kia, gần chân núi Ngọc Kinh. Nhưng vài năm trở lại đây thì dòng chảy thay đổi, lấn về phía trong thôn, khiến đất sản xuất dần sạt lở, đến mùa lũ thì dân lại lo nơm nớp.
Tất cả là do mấy cái tàu hút cát đó”, bà Ngộ than thở. Những năm qua, chỉ một đoạn sông Vu Gia chảy qua thôn Hà Nha nhưng có đến mấy điểm khai thác cát. Lúc cao điểm, máy hút bòn rút lòng sông ngày lẫn đêm, hàng trăm lượt xe tải liên tục ra vào lấy cát. Chỉ trong thời gian ngắn, lòng sông bị biến dạng, nhiều hố sâu xuất hiện, diện tích đất nông nghiệp sạt lở...
Đứng chênh vênh trên khoảng đất bị sạt lở, anh Trần Nam (thôn Hà Nha) cho biết, mấy tháng qua tình trạng khai thác cát ở các mỏ tại đây đã giảm nhiều vì tỉnh Quảng Nam đang chấn chỉnh lại hoạt động khai thác cát trên địa bàn.
“Như trước đây thì họ làm ầm ầm nên người dân trong thôn ai cũng lo lắng. Các doanh nghiệp khai thác cát, rồi bán thu lợi nhuận, còn người dân chúng tôi phải chịu cảnh sạt lở, mất đất sản xuất, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng nữa, đã có 4-5 trường hợp tử vong vì đuối nước do bị cuốn vào các hố sâu do các tàu hút cát tạo ra”, anh Nam kể.
Ông Quang rất bức xúc về nạn “cát tặc” xảy ra trên sông Yên. |
Tìm về những địa phương có mỏ và bến tập kết cát ở Đại Lộc, nơi đâu người dân cũng phản ánh với chúng tôi về nỗi bức xúc và âu lo về hoạt động khai thác cát. Đưa tôi ra giữa cầu Giao Thủy (xã Đại Hòa), anh Đ. người làng Giao Thủy chỉ tay về phía những chiếc thuyền đầy cát chờ tập kết vào bãi, bên cạnh đó là những chiếc thuyền được trang bị máy hút công suất lớn đang “ăn cát”.
“Mỗi ngày tại bãi tập kết này có hàng trăm lượt xe vào lấy cát, mà khai thác nhiều như thế thì sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy, việc sạt lở không thể tránh khỏi”, anh Đ. lo lắng. Tình trạng sạt lở khiến nhiều diện tích đất sản xuất bị cuốn trôi, nhiều người dân phải chuyển đến nơi khác sinh sống.
Không chỉ có những mỏ cát có phép, hoạt động khai thác cát trái phép trên các tuyến sông ở Quảng Nam cũng diễn ra rất nghiêm trọng. Bởi vì với “cát tặc”, cát là “vàng trắng”, nên họ bất chấp tất cả để rút ruột lòng sông, mặc cho những bãi bờ sạt lở.
Nhiều tháng qua, người dân ở thôn 2, xã Điện Tiến (thị xã Điện Bàn) rất bức xúc trước tình trạng trộm cát trên sông Yên. Lão nông Võ Công Quang (thôn 2, xã Điện Tiến) kể, con sông Yên chảy qua xã Điện Tiến là địa bàn giáp ranh giữa Quảng Nam và Đà Nẵng, lợi dụng điều này nên “cát tặc” cứ đưa thuyền lên hút trộm. Có thời điểm, việc khai thác cát trên sông Yên thuộc địa phận 2 xã Điện Hồng, Điện Tiến diễn ra rầm rộ, cả một đoạn sông chẳng khác gì công trường.
Thực trạng này đã khiến bãi bờ dọc sông Yên bị lở nghiêm trọng, nhiều ngôi nhà của người dân chỉ còn cách bờ vực sông chỉ hơn 10 mét và nhà ông Quang nằm trong số đó. “Khi thấy nạn trộm cát xảy ra, người dân phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng chẳng thấy hiệu quả, thế là khi phát hiện “cát tặc” nhiều người hò nhau ném đá, nhưng đuổi chỗ này thì chúng chạy đến nơi khác hút”, ông Quang nhớ lại.
Trước tình hình khai thác cát trái phép trên sông Yên, mới đây, Phòng CS môi trường (CA tỉnh Quảng Nam) đã bắt giữ thuyền VC090-145.36, do Phạm Tấn Vương (trú xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) hút cát trái phép dưới sông Yên, thời điểm bị bắt quả tang, trên thuyền có gần 40m3 cát. Trước đó lực lượng CA xã Điện Tiến bắt quả tang thuyền của ông Huỳnh Văn Ngọc (trú xã Đại Hiệp, H. Đại Lộc) đang hút trộm cát với khối lượng khoảng 25m3 trên sông Yên.
Bà Ngộ phản ánh tình trạng sạt lở đất sản xuất khi có nhiều mỏ cát hoạt động ở thôn Hà Nha. |
Các chủ thuyền đều khai nhận, sau khi hút trộm cát sẽ chở đến bán cho một bãi tập kết gần đó. “Khi xã và CA tỉnh bắt mấy thuyền hút trộm cát thì giờ nó không làm rầm rộ nữa mà chuyển sang hoạt động vào ban đêm và lúc rạng sáng. Mấy chiếc thuyền hút ban ngày thì đậu ở bến cát, đến đêm là chạy dọc tuyến sông để trộm cát”, ông Quang nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có sự câu kết giữa “cát tặc” và không ít bãi tập kết ven các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Nhiều thuyền ban ngày làm nhiệm vụ vận chuyển cát từ mỏ về bãi tập kết, nhưng đêm đến lại trở thành “cát tặc”. Trong đợt kiểm tra hoạt động bến thủy nội địa, bãi tập kết vật liệu xây dựng vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã phát hiện nhiều bãi tập kết không có giấy phép nhưng vẫn hoạt động.
Tại TX Điện Bàn, trong số 21 bến bãi tập kết, vận chuyển cát được lập thì đoàn kiểm tra phát hiện có đến 18 bến bãi chưa có giấy phép theo quy định của pháp luật.
Với nguồn lợi khổng lồ từ việc khai thác cát trái phép mang lại, thật dễ hiểu khi “cát tặc” bất chấp tất cả và dùng mọi thủ đoạn để hút trộm, để lại những hậu quả cho người dân đôi bờ phải gánh chịu.
Tác giả: Hoàng Anh
Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng