Cuộc sống

Nỗi sợ của mẹ chồng: Chiêu cao tay giữ hạnh phúc khiến nàng dâu phục sát đất

Trước vô số nỗi sợ mang tên “con dâu”, nhiều mẹ chồng đã có những “cuộc cách mạng tư tưởng” để giữ hạnh phúc gia đình thành công.

"Lạt mềm buộc chặt”

Muốn hóa giải những mâu thuẫn trong cuộc sống mẹ chồng - nàng dâu, phải đi từ nơi gốc rễ nảy sinh và dùng tình cảm để giải quyết vấn đề liên quan đến tình cảm.

Đã có không ít gia đình, mẹ chồng thân thiện như mẹ ruột, con dâu thảo hiền như con gái ruột, không còn những chuyện “con dâu là khách ở nhờ”.

Tuy nhiên, để có được những tình cảm chân thành ấy, không chỉ cần một nàng dâu hiểu chuyện mà cũng cần phải gặp được mẹ chồng “cao tay”. Nếu gặp một nàng dâu chưa đảm đang, chu toàn mà mẹ chồng vội vàng mắng nhiếc, bỏ mặc không dạy dỗ bảo ban, thì đâu thể giúp con trai mình nắm bắt được hạnh phúc viên mãn.

Nhắc đến vấn đề này, chị Hiền Ly (Hải Phòng) tự hào “khoe” mẹ chồng tâm lý: Mẹ chồng tôi chỉ mong con trai đối xử tốt với vợ rồi bảo mẹ không cần gì chỉ cần hai đứa hạnh phúc là vui rồi”.

Thấu hiểu nỗi lòng của hầu hết mẹ chồng, chị Hoài Thu (Thái Bình) nhận định: “Tâm lý mẹ chồng nào cũng như nhau cả, đã hầu con trai hơn 20 năm, xong lấy được cô con dâu về mà còn phải hầu cả con dâu thì có mẹ chồng nào chịu được?”.

Mẹ chồng - nàng dâu

Mẹ chồng - nàng dâu nên hóa giải những mâu thuẫn thật nhẹ nhàng.

Chị Hoàng Trà (Quảng Ninh) cũng khẳng định: “Con gái sau khi lấy chồng, gặp được nhà chồng tốt, thì không lo thiệt. Tuy nhiên, cũng phải có cái nền trước, mình cũng là con gái độc nhất bên họ nội, được chiều vô cùng, hồi bé chẳng phải làm gì, nhưng khi lên cấp 3 là bắt đầu ngó anh trai và mẹ chuyện nấu nướng để học hỏi, bắt chước theo, làm được mấy món đơn giản. Sau đó, khi kết hôn, sẽ được chỉ bảo thêm từ từ”.

Đã sống chung với mẹ chồng 5 năm, chị Vũ Thị Thảo (Nam Định) luôn cảm thấy mình may mắn: “Đã hơn 5 năm kể từ khi được mẹ chồng đón về nhà. Vì bố chồng mất sớm, chồng tôi lại là lái xe đường dài, thường xuyên đi xa dài ngày, nên hiện giờ trong nhà, chỉ có tôi với mẹ chồng nương tựa. Mẹ chồng tôi không những vui tính, chăm sóc từng bữa ăn cho tôi mà còn rất hiểu tâm tư của tôi, luôn quan tâm, lắng nghe tôi chia sẻ mọi điều. Tôi thực sự may mắn vì đã có người mẹ chồng tốt đến vậy, trước khi lấy chồng, tôi đã từng rất lo lắng khi thấy bạn bè và chị em thường xuyên than thở những câu chuyện sống chung với mẹ chồng, giống như địa ngục trần gian vậy”.

Chị Lê Kim Oanh (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi sống với bố mẹ chồng gần một năm, nói thật, ở với bố mẹ chồng còn thích hơn ở nhà. Bố mẹ chồng toàn trông con cho tôi về thăm nhà bố mẹ ruột. Có lẽ, do gia đình chồng khá thoải mái và tâm lý nên mình không hề cảm thấy sợ Tết tại nhà chồng như một số trường hợp”.

Chị Lê Kim Oanh

Chị Lê Kim Oanh luôn cảm thấy sống ở nhà chồng còn thoải mái hơn cả ở nhà mẹ ruột.

Cũng may mắn gặp được mẹ chồng tốt và tâm lý, chị Phạm Mi (Thanh Hóa) bày tỏ: “Tôi thương mẹ từ những chuyện nhỏ nhặt nhất trong gia đình, bởi sự tỉ mỉ của mẹ chăm lo cho từng thành viên. Suốt hai năm kể từ ngày về làm dâu, tôi chưa bao giờ nghĩ mẹ là “mẹ chồng” cả.

Có những lần tôi xích mích và có to tiếng với chồng, có thể tôi sai nhưng mẹ vẫn bênh và không một từ la mắng hay nói nặng nhẹ”.

"Con dâu cũng là con gái"

Bà Vũ Thị Nhì (Pleiku) cho biết: “Tôi là mẹ chồng của hai nàng dâu, mặc dù các con đã ở riêng nhưng hầu như ngày nào mẹ con cũng điện thoại nói chuyện, chia sẻ với nhau như những người bạn. Một hai ngày mà không gặp hay không nói chuyện với nhau là tôi nhớ hai đứa lắm. Con nào cũng là con cả mà”.

Mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu vốn nảy sinh từ vấn đề tình cảm, vì vậy, dùng tình cảm để hóa giải sẽ hiệu quả nhất.

Bà Vũ Thị Nhì

Bà Vũ Thị Nhì (ở giữa, hàng sau) luôn coi con dâu là con gái ruột.

Chị Nguyễn Bích Hồng (Lào Cai) chia sẻ câu chuyện “sống chung với mẹ chồng” từ những ngày đầu về làm dâu tại vùng nông thôn xa xôi. Vốn là một cô gái ở thành phố, chị Hồng kết hôn và sinh sống cùng gia đình chồng tại một xã nghèo huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Những ngày đầu tiên, chị còn gặp khá nhiều “bỡ ngỡ” trong chuyện làm dâu, chưa quen bầu không khí mới, chưa quen có thêm nhiều mối quan hệ, do họ hàng bên chồng rất đông.

Tuy nhiên, với sự yêu thương của mẹ chồng, chưa từng một lời mắng nhiếc, dù cho những bữa cơm nấu bếp củi đầu tiên chưa trọn vẹn. Mẹ chồng chị chỉ nhẹ nhàng làm mẫu, hướng dẫn những gì mà chị chưa biết.

Gia đình có đông anh chị em, chồng chị Hồng là người con thứ tư, nhiều chị em dâu khác có những khi muốn bắt nạt chị, nhưng mẹ chồng đều kịp thời bênh vực.

Chị nhớ nhất câu nói của mẹ chồng khi đó: “Các con là chị em dâu trong nhà nhưng chẳng khác nào con gái ruột của mẹ, mẹ cùng thương các con như nhau, ai thương mẹ thì cũng thương các chị em. Không thương các chị em tức là không thương mẹ, không coi mẹ là mẹ”.

Sau một thời gian, chị Hồng chuyển ra ở riêng nhưng vẫn thường xuyên về thăm hỏi, phụ giúp mẹ chồng việc nhà, vì quá thương quý mẹ chồng và coi như một người mẹ ruột thứ hai.

Chẳng cần phải to tiếng, ồn ào, mẹ chồng chị Hồng vẫn có thể khiến các con dâu đoàn kết, yêu thương lẫn nhau và tôn trọng mẹ chồng.

Trong cuộc sống, có những điều thật đơn giản nhưng có thể mang lại hiệu quả rất lớn. Mỗi mối quan hệ trong gia đình là một sợi dây rất mong manh, khéo léo chắp nối thì sẽ liền mạch, bền chặt, mà mạnh tay quá sẽ có thể làm đứt lúc nào không hay.

Tác giả: Cẩm Mịch

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP