Vết nứt do rung chấn của các trận động đất trong nhà dân ở xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN) |
Sau mỗi trận động đất, chính quyền các cấp ở địa phương đều đến tận nơi để nắm bắt tình hình, động viên bà con yên tâm bám đất bám làng bởi đây là hiện tượng tự nhiên.
Tuy nhiên động đất cứ liên tiếp xảy ra khiến đồng bào nơi đây không khỏi hoang mang.
Liên tiếp trong những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, động đất và dư chấn thường xuyên xảy ra ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 thuộc địa phận huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đi kèm sau những tiếng nổ lớn là những chấn động mạnh, nhất là vào ban đêm, khiến đồng bào nơi đây luôn sống trong nỗi bất an.
Mới đây nhất, trận động đất xảy ra vào lúc 22 giờ ngày 20/5, tại vị trí có tọa độ (15.221 vĩ độ Bắc,108.067 độ kinh Đông), thuộc địa phận huyện Nam Trà My, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km và mạnh 2,7 độ Richter.
Ước mơ của già làng Đinh Văn Thành là có được chỗ ở ổn định để bà con yên tâm sinh hoạt, sản xuất. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/Vietnam+) |
Vị trí chấn tâm của trận động đất này nằm tại khu vực Nước Xa, thuộc xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, giáp ranh với huyện Bắc Trà My. Khu vực này nằm trong lòng hồ, thuộc thượng nguồn của hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2.
Đặc biệt vào cuối tháng 2, chỉ trong một ngày, trong khu vực gần thủy điện Sông Tranh 2, nơi tiếp giáp giữa hai huyện Nam Trà My và Bắc Trà My liên tiếp xảy ra 2 trận động đất, trận trước cách trận sau chỉ hơn 2 giờ đồng hồ.
Dù đã quá quen với động đất và được chính quyền địa phương tuyên truyền giải thích, được tham gia diễn tập phòng ngừa thảm họa do động đất gây ra, song các trận động đất cứ liên tiếp xảy ra đã có tác động không nhỏ đến đời sống của nhiều người, khiến người dân trong vùng không khỏi lo âu.
Bà Đỗ Thị Vĩnh, thôn 1, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam lo lắng “Mỗi khi có động đất, bà con thường chui xuống gầm bàn, gầm phản nhằm tránh tình trạng vật liệu rơi trúng hoặc chạy ra ngoài đường. Đó là những trường hợp động đất xảy ra vào ban ngày, còn động đất xảy ra vào ban đêm thì chịu, không biết chạy đâu, bà con cũng rất sợ.”
Sau mỗi trận động đất, cùng với các cấp chính quyền địa phương, Già làng Đinh Văn Thành, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam tích cực động viên bà con bám đất, bám làng, không nghe lời kẻ xấu xúi giục, kích động dẫn đến bỏ bê ruộng vườn, làm điều sai trái.
Tuy nhiên do động đất thường xuyên xảy ra nên bản thân già làng Đinh Văn Thành nhiều lúc cũng dao động, bất an. “Nhà cửa của bà con ở đây bị hư hại rất nhiều, mỗi lần động đất xảy ra bà con rất sợ nhưng cũng không biết làm sao. Mong muốn lớn nhất của bà con chúng tôi ở đây là mong được Nhà nước và các ngành có liên quan bố trí cho chúng tôi nơi ở ổn định để yên tâm làm ăn,” già làng Đinh Văn Thành chia sẻ.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam nói về kế hoạch của địa phương để đối phó với động đất. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/Vietnam+) |
Xã Trà Đốc, Trà Bui, Trà Giang, Trà Tân thuộc huyện Bắc Trà My là những địa phương ở khu vực xung quanh lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, nơi thường xuyên xảy ra động đất, đây cũng là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà con nơi đây cho biết, cách đây hơn 5 năm, khi tình hình động đất mới xuất hiện, đã có nhiều nhà bị hư hại, lúc đó bà con đã được Thủy điện Sông Tranh 2 hỗ trợ kinh phí để sửa chữa lại nhà ở.
Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, việc hỗ trợ này không còn nữa, trong khi động đất thì vẫn cứ diễn ra, nhà ở của bà con tiếp tục bị hư hại, do vậy bà con luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn và lo lắng.
Đã chứng kiến nhiều trận động đất xảy ra trên địa bàn, ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My cho biết: “Trong năm 2017 này tình hình động đất tiếp tục xuất hiện trở lại, với cường độ mạnh. Sau mỗi trận động đất, chính quyển địa phương xuống tận nơi để tuyên truyền, vận động bà con không hoang mang, dao động, vận động bà con yên tâm sản xuất, không nghe lời xúi giục của kẻ xấu để làm mất trật tự. Tuy nhiên tình trạng động đất vẫn cứ tiếp diễn nên bà con gặp không ít khó khăn, lo lắng.”
Trước sự lo lắng của người dân, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cho hay “Để đối phó với động đất có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào, trong thời gian qua, huyện Bắc Trà My đã xây dựng lịch trực của lãnh đạo huyện để cùng các ngành chức năng kịp thời theo dõi diễn biến sau mỗi trận động đất để có chỉ đạo cụ thể. Ngoài ra chúng tôi còn thường xuyên tuyên truyền đến đồng bào về động đất là hiện tượng tự nhiên để bà con yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, trong khả năng của mình, chúng tôi chỉ biết tuyên truyền, vận động bà con yên tâm bám đất, bám làng, yên tâm sản xuất chứ không thể làm gì được nhiều hơn,” ông Tuấn nói.
Động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 liên tiếp xảy ra. Và cứ sau mỗi trận động đất, các cấp chính quyền ở huyện Bắc Trà My nói riêng và các địa phương trong khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 nói chung chỉ có cách là động viên giải thích cho bà con yên tâm bám đất bám làng, không nghe lời kẻ xấu bịa đặt, xúi giục làm điều bậy bạ.
Tuy nhiên do động đất cứ liên tiếp xảy ra, đồng bào trong khu vực quanh hồ thủy điện Sông Tranh 2 vẫn phải sống trong nỗi bất an vì không biết động đất sẽ còn xảy ra vào bất kỳ lúc nào./.
Tác giả: Đoàn Hữu Trung
Nguồn tin: VietnamPlus.vn