Nhắc đến thành công của cán bộ, chiến sĩ Phòng Công tác chính trị (PX15) các tỉnh không thể không kể đến Phòng PX15 Công an tỉnh Quảng Ngãi.
Nhiều năm liền giành huy chương vàng, huy chương bạc trong các kì Liên hoan truyền hình CAND toàn quốc, Phòng PX15 tỉnh Quảng Ngãi từ lâu đã trở thành một thương hiệu thực sự trong làng báo. Trong đó, có những đóng góp không nhỏ của Thượng tá Trần Trung Thành, Phó Trưởng phòng phụ trách công tác tuyên truyền. Với anh nghề báo như một cái duyên đến với mình.
Tốt nghiệp Đại học ANND (nay là Học viện ANND), anh về công tác tại một phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh. Lúc bấy giờ, truyền hình Quảng Ngãi đang muốn xây dựng chương trình "An ninh Quảng Ngãi", thấy anh có năng khiếu quay phim, viết lách, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh khi ấy đã điều động anh về Phòng PX15 để đảm nhận nhiệm vụ này. Và đến nay anh đã có gần 20 năm gắn bó với phòng và cũng gần 20 năm gắn bó với chuyên mục "An ninh Quảng Ngãi".
Thượng tá Trần Trung Thành (bên trái), Phó trưởng phòng PX15 Công an tỉnh Quảng Ngãi. |
Trong gần 20 năm dấn thân với nghề báo, Thượng tá Trần Trung Thành có biết bao kỉ niệm buồn vui đáng nhớ. Cũng bôn ba khắp các vùng xa xôi, hẻo lánh của tỉnh Quảng Ngãi, cũng ăn cùng, ở cùng, bám trụ cùng bà con dân bản nhiều ngày liền để làm những phóng sự truyền hình để đời.
Đến bây giờ anh vẫn còn nhớ mãi kỷ niệm chuyến tác nghiệp đầy sóng gió trong những năm đầu mới thành lập chuyên mục truyền hình "An ninh Quảng Ngãi". Đó là thời điểm cuối năm 1999, khi cơn lũ lịch sử vừa tràn qua dải đất miền Trung, cả vùng Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức... nước ngập trắng trời.
Khi đó, nhận nhiệm vụ cấp trên giao, anh đã trực tiếp bám theo lực lượng Cảnh sát giao thông đi cứu hộ, cứu nạn giúp nhân dân ở xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức...
Hơn một ngày đêm vật lộn với bão lũ, hàng nghìn người dân cùng tài sản đã được lực lượng Công an di chuyển đến nơi an toàn; hình ảnh các chiến sĩ Công an lăn xả trong mưa bão để cứu giúp nhân dân đã được ghi lại, chuyển về Trung tâm Truyền hình Việt Nam phát sóng kịp thời. Trong đó có một thước phim vô cùng cảm động là hình ảnh một chiến sĩ CSGT cõng trên vai một em nhỏ, bơi trong dòng nước xoáy, đã khắc ghi đậm nét hình ảnh người chiến sĩ Công an vì nước quên thân, vì dân phục vụ trong lòng người dân cả nước.
Sau một đêm thức trắng cùng bà con và các chiến sĩ CSGT ghi lại những thước phim cảm động, anh lại lội bộ từ ga Lâm Điền ra quốc lộ 1A mà nước lũ chảy cuồn cuộn, ngập đến bụng. Lúc ấy điều đáng sợ nhất với anh không phải là sợ bị nước cuốn trôi mà là sợ mất máy quay phim, hình ảnh không còn.
Trong các kì Liên hoan Truyền hình CAND toàn quốc, anh và các đồng nghiệp của mình đã vinh dự nhận được 6 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, và nhiều phần thưởng khác cho những cống hiến nỗ lực không ngừng của 1 lực lượng báo chí "không chuyên".
Với Thiếu tá Nguyễn Như Hùng, Đội trưởng Đội thi đua, khen thưởng Phòng PX15 Công an tỉnh Hòa Bình thì lại là gương mặt khá quen trong làng báo chí Công an. Anh là cán bộ Công an khá "có duyên" với các giải thưởng báo chí.
Là dân chuyên toán nhưng Thiếu tá Nguyễn Như Hùng lại có khiếu văn chương. Nếu nói đến giải thưởng thì kể từ khi tốt nghiệp Trường Trung học Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đến nay, anh sở hữu trong tay 15 giải thưởng báo chí của các bộ, ngành, cùng hai cuốn sách "Hành trình một tấm lòng nhân ái", xuất bản năm 2012 và "Người gieo mầm thiện", xuất bản năm 2015.
Anh chia sẻ: "Được đi đến nhiều miền quê, nhiều mảnh đất mới của tỉnh Hòa Bình, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, được tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều bà con dân tộc, với nhiều phong tục tập quán khác nhau, trau dồi thêm kinh nghiệm, phản ánh khách quan, chính xác cuộc sống, khó khăn, tâm tư, tình cảm của bà con nhân dân, khắc họa hình ảnh đẹp về người đồng đội với tôi đó là một điều hạnh phúc".
Thiếu tá Nguyễn Như Hùng, Phòng PX15 Công an tỉnh Hòa Bình. |
Mỗi chuyến đi với anh đều là một kỉ niệm đáng nhớ. Lần đầu tiên đi cơ sở đến xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, là xã đặc biệt khó khăn, ô-tô không vào được bản, anh và 2 đồng chí trong đoàn hỗ trợ lái xe di dời hòn đá tảng khá lớn chắn ngang đường rồi lấy đá dải dưới con suối nhỏ, làm cầu để chiếc xe Uoat đi qua, mặc dù quãng đường chưa đầy 15km mà phải mất đến 3h đồng hồ mới đến trung tâm xã.
Từ trung tâm xã, tiếp tục vượt ngược dốc đến xóm Dướng, xã Vầy Nưa gặp già Bàn Văn Thân, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Già Thân là người lưu giữ kho sách đồ sộ gồm nhiều loại sách cổ của dân tộc Dao, già tự tay viết sách, mở lớp dạy chữ Dao cổ cho trẻ em và người dân địa phương.
Bài viết "Người viết sách ở Vầy Nưa" nhờ đó mà đạt giải khuyến khích giải báo chí tỉnh Hòa Bình. Đây là lần đầu tiên đạt giải báo chí nên tạo cho anh tâm lý vô vùng phấn khởi, háo hức, là nguồn cổ vũ, động viên anh trên hành trình gắn bó với "nghề tay trái" của mình.
Về công tác tại Phòng PX15 điều hạnh phúc lớn nhất của anh là được theo chân các lực lượng nghiệp vụ đi đánh án và đều là những chuyên án lớn đầy hiểm nguy. Năm 2009 anh tham gia chuyên án bắt đối tượng vận chuyển 120 bánh heroin, là đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy lớn nhất từ trước đến thời điểm đó trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Khi anh cùng lực lượng trinh sát áp sát chiếc xe nghi vấn thì phát hiện đối tượng dùng dao tự sát, máu chảy lênh láng trong khoang lái. Đối tượng Dương Ngô Duy được cấp cứu kịp thời nên may mắn thoát chết, nhưng khi hắn tỉnh dậy, anh và các đồng nghiệp thực sự bất ngờ khi hắn nói "đằng nào cũng chết nên cứ để tôi chết".
Nhưng có lẽ kỉ niệm đáng nhớ cũng là kỉ niệm xót xa nhất trong cuộc đời làm báo của anh là lần theo chân đồng đội đi vây bắt tên trùm mà tuý Vàng A Khua và tận mắt chứng kiến cái chết đau đớn của đồng đội. Ngày 5-2-2010 định mệnh, anh và đồng chí Nguyễn Thế Hùng (hiện là Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Cao Phong) được lãnh đạo Công an tỉnh và Phòng phân công tham gia kế hoạch vây bắt đối tượng truy nã Vàng A Khua ở xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình cùng các lực lượng nghiệp vụ khác.
Anh được giao nhiệm vụ quay phim, ghi hình toàn bộ quá trình vây bắt, phục vụ công tác nghiệp vụ. Đang trong quá trình tác nghiệp, tên Vàng A Khua bất ngờ sử dụng súng AK bắn chết con trai là Vàng A Của, sau đó nã đạn liên tiếp vào lực lượng vây bắt khiến 3 đồng chí hy sinh và nhiều đồng chí bị thương.
Tên Khua bị tiêu diệt ngay sau đó. Nhưng cái chết của hắn đã khiến bà con dân bản bức xúc, kéo đến biểu tình, phản đối lực lượng Công an.
Anh đã cùng anh em trong phòng tích cực thông tin, định hướng dư luận trên các phương tiện thông tin đại chúng, ổn định tình hình, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân để các lực lượng chức năng giải quyết vụ việc êm xuôi.
Ở Công an tỉnh Quảng Ninh, nhiều lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) vẫn tự hào về Trung uý Nguyễn Văn Hoàn, một trong 20 gương mặt tài năng trẻ xuất sắc của tỉnh Quảng Ninh năm 2016, đồng thời cũng là một cây bút chủ lực của phòng trong việc viết báo, tuyên truyền những tác hại của ma túy với giới trẻ.
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Học viện CSND, Trung uý Nguyễn Văn Hoàn được phân về công tác tại Công an Quảng Ninh. Hiện anh giữ cương vị Phó Đội trưởng Đội Tham mưu, Phó Bí thư Chi đoàn PC47.
Xác định rõ nhiệm vụ được giao trong công tác phòng, chống tội phạm ma tuý, Trung uý Nguyễn Văn Hoàn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc các mặt công tác.
Trong năm 2016, anh cùng cán bộ, chiến sĩ Phòng PC47 tham gia bắt giữ, xử lý hình sự tổng số 57 vụ với 170 đối tượng phạm tội về ma tuý, đặc biệt là chuyên án triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển heroin với số lượng lớn từ Lào về Việt Nam để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ.
Trung úy Nguyễn Văn Hoàn, Phòng PC47 Công an tỉnh Quảng Ninh. |
Không chỉ hoàn thành xuất sắc công tác chuyên môn, nghiệp vụ, Trung úy Nguyễn Văn Hoàn còn là một cộng tác viên tích cực của báo Quảng Ninh với bút danh Minh Hoàn, thường xuyên cùng chi đoàn Phòng PC47 tổ chức những buổi tuyên truyền tác hại của ma túy cho nhiều thành phần, đối tượng bằng những hình ảnh, video xác thực. Những bài học, kinh nghiệm rút ra từ những lần phá án được anh chuyển tải thành những bài viết, phóng sự, kí sự đầy ý nghĩa.
Còn nhiều, rất nhiều những nhà báo không chuyên xuất thân là những chiến sĩ Công an của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ. Họ vẫn đang miệt mài cống hiến trên cả hai mặt trận làm báo và giữ bình yên cho cuộc sống của nhân dân. Họ là những chiến sĩ Công an một nghề nhưng hai nghiệp, mà với họ nghiệp nào cũng quan trọng, cũng cần phải dấn thân.
Tác giả: Ngọc Trâm
Nguồn tin: Báo Công an Nhân dân