Khoảng cách giữa lãi suất tiền đồng và ngoại tệ thường được tận dụng để tối ưu hóa nguồn vốn. Ảnh: Tuệ Doanh
Theo các chuyên gia làm trong lĩnh vực ngân hàng tài chính, chúng tôi được biết, với các doanh nghiệp, việc tối ưu hóa nguồn vốn bằng các giao dịch với ngân hàng và đối tác để hưởng chênh lệch giá trị tiền tệ không có gì lạ và trong đó có những hành vi pháp luật không cấm. Song vẫn còn những trường hợp gây ra bất cân bằng về lợi ích, bóp méo thị trường...
Nhóm doanh nghiệp có nhiều cơ hội buôn tiền thường là các công ty có dòng tiền mạnh, nhiều tiền mặt, như các công ty cung cấp dịch vụ, hàng tiêu dùng nhanh, bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, các dịch vụ và hàng hóa thu tiền ngay... như hàng không, thực phẩm, nước giải khát, dịch vụ, du lịch...
Những khe hở đô - đồng
Có một số trường hợp phổ biến các doanh nghiệp hay làm để tận dụng khoảng cách giữa lãi suất tiền đồng và ngoại tệ trên thị trường.
Thứ nhất là khai thác sự chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ trong thời gian ngắn. Ví dụ, doanh nghiệp vay ngoại tệ để sản xuất hàng xuất khẩu với lãi suất đô la Mỹ 2%/năm. Sau khi bán hàng, thu tiền đô về, doanh nghiệp bán số đô la đó cho ngân hàng lấy tiền đồng nhưng chưa trả nợ (có thể chưa đến kỳ hạn thu nợ) và lại tiếp tục gửi với lãi suất 5%. Rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu buôn tiền theo kiểu này nên doanh thu từ hoạt động tài chính trong những thời kỳ tỷ giá ổn định khá cao.
Với các doanh nghiệp nhập khẩu, họ thường ký hợp đồng trả chậm với khách hàng nước ngoài, thường là 180 ngày. Sau khi nhập khẩu hàng về Việt Nam và bán hết hàng, thu được tiền đồng thì doanh nghiệp sẽ gửi ở ngân hàng để được lãi suất. Vì tiền đồng thường được Ngân hàng Nhà nước cam kết không phá giá quá 3%/năm, nên với lãi suất tiền gửi là 6-7%/năm, thì doanh nghiệp gửi tiền đồng kỳ hạn 6 tháng vẫn được hưởng chênh lệch 3-3,5%.
Thứ hai, doanh nghiệp “hóa trang” để được hưởng chính sách. Ví dụ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có 100 tỉ đồng, họ đem thế chấp ngân hàng để vay ngoại tệ, sau đó bán đi lấy tiền đồng gửi vào ngân hàng, lấy sổ tiết kiệm tiền đồng đó thế chấp vay tiếp ngoại tệ. Bán ngoại tệ đi lấy tiền đồng gửi tiếp ngân hàng... Vì thế nên có hiện tượng nhiều doanh nghiệp không có hoạt động xuất nhập khẩu song đến cuối kỳ gọi một doanh nghiệp khác bảo, ông bán hàng cho tôi, tôi nhận rồi chuyển lại cho đối tác mua hàng của ông, kỳ thực để hàng “chạy” qua công ty để có hoạt động xuất nhập khẩu. Khi làm như vậy, doanh nghiệp và ngân hàng chỉ rủi ro khi tỷ giá tăng.
“Tung hứng” nội tệ
“Buôn tiền trong doanh nghiệp không phải chuyện lạ, doanh nghiệp chỉ cần vài chục tỉ đồng làm mồi là có thể buôn tiền”, lãnh đạo một ngân hàng nói. Thậm chí, với những doanh nghiệp kinh doanh tốt, được ngân hàng xếp hạng A (nhóm I), được nhiều ngân hàng nài nỉ “làm ơn vay giùm” chỉ phải chịu lãi 3%. Vay 3%/năm, đem gửi ngân hàng khác hưởng lãi suất huy động 6-7%/năm nên chẳng làm gì cũng sống khỏe.
Có những doanh nghiệp có doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh cả ngàn tỉ một năm. Những doanh nghiệp có dòng tiền mặt tốt như vậy buôn tiền hưởng chênh lệch kỳ hạn là bình thường. Có 100 tỉ đồng, anh gửi ngân hàng 18 hay 36 tháng hưởng lãi suất 8,5%/năm. Đó là tiền gửi vòng 1. Vòng 2 là doanh nghiệp lấy sổ tiết kiệm đó thế chấp ngân hàng khác để được vay tối đa 98% của số dư gốc trên sổ tiết kiệm (98 tỉ đồng), ví dụ họ chỉ thế chấp sổ đó vay tiền kỳ hạn 1 tháng, lãi suất doanh nghiệp phải trả ngân hàng 6%/năm. 98 tỉ đồng đó gửi tiết kiệm tiếp (ở chính ngân hàng đó hoặc một ngân hàng có thể trả lãi cao hơn 6%, thường là những ngân hàng nhỏ). Rồi tiếp tục, có thể thế chấp sổ rút ra 90 tỉ đồng, vòng 4 rút ra 85 tỉ đồng. Khi ngân hàng để doanh nghiệp làm vài vòng như thế sẽ tạo đòn bẩy đẩy số tiền doanh nghiệp gửi và vay tại ngân hàng lên rất cao so với tiền gốc.
Ở cách này, tất cả kỳ hạn của tiền gửi vào ngân hàng phải là kỳ hạn dài hơn kỳ hạn vay tiền (thường vay với kỳ hạn 1 tháng) vì kỳ hạn dài lãi suất cao và cố định, còn kỳ hạn ngắn lãi suất thấp hơn và hay thay đổi, vì thế mỗi tháng doanh nghiệp phải vay lại một lần. Nếu mặt bằng lãi suất ổn định hoặc giảm thì doanh nghiệp có lợi. Rủi ro là khi lãi suất tăng, doanh nghiệp sẽ bị thiệt nếu không có tiền trả ngay ngân hàng.
Đặc biệt hơn là không loại trừ trường hợp ngân hàng có phiếu nhận tiền nhưng không có tiền gửi vào. Tất nhiên nhân viên ngân hàng chỉ dám làm việc này nếu có sự đồng ý của lãnh đạo hoặc khi... gan quá to. Trong cùng một ngày doanh nghiệp gửi vào ngân hàng 500 tỉ đồng, đồng thời rút ra 500 tỉ đồng thì sổ sách kế toán của ngân hàng sẽ ghi 0 đồng và sổ quỹ cũng ghi 0 đồng. Song nếu ngân hàng ghi phiếu nhận tiền khống mà cho doanh nghiệp rút ra 500 tỉ đồng thì sổ sách kế toán ghi 0 đồng nhưng sổ quỹ sẽ ghi âm 500 tỉ đồng. Và tiếp theo của trường hợp này, doanh nghiệp có thể gửi tiếp 500 tỉ đó vào ngân hàng, lấy sổ tiết kiệm đó thế chấp ngân hàng vay tiếp theo mô hình xoáy ốc khống lên thành tiền ảo. Nên mới có chuyện không biết tiền đó đi đâu.
Cách kiếm lợi thứ hai với tiền đồng là khai thác sự chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa lãi suất áp dụng cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Hiện tượng này rất phổ biến trong mấy năm trước, nhưng hiện nay đã giảm. Ví dụ, lãi suất tiền gửi ngân hàng huy động kỳ hạn 1 tháng với khách hàng cá nhân là 6-8%/năm trong khi với khách hàng doanh nghiệp là 4%/năm. Như vậy, doanh nghiệp sẽ đem tiền của mình cho nhân viên đứng tên cá nhân để gửi ở ngân hàng.
Tuy nhiên, việc này cũng rất rủi ro và trái với nguyên tắc quản trị, kế toán và cũng trái pháp luật nên nó chỉ xảy ra phổ biến ở các công ty TNHH hoặc doanh nghiệp tư nhân, nơi mà ông chủ có quyền quyết định và chịu trách nhiệm chính. Khi chênh lệch lãi suất càng cao thì cách này càng phổ biến, những năm trước, có thời điểm lãi suất huy động tiền gửi cá nhân có khi đến 10%/năm trong khi với doanh nghiệp chỉ có 3-4%.
Tất cả những hành vi trên, ngân hàng có biết không? Tất nhiên là biết nhưng vì môi trường cạnh tranh gay gắt, cần doanh số nên vẫn gật đầu vì nếu mọi việc thuận lợi thực ra ngân hàng vẫn có doanh số tiền gửi và tiền vay và cũng không mất gì, song hệ thống ngân hàng sẽ bị ảo. “Trên thị trường vẫn còn ngân hàng cho làm việc này nhưng có những ngân hàng gần đây đã hạn chế cách này bằng cách hạ tỷ lệ cho vay cầm cố sổ tiết kiệm xuống thấp hơn 90% và kiểm soát chặt chẽ hơn”, lãnh đạo một ngân hàng tiết lộ.
Ông cho hay: “Tỷ lệ cho vay cầm cố sổ tiết kiệm các ngân hàng cho phép phổ biến 90-98% song gần đây có những chi nhánh ngân hàng thấy rủi ro nên hạ xuống 90%. Với tỷ lệ này, những người có mục đích buôn tiền sẽ khó kiếm lợi hơn, tức loại được nhóm này còn nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn ở lại với ngân hàng. Vì các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nếu có vay cũng là vay tín chấp nên rủi ro nếu có cũng thấp hơn”.
Một chuyên gia làm trong ngân hàng cũng chia sẻ, dù luật không cấm chuyện này nhưng nếu quy tội lũng đoạn kinh tế cũng không sai. Ở khía cạnh đạo đức nghề nghiệp, rõ ràng người thực hiện biết đó là hành vi không lành mạnh, ở vùng xám ranh giới giữa đúng và sai, đen và trắng.
Các hành vi như trên cũng có thể vi phạm pháp luật nếu doanh nghiệp sử dụng tiền vay sai mục đích. Ví dụ doanh nghiệp được vay tiền lãi suất thấp để sản xuất kinh doanh nhưng lại đem gửi lòng vòng trong ngân hàng kiếm lời hay mua nhà, mua xe. Nếu có bằng chứng, không những doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thực hiện quy định về cho vay mà ngân hàng cũng bị liên đới vì không làm hết trách nhiệm.
Nhìn trên diện rộng, việc doanh nghiệp và người dân lợi dụng kẽ hở của chính sách điều hành để buôn tiền cũng khó trách. “Chẳng ai mang tiền đô đi gửi ở nước ngoài nếu mức lãi suất đô la Mỹ của Việt Nam theo giá thị trường. Chẳng ai muốn tăng vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng lên 3.000 tỉ đồng nếu không phải vì bị bắt buộc và hệ quả thì ai cũng thấy trong khi người gây ra hậu quả thì không chịu trách nhiệm gì”, một vị lãnh đạo ngân hàng nói, “Trước khi trách người kinh doanh lợi dụng kẽ hở luật pháp làm sai thì phải hỏi nếu chính sách không sơ hở thì ai làm sai được? Nhưng người tạo kẽ hở thì không bị hệ lụy gì trong khi đã có những người kinh doanh đi tù”.
Tác giả bài viết: Hồng Phúc