Kinh tế

Những dự án ngàn tỉ nằm mãi... trên giấy

Đi không được, ở không xong là tình cảnh của hàng trăm hộ dân ở nhiều tỉnh miền Trung khi gặp phải những dự án chây ì, bất động hàng chục năm

Năm 2008, dự án khu thương mại - dịch vụ Vina Universal Paradise (Quảng Ngãi) rộng gần 60 ha (nay đổi tên thành dự án khu đô thị An Sơn) do Công ty CP Đầu tư khu du lịch - phim trường Vina làm chủ đầu tư được cấp phép, với tổng vốn khoảng 1.200 tỉ đồng. Nằm ở vị trí đắc địa ở TP Quảng Ngãi, vậy mà sau 15 năm, dự án chỉ là... bãi đất trống.

Nơm nớp lo nhà sập

Chỉ tay về bức tường bị sập chỉ còn một nửa giữa căn nhà, ông Ngô Quang Sơn (75 tuổi, ngụ tổ dân phố Liên Hiệp 2C, phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi), kể cách đây ít hôm, toàn bộ phần mái ngói phía trên và một nửa bức tường nhà ông bất ngờ đổ sập. May lúc đó không có ai ở nhà...

Theo ông Sơn, việc căn nhà bị đổ sập là hậu quả tất yếu khi bao năm qua nhà cửa của ông bị hư hỏng, xuống cấp nhưng gia đình không được phép sửa chữa vì nhà nằm trong vùng quy hoạch treo. Ngoài ông Sơn, hơn 150 hộ dân ở đây cũng chung cảnh ngộ.

Khu dân cư thuộc tổ 89, phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) xuống cấp nặng do vướng quy hoạch treo hơn 14 năm nay. Ảnh: BÍCH VÂN

Ông Trương Thanh Thảo, Chủ tịch UBND phường Trương Quang Trọng, cho biết có tổng cộng 160 hộ dân của phường được xác định nằm trong quy hoạch dự án. Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án phải hoàn thành sau 4 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư (năm 2008) nhưng đến năm 2011, dự án mới chỉ giải phóng mặt bằng 12 ha, đạt 22%, với tổng chi phí bồi thường hơn 20 tỉ đồng. Còn từ đó đến nay, dự án dang dở. "Người dân sống trong khu vực dự án rất khổ sở… Phường đã đề nghị chủ đầu tư hỗ trợ cho người dân có nhà bị sập nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả" - ông Thảo cho hay.

Ở Đà Nẵng, hơn 80 hộ dân thuộc tổ 89, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, cũng đang sống khổ do quy hoạch treo đã hơn 14 năm nay. Từ năm 2009, khu dân cư từ cầu Cẩm Lệ đến cầu Nguyễn Tri Phương thuộc tổ 89 được TP Đà Nẵng quy hoạch để làm khu dự trữ đất ven sông - khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ. Một năm sau đó, chính quyền thực hiện đo đạc, kiểm đếm nhà cửa để áp giá đền bù. Tuy nhiên, nguyện vọng của người dân là được tái định cư tại chỗ khiến quy hoạch vướng mắc, đến nay vẫn chưa có quyết định đền bù, giải tỏa. Lãnh đạo UBND quận Cẩm Lệ cho biết hiện quận đang chờ UBND TP Đà Nẵng làm quy hoạch phân khu. Sau khi quy hoạch được phê duyệt mới tiến hành giải tỏa khu dân cư 89. Theo quy hoạch mới thì sẽ có đất tái định cư tại chỗ theo nguyện vọng của người dân. Chi phí giải tỏa đền bù dự kiến khoảng 375 tỉ đồng.

Tương tự, nhiều hộ dân ở phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đang rơi vào cảnh "đi không được, ở không xong" vì đất đai, nhà cửa nằm trong quy hoạch khu vực Dự án Hạ tầng khu dân cư phía Tây đường Hữu Nghị và bị "treo" nhiều năm nay, nhiều trường hợp nhà cửa xuống cấp mà không được sửa chữa.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch UBND phường Bắc Lý, cho biết quy hoạch treo khiến người dân bức xúc, chính quyền cũng rất "nóng ruột".

Chờ đến khi nào?

Vì quá thời hạn không thực hiện và bị chính quyền địa phương liên tục nhắc nhở, năm 2014, chủ đầu tư dự án khu đô thị An Sơn (Quảng Ngãi) xin gia hạn tiến độ và được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2014 đến 2018. Thế nhưng, cũng giống như lần trước, hết thời hạn trên, chủ đầu tư vẫn không triển khai.

Nhà dân trong phạm vi dự án Khu đô thị An Sơn (Quảng Ngãi) bị hư hỏng xuống cấp nhưng không thể sửa chữa vì vướng quy hoạch. Ảnh: TỬ TRỰC

Sau đó, đến năm 2019, chủ đầu tư tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét, cho phép tiếp tục triển khai dự án và sẽ thực hiện khảo sát, đánh giá lại toàn bộ dự án để lên phương án tiếp tục triển khai theo quy hoạch, kiến trúc cũ hoặc thay đổi thiết kế, thay đổi quy hoạch nếu cần thiết để cho phù hợp với định hướng phát triển của dự án tại thời điểm này. Đồng thời, lập các thủ tục xin gia hạn thời gian đầu tư dự án.

Theo ông Trà Thanh Danh, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, địa phương đã yêu cầu nhà đầu tư khảo sát, chuẩn xác năng lực và điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500, loại ra quy hoạch những phần vượt quá khả năng đầu tư và không phù hợp thực tế... "Dự án kéo dài quá lâu đã ảnh hưởng đến người dân trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa thể kết luận dự án tiếp tục hay dừng lại vì phải chờ hướng dẫn từ phía trung ương" - ông Danh thông tin.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình, cho biết hạng mục sân vận động, khu văn hóa - thể thao không có trong Dự án Khu dân cư phía Tây đường Hữu Nghị do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư. Do đó, sở đề nghị UBND tỉnh giao UBND TP Đồng Hới có kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình nói trên để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong khi đó, theo ông Hoàng Ngọc Đan, Chủ tịch UBND TP Đồng Hới, thành phố đang gửi đơn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết về vấn đề này và chính quyền địa phương không đồng tình với ý kiến của Sở Xây dựng khi giao lại cho thành phố, vì Sở Xây dựng là chủ đầu tư dự án Tây Hữu Nghị nhưng nhiều năm qua hiện vẫn chưa hoàn thiện các hạng mục và chưa bàn giao cho thành phố quản lý.

Tác giả: TỬ TRỰC - BÍCH VÂN - HOÀNG PHÚ

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP