Số hóa

Những điểm trừ của Pokemon Go

Trò chơi quá nhiều lỗi, tai nạn không đáng có do tập trung bắt pokemon hay game thủ phải nạp tiền để chơi,... là những điểm trừ về tựa game đang làm mưa, làm gió.

2 ngày trôi qua kể từ khi Pokemon Go chính thức lên sóng. Một đợt truy lùng lớn chưa từng có đang càn quét khắp nơi trên thế giới. Người dùng sẵn sàng chạy bộ hàng kilomet để bắt pokemon, từ các cửa hàng đồ chơi đến sở cảnh sát, thậm chí sẵn sàng trèo tường vào sân sau nhà hàng xóm.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Pokemon Go đã đưa Nintendo trở thành từ khóa “hot” nhất giới công nghệ, đồng thời có lượng tải về đứng đầu tại App Store và Play Store.

Tuy nhiên Pokemon GO vẫn còn những điểm trừ cần được khắc phục:


Pokemon Go – trò chơi gây xôn xao của Nintendo. Ảnh: Nintendo.

Ảnh hưởng tới tuổi thọ pin

Không quá khi nói Pokemon Go chính là thủ phạm ngốn pin nhiều nhất trong những ngày qua bởi tần suất sử dụng màn hình dày đặc. Chưa kể, người dùng còn phải bật đồng thời camera, GPS và kết nối mạng để bắt pokemon trong thế giới thực. Điều này khiến smartphone có thể sập nguồn bất cứ lúc nào.

Cách duy nhất để khắc phục là luôn đảm bảo pin điện thoại sạc đầy trước khi chơi hoặc nên dùng pin dự phòng.

Quá nhiều lỗi

Người dùng liên tục gửi các báo cáo lỗi và các vấn đề về trò chơi tới nhà sản xuất. Những lỗi bị phản ánh nhiều nhất gồm: bản đồ hoàn toàn không có Pokemon; dữ liệu bất ngờ bị xóa sạch; máy chủ quá tải…

Giao dịch trong game

In-App Purchase thực chất là tính năng được tích hợp trên những ứng dụng, game ở các nền tảng di động hoặc máy tính, giúp người dùng có thể dùng tiền trong thẻ tín dụng để mua những tính năng hoặc vật phẩm hỗ trợ, được Nintendo tận dụng triệt để trong Pokemon Go.

Mặc dù tựa game này được phát hành miễn phí, song chính các giao dịch này về cơ bản có thể thay đổi cách chúng ta trải nghiệm trò chơi, gây bất lợi cho game thủ hạn chế về khả năng tài chính. Theo nhiều người chơi, họ cần chi ra số tiền lớn để mua mồi dụ pokemon, bóng tăng xác suất bắt hay lồng ấp,...

Vấn đề về an toàn

Việc quá chăm chú vào màn hình điện thoại trong khi di chuyển, không quan sát đường đi và xe cộ xung quanh khiến các nhà chức trách lo ngại về vấn đề an toàn giao thông. Chưa kể nguy cơ bị giật điện thoại khi chơi game vô cùng lớn.

Một số người vì mải chơi mà đi nhầm vào nhà người khác. Điều này có thể dẫn đến những xung đột không đáng có, đặc biệt nguy hiểm với những quốc gia cho phép người dân được mang bên mình vũ khí một cách hợp pháp như Mỹ, Thụy Sỹ, Brazil hay Nhật Bản.

Nhà thi đấu - nơi các huấn luyện viên so tài trong game lại được đặt ở những địa điểm nhạy cảm như đồn cảnh sát, thậm chí là ở Nhà Trắng.

Hiện đã có báo cáo mới nhất về 1 vụ cướp và hành hung xảy ra ở Chicago, Mỹ. Nạn nhân là một thiếu niên 17 tuổi , do vô tình đi vào lãnh địa hoạt động của băng nhóm tội phạm khi đang chơi Pokemon Go.

Đã từ rất lâu làng game mới có một trò chơi thu hút đông đảo người dùng đến vậy. Không thể phủ nhận những lợi ích tích cực mà tựa game này đem lại. Tuy nhiên, suy cho cùng đây cũng chỉ là một trò chơi, game thủ nên sử dụng thời gian thật hợp lý.

Người dùng cũng kỳ vọng nhà phát hành sẽ khắc phục những lỗi này trước khi Pokemon Go được phát hành trên toàn cầu.

Tác giả bài viết: Trần Tiến

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP