Thái Lan hay Myanmar, Ấn Độ hay Đài Loan, Trung Quốc… mỗi nơi mang một sắc thái riêng nhưng chuyến du xuân, viếng chùa ở những quốc gia có truyền thống Phật giáo có thể xem như sự gửi gắm lòng thành nơi chốn thiêng liêng, cầu mong một năm mới thật nhiều may mắn và bình an. Sau đây là những điểm đến du lịch tâm linh ở châu Á vào dịp đầu Xuân mới.
Xứ sở chùa tháp Thái Lan
Đến Thái Lan đâu đâu cũng sừng sững những bảo tháp và bóng áo vàng nhà sư, bởi đây là xứ sở của chùa tháp. Những ngôi chùa cổ nơi đây đều mang trong mình những Phật tích và có phong cách kiến trúc truyền thống độc đáo. Linh thiêng bậc nhất, nổi tiếng nhất Thái Lan là chùa Phật Ngọc (Wat Phra Kaeo) ở ngay thủ đô Bangkok. Một trong ba đại quốc bảo của Thái Lan này tọa lạc góc đông bắc Đại Vương Cung Bangkok (Bangkok Grand Palace) tạo thành chỉnh thể thống nhất của Đại Vương Cung. Trong chùa tôn trí tượng Phật Ngọc, nhỏ nhưng quý giá và thiêng liêng, vì đó mà có tên là chùa Phật Ngọc. Nhiều người biết chùa Phật Ngọc rất thiêng. Nhưng ít ai biết ngôi chùa này còn có tên là chùa Hộ Quốc từ thời Vương triều Chakri và là ngôi chùa duy nhất không có sư; mà được xây cất (năm 1784) làm nơi thờ cúng Phật Ngọc, tổ chức các nghi thức Tôn giáo của Hoàng gia Thái Lan, nổi tiếng khắp vùng Đông Nam Á.
Trong chùa, ngoài điện Phật Ngọc, hầu hết chóp đỉnh đều trang trí theo kiểu nhọn, nét đặc sắc về mặt kiến trúc tự viện Thái Lan. Mỗi đỉnh nhọn lại trang trí sứ màu, thếp vàng... lóng lánh rất đẹp mắt. Đặc biệt là hành lang chùa bao bọc bởi tấm bích hoạ dài 1km, gồm 178 bức tranh màu sắc phong phú, họa tiết tinh xảo, lấy sử thi Ramayana trong văn học cổ điển Ấn Độ làm đề tài.
Myanmar: Theo ánh sáng vàng ở Yangon
Cuối năm 2012, Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử đến thăm Myanmar, ông Barack Obama, đã chân trần bước vào chùa Shwedagon, ngôi chùa Vàng nổi tiếng được coi là trung tâm của Phật giáo Myanmar tọa lạc ở cố đô Yangon. Cũng như hành động của một dân thường, ông Obama kính cẩn dâng hoa cúng chùa.
Chùa Shwedagon, hay chùa Vàng, chính là ngôi chùa linh thiêng nhất Myanmar. Tại đây lưu giữ 4 báu vật thiêng liêng đối với các tín đồ Phật giáo bao gồm cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp, và xá lợi 8 sợi tóc của Phật Thích Ca.
Bên trong lưu giữ nhiều hiện vật quý giá, nhưng bản thân kiến trúc chùa Shwedagon cũng đã là một báu vật! Chùa nằm trên đồi Singuttara ở độ cao có thể quan sát được cả thành phố Yangon. Người Myanmar thường đi vòng quanh tháp chùa theo chiều quay của kim đồng hồ. Trong chùa có 7 bồn nước tương ứng với 7 hành tinh và với 7 ngày trong tuần. Đấy là nơi người mộ đạo thường tới tưới nước tắm cho tượng Phật.
Sau mỗi chuyến hành hương Myanmar trở về, trong hành lý của nhiều du khách Việt thường có những đồ vật thiêng nho nhỏ được thỉnh về để cất giữ, hoặc mang theo bên mình coi như một vật báu tâm linh may mắn.
Ấn Độ: Bên dòng sông thiêng
Hành trình du lịch đến Ấn Độ thường được gọi là tour hành hương, chuyến đi của tâm linh. Ở chốn “thánh địa Phật giáo” này, ngay cả các bãi tắm và dòng sông cũng đều hết sức thiêng liêng. Tắm trên sông Hằng chẳng phải là một nghi thức thiêng liêng mong được rửa trôi mọi tội lỗi và đón nhận may mắn đó sao! Tết Nguyên đán năm nay, Saigontourist sẽ đưa du khách tham quan “tam giác vàng” Delhi - Agra - Jaipur vào “thời điểm vàng”, xuất hành đúng mùng 2 Tết. Dịp này là mùa đông, thời tiết đẹp nhất ở Ấn Độ, người địa phương bắt đầu thư giãn và mở tiệc trên các bãi biển. Ban ngày trời mát dịu, ban đêm trời nhè nhẹ trở lạnh, thật lý tưởng cho du khách nữ lôi chiếc khăn Pashmina đích thực vừa sắm được quàng lên vai dạo phố.
Hiếm có chuyến du xuân nào lại ý nghĩa như đến “tam giác vàng” của Ấn Độ dịp này khi cận kề Ngày lễ tình yêu Valentine 14/2. Quà tặng cho người yêu hay bạn đời còn gì độc đáo hơn là cùng chiêm ngưỡng biểu tượng của một trong những câu chuyện tình đẹp bất hủ: ngôi đền tình ái Taj Mahal. Đây là công trình lăng mộ đẹp nhất thế giới tổng hợp hài hòa cả kiến trúc Ba Tư, Hindu và Hồi giáo. Đứng trước vòm đá cẩm thạch trắng nổi bật trên nền trời xanh, du khách sẽ thấy công trình đã 500 năm tuổi này như tấm bia mộ mà vua Shah Jahan, hoàng đế Hồi giáo, xây dựng để tạc vào cả thời gian lẫn không gian tình yêu vĩnh cửu ông dành cho người vợ thứ ba của mình - hoàng hậu Mumtaz Mahal. Kỳ ảo ở chỗ vào mỗi mùa và mỗi giờ khác nhau trong ngày, lăng mộ lại tỏa ra những màu sắc khác nhau theo cường độ của ánh sáng mặt trời. Mỗi đêm trăng rằm, Taj Mahal như một viên ngọc lấp lánh giữa bầu trời đêm. Du khách may mắn được đến đây thường nói vui rằng không chỉ là chuyến đi “thấy vàng” mà còn “thấy cả ngọc”.
Hành hương Đài Loan, Trung Quốc
Ảnh: Saigontourist
Theo hành trình viếng Phật đầu xuân, bên cạnh chuyến thăm những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Long Sơn, đền Văn Võ, thật bất ngờ khi ở một nền kinh tế phát triển như Đài Loan, du khách Việt Nam còn tìm thấy những hình ảnh truyền thống vô cùng thân quen nhưng đã mai một dần trong cuộc sống hiện tại: uống trà nóng trong các tách nhỏ và ăn trầu! Du lịch Đài Loan ngoài ngắm cảnh đẹp, mua sắm hàng hiệu, còn là cơ hội tuyệt vời để thưởng thức nghệ thuật ẩm thực vừa tinh hoa vừa đa dạng. Trong khi đó, du lịch Trung Quốc dịp đầu năm mới , với những du khách du lịch tâm linh vào dịp đầu năm có thể tham khảo hành trình Côn Minh - Đại Lý - Lệ Giang - Cửu Hương - Thạch Lâm đưa du khách viếng chùa Sùng Thánh - ngôi chùa Hoàng gia Đại Lý thời xưa- cầu may mắn đầu năm, thăm thành cổ Lệ Giang và khu rừng đá Thạch Lâm- “thiên hạ đệ nhất kỳ quan”…
Tác giả bài viết: Thanh Trà