Đội đương kim vô địch bước vào giải với tư cách ứng viên hàng đầu, và ba trận đấu ở vòng bảng đã không khiến vị thế đó bị lu mờ dù họ không giành những chiến thắng hủy diệt hay lối chơi bóp nghẹt đối thủ thường thấy.
Thái Lan đang sở hữu dàn cầu thủ tài năng, chơi với nhau nhiều năm và khát khao thể hiện sau khi thất bại ở vòng loại World Cup 2018.
Trước một Indonesia quật khởi ở trận ra quân, Thái Lan có thời điểm để thủng lưới liên tiếp hai bàn. Tuy nhiên, đoàn quân của HLV Kiatisuk Senamuang vẫn kịp thời thể hiện bản lĩnh và giành chiến thắng 4-2. Kể từ đó họ không nhận thêm bất kỳ bàn thua nào, sớm giành vé vào bán kết với tư cách nhất bảng A. Trong trận cuối cùng Philippines, Thái Lan ra sân với đội hình dự bị và chịu áp lực từ đám đông CĐV chủ nhà, nhưng vẫn thi đấu trên chân để rồi kết liễu đối thủ.
Rất khó để tìm ra đội bóng nào được đánh giá cao hơn Thái Lan lúc này, và họ chắc chắn vẫn thống trị bóng đá khu vực này nhiều năm nữa.
Làn sóng cầu thủ tài năng mới
Một trong những chức năng nổi bật của giải này là tạo môi trường thi đấu chuyên nghiệp để thúc đẩy sự phát triển các tài năng trẻ, cũng như cơ hội để những cầu thủ khác khẳng định tên tuổi.
Yanto Basna và Evan Dimas đều ghi dấu ấn trong màu áo Indonesia, trong khi hậu vệ 21 tuổi Amani Aguinaldo xứng đáng được xem là cầu thủ hay nhất của xứ vạn đảo hiện nay. Tương tự là câu chuyện của Thái Lan - nơi Tristan Do, Sarach Yooyen và Siroch Chatthong đều tỏa sáng, bên cạnh Chanathip Songkrasin lâu nay được ví như "Messi của Thái Lan".
Chan Vathanaka được ví như Messi của bóng đá Campuchia.
Ở bảng B cũng có một số cầu thủ gây ấn tượng, trong màu áo chủ nhà Myanmar là trung vệ 24 tuổi Zaw Min Tun và chân sút mới tuổi đôi mươi Aung Thu. Campuchia - đội bóng từng được xem như lót đường nhiều năm qua ở AFF Cup - năm nay cũng giới thiệu gương mặt đầy triển vọng Chan Vathanaka. CV11 thậm chí được đánh giá là đủ khả năng thi đấu ở bất cứ đâu tại châu Á.
Việt Nam thì từ nhiều năm nay cũng thiết lập được hệ thống đào tạo và cho ra lò những lứa cầu thủ trẻ tiềm năng bậc nhất khu vực.
Cuộc khủng hoảng trên đường đi tìm bản sắc của Singapore
Các khán giả trung lập nên cảm thấy may mắn vì Singapore đã không đi tiếp. Nhờ thế mà họ không phải tiếp tục ngồi xem những trận đấu theo kiểu dựng xe buýt và rình rập cơ hội phản công.
Với tình trạng trì trệ hiện nay của giải vô địch Singapore S.League, cách tốt nhất để kéo khán giả trở lại sân không phải là chơi thứ bóng đá vì kết quả bằng mọi giá. Bạn phải lạc quan, tích cực, tìm cách kiểm soát trái bóng và sáng tạo.
Việc Singapore có những cầu thủ thích hợp để vận hành lối chơi tấn công hay không là một vấn đề đáng bàn. Nhưng ở một khu vực mà các đội bóng có sự chênh lệch về trình độ không cao, thật buồn khi thấy Singapore chơi thứ bóng đá tiêu cực như vậy.
Sự trở lại mới mẻ của Indonesia
Ngược lại với Singapore, sự trở lại của Indonesia sau thời gian vắng mặt ở đấu trường quốc tế do án cấm của FIFA tạo ra một làn gió mới. Họ có thể sẽ là "ngựa ô" của giải năm nay.
Vẫn còn những vấn đề tồn tại ở hàng thủ nhưng lối chơi tấn công của Indonesia tương đối ấn tượng. Kinh nghiệm của những trụ cột như Lerby Eliandry, Boaz Solossa và đặc biệt là tài năng của Stefano Lilipaly tạo cho họ khả năng xuyên phá lớn. Hóa giải hàng công của Indonesia chắc chắn là một bài toán không đơn giản với Việt Nam ở bán kết.
Đầu tư từ gốc rễ bắt đầu cho trái ngọt
Học viện bóng đá HAGL đã nổi như cồn trong khu vực nhiều năm qua, và đang được xem như một trong số những lò đào tạo tốt nhất châu Á. Lứa cầu thủ đầu tiên sản sinh từ hệ thống đào tạo đó là một phần quan trọng làm nên thành công của tuyển Việt Nam khi họ đứng đầu bảng B với ba trận toàn thắng.
Thành phần của đội tuyển Việt Nam có nhiều cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của HAGL.
Hậu vệ cánh Vũ Văn Thanh, tiền vệ Lương Xuân Trường và tiền đạo Nguyễn Văn Toàn đều 21 tuổi hoặc trẻ hơn. Họ đều trưởng thành từ học viện nằm ở Pleiku, nơi được biết đến là cái nôi sản sinh ra những tài năng trẻ đáng kinh ngạc của Việt Nam. Những quốc gia giàu tham vọng khác trong khu vực có thể tìm hiểu cách làm bóng đá ở đây.
Tái cơ cấu điều lệ đăng cai
Những trận đấu có sự tham dự của chủ nhà Myanmar luôn thu hút đông đảo người hâm mộ. Đặc biệt trận đấu quyết định vé đi tiếp với Malaysia, vé được bán hết vài ngày trước. Trong khi đó, mọi chuyện không khả quan như thế ở đội chủ nhà bảng A Philippines. Rất nhiều ghế trống trên khán đài trong hầu hết các trận, kể cả có sự tham gia của đội chủ nhà hay không. Giải đấu cần được tổ chức ở những nơi người dân thực sự quan tâm đến nó.
Tác giả bài viết: Di Khánh
Nguồn tin: