Ông Trần Việt Trường (phải) và ông Uchibori Takeo đưa ra nhiều thông tin liên quan đến hợp tác song phương quan trọng. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN |
Tại buổi tiếp, Chủ tịch UBND thành phố Trần Việt Trường nhắn gửi thông điệp “đầu tư vào Cần Thơ, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ có những thuận lợi về nguồn nhân lực, nguồn nguyên liệu, hạ tầng giao thông, môi trường đô thị...".
Cùng với chính sách đầu tư được quy định chung của Việt Nam, để tạo điều kiện cho Cần Thơ phát triển, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15, ngày 11/1/2022 về "thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ" đã giúp địa phương tháo gỡ nhiều điểm nghẽn.
Nghị quyết có cơ chế cho phép thành phố huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, chuyển đổi số, bao gồm nguồn lực của nước ngoài; đặc biệt đối với các dự án như: Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ; Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ; Dự án Khu Công nghệ thông tin tập trung tại phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng...
Cần Thơ hiện có 6 khu công nghiệp, trong đó có 5 khu đang hoạt động và một khu đang triển khai xây dựng với tổng diện tích gần 992 ha. Hiện, địa bàn có hai khu mới đang kêu gọi đầu tư là: Khu Công nghiệp Hưng Phú 1 (Khu Công nghiệp Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản), được quy hoạch đầu tư tại Cảng quốc tế Cái Cui; Khu Công nghiệp Vĩnh Thạnh (VSIP - giai đoạn 1)...
Số lượng và chất lượng lực lượng lao động của Cần Thơ đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Địa bàn thành phố có 8 trường Đại học (3 phân hiệu tại Cần Thơ) và 63 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trong đó 13 trường Cao đẳng, 8 trường Trung cấp, 18 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 24 cơ sở khác có dạy nghề). Khoảng 8.400 sinh viên đang theo học ngành Công nghệ thông tin, Điện tử, Viễn thông và Thương mại điện tử - Kinh tế số. Khoảng 1.700 sinh viên tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học, sau Đại học về chuyển đổi số hàng năm.
Trường Đại học FPT trên địa bàn thành phố có ngành Ngôn ngữ Nhật; Đại học Cần Thơ đã đưa tiếng Nhật thành ngôn ngữ phụ tại Khoa Ngoại ngữ. Các đơn vị khác như: Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Cao đẳng Nghề, Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật, Cao đẳng Y tế... đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức lớp học để đưa lao động đi làm việc tại Nhật Bản…
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN |
Tại buổi tiếp, phía Nhật Bản bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của thành phố. Đại diện Đoàn công tác Nhật Bản, ông Uchibori Takeo bày tỏ sự vui mừng và tin tưởng về mối quan hệ hợp tác song phương tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực giữa Cần Thơ nói riêng, Việt Nam nói chung với các doanh nghiệp Nhật Bản.
Đặc biệt, vào tháng 11/2023, hai nước vừa chính thức nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Ba địa phương của Nhật Bản là: tỉnh Hyogo, thành phố Okayama và thành phố Nasushiobara đã thiết lập quan hệ hợp tác với Cần Thơ. Đây là nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp Nhật Bản, nhất là những doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng thúc đẩy hơn nữa các hợp tác với Cần Thơ trong thời gian tới.
Ông Uchibori Takeo cảm ơn lãnh đạo các cấp của thành phố đã hỗ trợ Đoàn trong hoạt động thực địa, tham quan một số điểm trong lịch trình lần này; đồng thời cam kết sẽ có những kết nối thông tin đến lãnh đạo Nhật Bản và các doanh nghiệp đang có mong muốn tìm hiểu, hợp tác tại Cần Thơ.
Tác giả: Ánh Tuyết
Nguồn tin: bnews.vn