PV: Thưa ông, đến nay, trên Cổng thông tin điện tử sở Y tế Đà Nẵng vẫn thể hiện sở này có đến 5 Phó giám đốc. Đó là các ông Trần Văn Nhật, Nguyễn Út, Nguyễn Tấn Hải, Nguyễn Tiên Hồng, Trần Ngọc Thạnh. Trong đó, ông Trần Ngọc Thạnh đang là Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, ông Nguyễn Út cũng kiêm nhiệm chức Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Việc này đã kéo dài nhiều năm qua. Ông có ý kiến gì về việc này?
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn: Thực ra vấn đề câu chuyện là chỗ các vị Phó gám đốc sở Y tế này đã được bổ nhiệm từ lâu. Trong khi đó, theo Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số lượng phó giám đốc sở không quá 3 người. Riêng tại Hà Nội và TP. HCM, số phó giám đốc sở không quá 4 người. Như vậy, việc sở Y tế Đà Nẵng có đến 5 phó giám đốc là do lịch sử để lại.
Theo tôi được biết, trong năm 2017, sở Y tế sẽ chỉ còn 3 phó giám đốc vì ông Thạnh chuẩn bị nghỉ hưu, ông Nhật đang điều trị bệnh nên Đà Nẵng cũng giải quyết cho ông được nghỉ. Tức là ông Thạnh và ông Nhật về hưu thì cơ cấu trở lại đúng quy định.
Sở Y tế Đà Nẵng có đến 5 phó giám đốc. |
PV: Nhưng vấn đề ở chỗ có đến 2 Phó giám đốc sở Y tế Đà Nẵng kiêm nhiệm giám đốc 2 bệnh viện lớn. Theo ông, việc này có chồng chéo không?
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn: Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng là bệnh viện trung tâm của thành phố. Nó đảm nhiệm chức năng và sứ mệnh phục vụ không chỉ riêng Đà Nẵng mà cả miền Trung. Tôi được biết, quan điểm của sở Y tế và đã được UBND TP. Đà Nẵng đồng tình là giao cho 1 đồng chí phó giám đốc sở trực tiếp làm Giám đốc bệnh viện Đa khoa để tiện điều hành. Ý kiến từ sở Y tế sẽ đi trực tiếp xuống bệnh viện này. Nhưng đây cũng là câu chuyện cũ. Tới đây, theo tôi được biết Đà Nẵng sẽ xử lý vấn đề này.
Riêng ông Nguyễn Út, Phó giám đốc sở kiêm nhiệm chức Giám đốc bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng là xuất phát từ thực tế địa phương. Chúng ta đều đã biết, bệnh viện này vừa chuyển đổi mô hình sang công trực thuộc sở Y tế. Việc này kéo theo nhiều vấn đề phức tạp, nhiều hệ lụy thậm chí là tiêu cực khiến dư luận bức xúc. Sau đó, ông Út mới về làm giám đốc để xử lý trong giai đoạn này, đưa bệnh viện vượt qua khó khăn.
Tất nhiên sẽ có sự chồng chéo, bất hợp lý nhất định nào đó. Thế nên mới có chuyện tới đây, ông Út nhiều khả năng sẽ thôi giữ chức phó giám đốc sở để chuyên tâm làm Giám đốc bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.
PV: Có ý kiến cho rằng, Đà Nẵng đang bổ nhiệm cấp phó theo kiểu “đi tắt đón đầu”. Ông có nhận xét gì về quan điểm này?
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn: Đầu tiên, tôi không bình luận ý kiến của ai. Nhưng riêng ở Đà Nẵng, đây là câu chuyện xưa để lại và đến nay đã có lộ trình giải quyết vấn đề này. Thực ra đây không hẳn là “đi tắt đón đầu”, bởi trước đây chưa có quy định bổ nhiệm bao nhiêu phó giám sở. Đến khi Nghị định 24 ra đời, chúng ta mới có quy định cụ thể về số lượng phó giám đốc các sở ngành. Tức là các vị phó giám đốc sở có trước nghị định.
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn nhận định việc thừa cấp phó ở các sở, ngành là do sự thay đổi của một cơ chế. |
PV: Ở Đà Nẵng còn 2 sở nữa cũng có số cấp phó vượt quy định là sở LĐ-TB&XH và sở Nội vụ, mỗi sở đều đang có 4 phó giám đốc. Phải chăng Đà Nẵng đang “xé rào” Nghị định 24 của Chính phủ?
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn: Tôi không nắm rõ lắm nhưng sở LĐ-TB&XH và sở Nội vụ trước đây được thành lập do sáp nhập nhiều cơ quan lại với nhau. Hơn nữa như tôi nói ở trên, lúc trước chưa có quy định bổ nhiệm bao nhiêu phó giám đốc sở. Đến khi Nghị định 24 ra đời, chúng ta mới có quy định cụ thể về số lượng phó giám đốc các sở ngành. Cần làm rõ là các vị phó giám đốc sở có trước hay sau khi nghị định ban hành mới trả lời được “xé rào” hay không.
Tôi xin nói thêm, vấn đề bây giờ là chúng ta giải quyết nó như thế nào. Không thể nói là thừa thì cho nghỉ hoặc điều đi chỗ khác. Nguyên tắc tổ chức cán bộ là theo nhu cầu, theo công việc. Muốn bố trí sắp xếp lại phải có quy hoạch, theo dõi quy hoạch rồi mới bổ nhiệm cân nhắc.
PV: Theo cá nhân ông, vấn đề này có thể giải quyết theo hướng nào, thưa ông?
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn: Thực tế, việc Đà Nẵng và nhiều địa phương thừa các phó giám đốc sở, ngành là hậu quả của sự thay đổi cơ chế. Để giải quyết hậu quả của việc thay đổi cơ chế chính sách thì đòi hỏi phải có thời gian nhất định. Yêu cầu cơ quan quản lý phải xác định được lộ trình của mình. Ví dụ, ở Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP. Huỳnh Đức Thơ đã từng thẳng thắn trả lời vấn đề nhiều sở thừa cấp phó sẽ được giải quyết trong năm 2017.
Một vấn đề nữa, số lượng cấp phó theo quy định là nhiều hay ít thì bản thân nhiều người quản lý, hoạch định chính sách cũng không khẳng định được điều đó. Tại sao ở nhiều nơi chỉ 1 - 2 cấp phó họ vẫn làm được. Tại sao phải quy định 3 cấp phó ở mỗi sở. Quy định trên mang tính tương đối. Nhu cầu thực tế mỗi địa phương khác nhau thì theo tôi con số cấp phó sẽ phải khác nhau.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả: Nhâm Thân
Nguồn tin: antt.vn