Hiện nay, bên cạnh việc thanh toán dịch vụ công theo các phương thức truyền thống bằng chứng từ giấy, còn có nhiều phương thức thanh toán mới, hiện đại dễ sử dụng như: dịch vụ trích nợ tự động, thanh toán thẻ, giao dịch ATM, POS, internet banking, mobile banking, sử dụng ví điện tử...
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến nay đã có 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với ngành thuế, hải quan, trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước; 26 ngân hàng thỏa thuận với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện; 26 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền nước tại hơn 20 tỉnh, thành phố; 11 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền học phí; 6 ngân hàng phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ viện phí tại các Bệnh viện lớn; 5 ngân hàng phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội…
Thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng còn nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa: KT) |
Không thể phủ nhận, việc thanh toán qua ngân hàng đã và đang giúp hạn chế một khối lượng lớn tiền mặt trong lưu thông; giảm bớt những phí tổn có liên quan đến việc phát hành và lưu thông tiền như: chi phí in ấn, kiểm đếm, chuyên chở, bảo quản và hủy bỏ tiền cũ, rách...
Cùng với đó, việc thanh toán dịch vụ qua ngân hàng giúp tăng sự lưu chuyển tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc rút ngắn thời gian luân chuyển vốn qua các hệ thống thanh toán. Đồng thời, giảm thời gian vốn trôi nổi, thúc đẩy chu chuyển vốn.
Tuy nhiên, trên thực tế, giao dịch thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng chưa nhiều, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn còn nhiều khó khăn, tốc độ triển khai chậm. Khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin, truy xuất dữ liệu liên quan đến các khoản thanh toán phí dịch vụ công còn hạn chế. Phạm vi triển khai chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp hoặc tại các tỉnh, thành phố lớn, điều kiện kinh tế phát triển.
Đơn cử, đối với lĩnh vực bảo hiểm xã hội, ông Phạm Thanh Du, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, số người nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua thẻ ATM chiếm tỷ trọng thấp so với số người hưởng do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân và các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chưa được phổ biến rộng rãi trên phạm vi cả nước.
Tính đến hết năm 2017, có khoảng 15%, và đến tháng 2/2018 có khoảng 21% tổng số tiền thực hiện chi trả qua tài khoản ATM.
Còn với lĩnh vực Y tế, hàng năm Bộ này thu khoảng 100.000 tỷ đồng từ viện phí, phí bảo hiểm y tế. Trong đó dù tiền thanh toán của BHXH được thực hiện qua ngân hàng nhưng lượng tiền viện phí trả bằng tiền mặt là rất lớn.
Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân hạn chế trên là do cơ chế chính sách và hạ tầng cung ứng dịch vụ thanh toán của ngân hàng chưa phù hợp và đảm bảo. Hạ tầng công nghệ thông tin, thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa tốt. Bên cạnh đó là tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán của một bộ phận khách hàng và thói quen dùng tiền mặt của người dân.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú. Cùng đó là đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn.
Ông Phạm Tiến Dũng kiến nghị, phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh an toàn trong thanh toán.
Bên cạnh đó, triển khai ứng dụng thêm các hình thức, phương thức thanh toán qua ngân hàng tiên tiến, hiện đại phù hợp với đặc thù thanh toán của mỗi loại hình dịch vụ công./.
Tác giả: Chung Thủy
Nguồn tin: Báo VOV