Thế giới

Nhiều nhân viên WHO bị tố lạm dụng tình dục trong khủng hoảng Ebola

Hơn 80 nhân viên cứu trợ, trong đó có một số người làm việc cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã có hành vi lạm dụng và bóc lột tình dục khi đang làm việc trong giai đoạn khủng hoảng dịch bệnh Ebola ở CHDC Congo.

Logo của WHO trước trụ sở tại Thuỵ Sĩ. (Ảnh: Reuters)

Một cuộc điều tra được tiến hành sau bài viết của hai hãng tin Reuters và The New Humanitarian đề cập tới việc hơn 50 phụ nữ đã cáo buộc nhân viên cứu trợ của WHO và các tổ chức từ thiện khác đã đòi họ cho quan hệ tình dục để đổi lấy việc làm trong thời gian từ 2018 - 2020.

Trong báo cáo được chờ đợi từ lâu, uỷ ban điều tra độc lập do WHO thành lập xác định ít nhất 21 – 83 thủ phạm tình nghi đã được WHO tuyển dụng; những vụ lạm dụng, bao gồm 9 vụ cưỡng hiếp, do cả nhân viên người địa phương và nhân viên quốc tế gây ra.

“Nhóm đánh giá xác định rằng các nạn nhân đã được hứa hẹn việc làm để đổi lấy quan hệ tình dục hoặc để giữ công việc”, Malick Coulibaly, thành viên uỷ ban điều tra, cho biết tại cuộc họp báo.

Ông cho biết nhiều thủ phạm nam giới không dùng bao cao su, khiến 29 phụ nữ đã mang thai và một số người bị chính kẻ lạm dụng mình ép phá thai.

Cam kết không dung tha cho hành vi lạm dụng tình dục, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus xin lỗi các nạn nhân.

“Điều xảy ra với các bạn không bao giờ nên xảy ra với bất kỳ ai. Không có gì để bào chữa. Ưu tiên cao nhất của tôi là bảo đảm những thủ phạm sẽ không thể biện hộ mà phải chịu trách nhiệm”, ông nói.Tổng giám đốc WHO cũng hứa sẽ “cải tổ hoàn toàn cấu trúc và văn hoá của chúng tôi”.

Giám đốc khu vực của WHO Matshidiso Moeti nói rằng tổ chức này cảm thấy “kinh hoàng và đau lòng” vì kết luận điều tra. Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng xin lỗi và cảm ơn các nạn nhân đã dũng cảm đứng lên tố cáo.

Chưa rõ những kẻ lạm dụng sẽ bị xử lý như thế nào. Ông Tedros nói rằng sẽ chuyển các cáo buộc cưỡng hiếp cho chính quyền Congo và các quốc gia liên quan.

Đại diện các nạn nhân ở Beni, nơi từng là điểm nóng của dịch Ebola ở miền đông Congo, hoan nghênh phản ứng của WHO, nhưng thúc giục tổ chức này cần làm nhiều hơn nữa.

“Chúng tôi kêu gọi WHO tiếp tục công việc và thể hiện với cộng đồng rằng những nhân viên đã lạm dụng phụ nữ và các bé gái trong cộng đồng của chúng tôi phải bị trừng phạt nghiêm khắc và đích đáng”, Esperence Kazi, điều phối viên nhóm nữ quyền "One Girl One Leader" (Mỗi bé gái một nhà lãnh đạo) ở Beni, nói.

Một bé gái 14 tuổi, được nêu tên là "Jolianne" trong báo cáo điều tra, kể rằng khi em đang bán thẻ điện thoại bên đường phố Mangina vào tháng 4/2019, một lái xe làm việc cho WHO bảo sẽ cho em đi nhờ về nhà. Nhưng đối tượng này đã chở em đến khách sạn để cưỡng hiếp và sau đó em đã sinh con.

Một số phụ nữ nói rằng họ tiếp tục bị những người ở cấp quản lý ép buộc cho quan hệ để giữ việc làm, được trả tiền hoặc được làm ở vị trí lương cao hơn.

Một số người nói rằng họ bị sa thải vì từ chối lời gạ gẫm, trong khi một số người khác không nhận được công việc sau khi đã chấp nhận bị lạm dụng.

Tác giả: Bình Giang

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP