Tin địa phương

Nhiều giải pháp trong thu hồi vũ khí, vật liệu nổ ở thành phố Cần Thơ

Hàng trăm vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được người dân tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng trong thời gian qua tại TP Cần Thơ.

Đó là thành quả của sự phối hợp giữa lực lượng Công an, Quân đội và cựu chiến binh trong quá trình tuyên truyền, vận động người dân đến giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.

Vật liệu nổ tràn lan

Mới đây, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Cần Thơ phát hiện đối tượng Phạm Hữu Mi, sinh năm 1969, đăng ký thường trú tại khu vực Thới Trinh, phường Thới An, quận Ô Môn có hành vi mua bán qua mạng xã hội 3kg đạn chì sử dụng cho súng hơi. Cơ quan chức năng đã mời đối tượng lên làm việc, Phạm Hữu Mi thừa nhận mua đạn về để sử dụng vào mục đích bắn chim, sau đó đối tượng đã tự nguyện nộp cho cơ quan chức năng hai khẩu súng săn sử dụng khí nén, có ống ngắm.

Đối tượng và tang vật trong một vụ án liên quan đến vũ khí, công cụ hỗ trợ do Công an TP Cần Thơ phát hiện, xử lý. Ảnh do Công an TP Cần Thơ cung cấp

Qua tin báo của người dân, Công an huyện Cờ Đỏ đã triển khai kiểm tra nhà một đối tượng trên địa bàn xã Thới Đông. Kết quả tịch thu tang vật trong nhà đối tượng gồm 6 khẩu súng hơi, 2.741 viên đạn chì và 2 máy bơm khí nén. Qua vụ việc, cơ quan chức năng đã tham mưu cho chính quyền địa phương xử phạt 5 đối tượng gồm: Nguyễn Tấn Đạt, ngụ tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh; Trần Thanh Lâu và Danh Dễ, ngụ tại xã Thới Đông; Huỳnh Văn Hở, ngụ tại xã Ngọc Thành, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang; Trần Hoàng Nhi, ngụ tại xã Thạnh Phước, huyện Giồng Riềng. Các đối tượng trên bị phạt 75 triệu đồng về lỗi: “Tàng trữ, sử dụng súng săn”.

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, từ đầu năm 2020 đến nay, các đơn vị trên địa bàn đã thu hồi 144 khẩu súng các loại, gần 2.900 viên đạn, 255 công cụ hỗ trợ, 136 vũ khí thô sơ, tự chế và hàng nghìn viên đạn chì...

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng vi phạm trong tàng trữ vật liệu nổ, vũ khí, công cụ hỗ trợ trên địa bàn trong thời gian qua, đồng chí Đại tá Nguyễn Hồng Trinh, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết: Qua đấu tranh, vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chúng tôi thấy rất nhiều người dân thiếu hiểu biết về những quy định tàng trữ vật liệu nổ trong nhà. Phần lớn người giao nộp súng săn, súng bắn chim đều nghĩ rằng pháp luật không cấm người dân sử dụng loại súng này. Ngoài ra, hiện nay, mua bán công cụ hỗ trợ cũng phức tạp do diễn ra trên các mạng xã hội, gửi qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh nên khó bị phát hiện...

Nhiều giải pháp hiệu quả

Nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng người dân tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thời gian qua, TP Cần Thơ đã chỉ đạo các địa phương, sở, ban, ngành phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp. Nhằm làm tốt công tác này, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ CHQS và Hội Cựu chiến binh đi vận động, tuyên truyền trong nhân dân để công tác này đạt hiệu quả cao nhất.

Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả công tác phối hợp, đồng chí Trần Hải Vinh, Phó trưởng ban Tổ chức, kiểm tra và Phong trào, Hội Cựu chiến binh TP Cần Thơ cho biết: Từ đầu năm đến nay, Hội đã phối hợp với Công an thành phố nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Cũng trong công tác phối hợp, cựu chiến binh các địa phương đã cùng với lực lượng công an cơ sở vận động người dân tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng thu hồi 5 súng quân dụng, 88 viên đạn quân dụng, 3 quả lựu đạn, 1 súng hơi, 3 súng săn, 7 súng tự chế, 2 súng công cụ hỗ trợ, 43 công cụ hỗ trợ, 58 vũ khí thô sơ, 17 viên đạn pháo...

Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao là sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ CHQS, Công an và Hội Cựu chiến binh trong công tác tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ... Bằng việc thông qua các mô hình dân vận khéo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tổ nhân dân tự quản, hội cựu chiến binh các cấp, tổ dân phố... để đi phát tờ rơi, dựng các pano, áp phích, sử dụng hiệu quả hệ thống truyền thanh xã, phường truyền đạt những nội dung về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đến với bà con nhân dân, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc.

Công cụ hỗ trợ và hung khí được người dân giao nộp và thu giữ. Ảnh do Công an TP Cần Thơ cung cấp

Đặc biệt, những nội dung trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025 đã được tóm lược cho dễ hiểu để người dân có thể tìm hiểu và cùng nhau chấp hành khi Luật có hiệu lực. Cũng từ những hoạt động phối hợp của các lực lượng mà hàng nghìn tờ rơi có những nội dung thiết thực đã đến với bà con nhân dân.

Đánh giá về công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trong thời gian qua trên địa bàn TP Cần Thơ, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho rằng: "Công tác phối hợp trong tuyên truyền, quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã được các ban, ngành, đoàn thể, nhất là Bộ CHQS, Hội Cựu chiến binh và Công an thành phố triển khai đạt hiệu quả cao, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Cũng từ các hoạt động phối hợp này mà hàng trăm khẩu súng, công cụ hỗ trợ, hàng nghìn viên đạn đã được thu hồi và tiêu hủy".

Tác giả: Nguyễn Bá

Nguồn tin: Báo Quân đội Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP