Tin địa phương

Nhiều bài học từ Đà Nẵng

Sự việc Ủy ban Kiểm tra trung ương (UBKTTƯ) công bố kết luận kết quả kiểm tra về dấu hiệu vi phạm của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và một số cá nhân, trong đó có Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, đã gây xôn xao dư luận, đồng thời làm Đà Nẵng "nổi sóng".

"Tôi đã từng "lên đồng" với những phát ngôn "để đời" rất vừa ý dân của ông Nguyễn Xuân Anh. Tôi cũng từng kỳ vọng Đà Nẵng sẽ phát triển mạnh hơn bởi có những lãnh đạo có năng lực, quyết tâm và sự năng động như lãnh đạo TP Đà Nẵng. Giờ đây, với những kết luận của UBKTTƯ: gian dối bằng cấp, vi phạm những điều đảng viên không được làm, có biểu hiện sử dụng xe, nhà của doanh nghiệp…, ông Anh và những cá nhân vi phạm đã lấy mất niềm tin của người dân; hình ảnh, danh dự của TP bởi những lời nói của họ đã không đi đôi với việc làm; thậm chí làm ngược lại những gì đã nói" - bạn đọc Nguyễn Quỳnh Nam nêu ý kiến.

Việc 2 lãnh đạo cao nhất của Đà Nẵng bị kiểm tra và có những sai phạm nghiêm trọng như vừa qua được xem là trường hợp đầu tiên của cả nước nên gây "bão" dư luận cũng là điều tất yếu. Tuy nhiên, câu chuyện này không phải chỉ làm người ta tò mò hay xót xa trong thoáng chốc mà theo nhiều bạn đọc, nó còn để lại nhiều bài học cho các tổ chức, cơ quan nhà nước và cho mỗi cá nhân.

"Qua chuyện này cho thấy công tác cán bộ có nhiều sơ hở trong đánh giá, lựa chọn, đề bạt, quy hoạch và bổ nhiệm. Thực tế, có những trường hợp con lãnh đạo có năng lực, kiến thức khi làm lãnh đạo đã có những cống hiến nhất định. Tuy nhiên, như báo chí đã từng phản ánh, rất nhiều vụ vì cả nể, xuê xoa hoặc bị tác động từ người có chức vụ quyền hạn nên dù cán bộ còn non trẻ, chưa đủ năng lực, đủ tầm vẫn được vội vàng đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, để rồi chẳng mấy chốc họ đã phạm nhiều sai lầm, thậm chí vi phạm pháp luật mà bảo bối "đúng quy trình" vẫn chẳng thể giúp được gì" - bạn đọc An Nhiên phân tích.

Còn bạn đọc Trần Thành thì cho rằng không có gì là bất biến, đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ, uy tín, sự gương mẫu… nếu không rèn luyện, tu dưỡng thường xuyên trong quá trình làm việc thì cán bộ cũng sẽ bị biến đổi, tha hóa. Điều cần thiết là phải thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát để chủ động phòng ngừa; kịp thời khắc phục sai sót, vi phạm ngay từ lúc mới manh nha.

Một số bạn đọc lo ngại vụ việc của lãnh đạo TP Đà Nẵng đã làm sụt giảm nghiêm trọng niềm tin của người dân đối với cán bộ lãnh đạo. Tuy nhiên, ở góc nhìn lạc quan, nhiều bạn đọc cho rằng kết luận của UBKTTƯ là dấu hiệu tích cực, cho thấy quyết tâm rất cao của trung ương, của Bộ Chính trị trong việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật Đảng, làm trong sạch bộ máy.

"Sắp tới đây, Đà Nẵng sẽ còn "nổi sóng" bởi nhiều vấn đề khuất tất được mổ xẻ, đưa ra công luận. Những cái sai của lãnh đạo TP Đà Nẵng chắc chắn làm cho TP này bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng đây cũng là cơ hội để Đà Nẵng có đội ngũ lãnh đạo mới có năng lực, đạo đức, rồi Đà Nẵng sẽ phát triển mạnh hơn" - bạn đọc Thanh Mai nhận định.

Tác giả: Vy Thư

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP