Là điện thoại viên chăm sóc khách hàng của một mạng di động lớn trên địa bàn Hà Nội, Thu, sinh viên kế toán mới ra trường, không ít lần phải lúng túng khi bắt gặp những cuộc gọi như thế.
Thu cho biết: “Hôm đó, 30 phút sau khi gọi điện bảo “điều 4 em” đến quán cà phê X ở đường Y, gã đàn ông đó lại tiếp tục gọi đến. Em vừa bấm nút trả lời, chưa kịp xưng danh thì phía đầu dây bên kia, anh ta đã quát lớn: “Bảo cho 4 em đến cà phê X mà sao lâu thế?". Nói xong, anh ta tắt máy. 10 phút sau, người đàn ông ấy lại gọi lại để nhắc nhở với giọng rất gấp gáp”.
Ban đầu Thu nghĩ đó là cuộc gọi đùa vui của khách với nhân viên tổng đài nên khi cuộc gọi kết thúc chị không nghĩ ngợi nhiều. Nhưng đến lần thứ 3 thì Thu đoán anh ta nhầm số. Bởi thế, vừa nghe tiếng của người đàn ông nọ, Thu đã vội thông báo cho người đàn ông đó biết rằng anh ta đã nhầm số.
“Anh ta nghe xong, vội xin lỗi và tắt máy. Sau đó, em không thấy anh ta gọi đến nữa”, Thu kể.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Theo Thu cuộc gọi đó có thể là nhầm máy nhưng cũng có thể là chủ ý trêu đùa. Tuy nhiên, nếu là trêu đùa thì những cuộc gọi như vậy còn dễ chịu hơn so với nhiều cuộc gọi oái oăm khác.
Thu kể tiếp, có lần chị trực đêm, lúc đó là 12h, một nửa số nhân viên tổng đài đã đi ngủ, phần lớn bóng điện cũng đã tắt, chỉ còn ánh sáng ở những khoang nho nhỏ - nơi có nhân viên đang trực thì điện thoại đổ chuông.
Ngay lập tức, Thu bấm nút trả lời và bắt đầu xưng danh. Phía đầu dây bên kia, một người đàn ông cắt lời bằng tiếng thều thào rồi gạ tình cô nhân viên trực tổng đài bằng những lời vô cùng thô tục.
Vì thế Thu vội ngắt máy. Ngắt máy xong, chị để máy ở chế độ bận đến 5 phút để lấy lại tinh thần. Tuy nhiên, trong lúc Thu đang gác máy thì cô bạn đồng nghiệp ngồi bàn đối diện phải “chịu trận”. Thì ra, sau khi bị Thu ngắt máy giữa chừng, gã đàn ông bệnh hoạn đó đã tiếp tục thực hiện cuộc gọi đến tổng đài và lặp lại bài cũ vừa diễn với Thu.
Chỉ có điều lần này đồng nghiệp của Thu là cô bé mới học việc và hôm nay là ngày thực hành nghe đầu tiên. Vì thế cô bé ấy cứ ấp úng mà không biết phải xử lý thế nào. Đến lúc nhìn mặt cô bé như sắp khóc Thu mới chạy ra hỗ trợ và ngắt cuộc gọi với gã “bệnh hoạn” kia.
“Sau đó, suốt cả đêm, người đàn ông ấy không buông tha cho bất cứ nữ nhân viên tổng đài nào. Cứ cuộc gọi đổ vào máy của điện thoại viên nam thì anh ta ngắt máy nhưng nghe thấy tiếng nữ là những lời ghê tởm của anh ta lại được thốt ra. Nếu không thốt ra những lời thô tục ấy thì anh ta lại mở phim đen rồi để sát vào loa điện thoại cho nhân viên nghe” – Thu kể.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên đó không phải là đêm duy nhất kẻ bệnh hoạn này quấy rối nhân viên tổng đài. Đêm hôm sau hắn ta lại tiếp tục kịch bản cũ khiến các nhân viên vô cùng bực bội.
Cuối cùng bộ phận giám sát của tổng đài buộc lòng phải gọi lại cho kẻ bệnh hoạn đó để nhắc nhở thì những cuộc gọi quấy rối từ số đó mới chấm dứt.
“Tuy nhiên hết kẻ bệnh hoạn này thì lại đến kẻ bệnh hoạn khác xuất hiện. Kẻ tiếp theo này còn cao thủ hơn rất nhiều", Thu cho biết thêm.
Chị nói: “Anh ta không thở hổn hển vào điện thoại cũng không nói lời thô tục với điện thoại viên nhưng anh ta mở phim đen với âm lượng khá to bên cạnh trong khi miệng vẫn lịch sự hỏi nữ tổng đài về dịch vụ điện thoại. Vì thế, dù rất ức nhưng các điện thoại viên vẫn không được quyền ngắt máy mà chỉ dám yêu cầu anh ta vặn nhỏ âm lượng kia để cuộc trao đổi đạt hiệu quả”- Thu nói.
“Khi đã được yêu cầu có lúc thì anh ta vặn nhỏ âm lượng của phim đen nhưng cũng có lúc anh ta nhất định không vặn nhỏ và lấy lý do đó là âm thanh phát ra từ hàng xóm nên không làm gì. Tuy vậy, theo nguyên tắc của nghề, chúng em vẫn phải nhẹ nhàng niềm nở để tư vấn cho anh ta những thông tin anh ta cần về dịch vụ mạng di động” – Thu kể tiếp.
Tác giả bài viết: An Bình