Về lâu dài, gia công dệt may VN sẽ ảnh hưởng từ việc giảm giá CNY |
Là thị trường tiêu thụ lớn của VN, CNY mất giá sẽ tác động thế nào lên cán cân thương mại và các doanh nghiệp Việt?
Những ưu đãi từ các FTA có thể giảm
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, nguyên tắc chung là khi đồng tiền nào đó giảm là nhắm đến mục đích hạn chế nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu. CNY giảm, các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ tăng cường xuất khẩu hàng hóa ra bên ngoài để tăng lợi nhuận. Nguyên nhân của việc này liên quan đến xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây, nên VN chưa ảnh hưởng ngay. Nhưng về lâu dài, khi doanh nghiệp (DN) Trung Quốc xuất khẩu nhiều hơn, một số ngành hàng chủ lực của VN đang cùng nhóm hàng với nước này sẽ gặp khó khăn hơn. Dệt may, da giày có thể là nhóm hàng dễ bị ảnh hưởng.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, phân tích dệt may tại Trung Quốc nay không phát triển mạnh nữa nên không quá ảnh hưởng đến ngành dệt may VN. Hiện tại châu Âu là thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 của VN, sau Mỹ. Nếu CNY giảm dài dài, Trung Quốc tăng cường xuất khẩu hàng dệt may “made in China” sang thị trường EU thì mức độ hưởng lợi của DN Việt từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa VN - EU nếu được thông qua trong tương lai gần có thể không đạt như kỳ vọng. Theo FTA VN - EU, có đến 85% dòng thuế được EU xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, tập trung phần lớn là hàng gốm sứ, rau củ. Một số mặt hàng mang tính cạnh tranh như dệt may, giày dép, thủy sản... sẽ được xóa bỏ thuế quan theo lộ trình 7 năm từ 9% về 0%. Ông Hồng cho rằng, xuất khẩu chính ngạch của VN sang Trung Quốc hay các quốc gia khác thường tính bằng đồng USD, không tính bằng đồng CNY. Nhưng bước chân sang thị trường thứ 3, nếu nơi đó có cả Trung Quốc và VN thì DN VN có thể bị “lép vế” hoặc khó khăn hơn.
Một số DN đang gia công dệt may lại lo lắng, việc Trung Quốc phá giá CNY tuy chưa ảnh hưởng trong ngắn hạn nhưng lâu dần sẽ kích thích nhập khẩu vào VN hơn là đầu tư sản xuất. Lúc đó, DN trong nước chỉ chú tâm nhập khẩu, lơ là chuyện đầu tư máy móc tăng cường nội địa hóa để đáp ứng các điều kiện xuất xứ. Những lợi ích từ một số FTA như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ không được tận dụng hiệu quả.
Có lợi cho các khoản vay CNY
Ở chiều ngược lại, với hàng nhập khẩu qua tiểu ngạch, đa số các thương nhân chuyên nhập hàng từ Trung Quốc lại tỏ ra phấn khởi trước thông tin CNY giảm sâu. Bà N.T.N, thương nhân đã đầu tư nhà xưởng chuyên may và kinh doanh áo quần tại Trung tâm thương mại An Đông Plaza, cho hay thị trường áo quần VN phần lớn là hàng nhập từ Trung Quốc, chủ yếu theo đường tiểu ngạch. Hàng trong nước đang cạnh tranh vất vả với hàng nhập từ Trung Quốc. Với tình hình CNY giảm trong 2 tuần qua, những người “đánh hàng” về đang hưởng lợi rất lớn. Chẳng hạn, cách đây 2 tuần, tỷ giá CNY trên thị trường là 36,47, nay xuống còn 34,72. Như vậy, với 10 vạn tệ, thương nhân sẽ có lợi được 6 - 7 triệu đồng. “Trong khi ngay tại An Đông Plaza, hiện có nguyên tầng lửng là người Trung Quốc qua đây thuê bán hàng, họ mua tận gốc, bán tận ngọn, giá luôn rẻ hơn hàng Trung Quốc của thương nhân VN “đánh” về và tất nhiên rẻ hơn hàng may trong nước. CNY giảm, thương nhân người Trung Quốc đang kinh doanh tại VN hưởng lợi lớn”, bà N. cho biết.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh bổ sung, CNY giảm sẽ khiến các khoản vay nợ bằng CNY được hưởng lợi lớn... Hiện, các hoạt động vay thường là nhập khẩu máy móc hay trả lương cho chuyên gia từ Trung Quốc bằng hình thức vay nợ CNY. “Khi CNY mất giá, vốn vay từ VN bằng CNY sẽ có lợi hơn. Và thực tế, hiện rất nhiều DN VN đang vay nợ bằng CNY là chủ yếu chứ không vay USD. Hình thức vay chủ yếu nhập khẩu lại hàng hóa, nguyên vật liệu, máy móc... về VN và chuyển trả bằng CNY quay trở lại Trung Quốc. Nói tóm lại, CNY mất giá thì DN vay tệ nên cười tươi”, ông Vũ Đình Ánh phân tích.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng: “VN đừng mắc sai lầm như cách đây mấy năm là khi thấy CNY giảm, mình chủ trương phá giá VND theo. Trong bối cảnh hiện nay, VN nên ngồi yên, không việc gì phải lo. Họ rớt giá chỉ có lợi cho các khoản vay không nhỏ của DN trong nước. Thứ nữa, lo ngại nhập siêu từ Trung Quốc tăng có chăng chỉ xảy ra với DN trong nước, còn lâu nay DN đầu tư nước ngoài toàn xuất siêu. Nếu tăng nhập siêu cũng chưa đáng kể và chưa đáng lo ngại”.
Tác giả: Nguyên Nga
Nguồn tin: Báo Thanh niên