Kinh tế

Nhận 3.000 tỷ đồng lợi hay thiệt, bà Diệp Thảo có tụt hạng top phụ nữ giàu nhất?

Tuần qua, vụ ly hôn nghìn tỷ tốn không ít giấy mực của báo chí. Tuy nhiên, những thông tin về bà Diệp Thảo lại thu hút được sự chú ý hơn cả.

Tòa tuyên chia cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ 60% và bà Lê Hoàng Diệp Thảo 40% giá trị tài sản tại các công ty. Tuy nhiên, bà Thảo sẽ giao toàn bộ số cổ phần trong các công ty của tập đoàn Trung Nguyên cho ông Vũ. Còn ông Vũ sẽ thanh toán phần chênh lệch tài sản cho bà Thảo, khoảng 3.000 tỷ đồng.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Trong tổng giá trị tài sản trị giá 7.750 tỷ đồng thì công chúng quan tâm đến định giá tài sản cổ phiếu ở Trung Nguyên của hai người là 5.737 tỷ đồng, mức này đắt hay rẻ? Bởi nếu đắt thì bà Thảo được lợi còn nếu rẻ thì bà Thảo thiệt, do bà là người nhận tiền mặt còn ông Vũ nắm giữ cổ phần.

Nếu chiếu theo giá trị tổng tài sản trên bảng cân đối kế toán của công ty giai đoạn tranh chấp li hôn thì con số toà đưa ra khá tương đồng (cuối năm 2017, Trung Nguyên có tổng tài sản 5.696 tỷ đồng).

Song vẫn còn một số phương pháp khác. Một chuyên gia về tài chính đã nhẩm tính, mức định giá đối với Trung Nguyên theo số nhân thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao (EBITDA) vào khoảng 8.000 tỷ đồng.

Theo chuyên gia này, so với các công ty niêm yết cùng ngành, Vinacafe Biên Hoà có doanh thu và lợi nhuận năm vừa rồi đột biến, nhưng từ nhiều năm trước thì chỉ có lợi nhuận bằng một nửa thậm chí 1/3 Trung Nguyên. Nhưng VCF không có thanh khoản nên mức giá thị trường cổ phiếu hiện tại không phản ánh được giá trị công ty.

“Xét cho cùng, vấn đề là cần định giá độc lập và có năng lực, chứ không thể lấy giá trị ghi sổ được. Vì ngay cả giá trị ghi sổ có rất nhiều khoản đầu tư tài chính không mang lại giá trị”, vị chuyên gia này nhận định.

Tóm lại, định giá Trung Nguyên 5.737 tỷ đồng là đắt hay rẻ, điều này còn phụ thuộc và phương pháp định giá và trình độ của đơn vị thẩm định giá.

Sau ly hôn, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đứng thứ mấy top phụ nữ giàu nhất?

Sau ly hôn, bà Thảo nhận 40%, tương đương hơn 3.000 tỉ đồng còn lại. Ngoài ra, bà Thảo còn tiếp tục được quản lý số tiền vàng gửi tại ngân hàng là 1.764 tỉ đồng, 7 bất động sản trị giá hơn 375 tỉ đồng.

Tuy nhiên, phiên xét xử này, ông Vũ được chuyển giao toàn bộ cổ phần Trung Nguyên, và bà Thảo được nhận 1.220 tỉ đồng từ ông Vũ - đây là số tiền ông Vũ phải trả để được quyền sở hữu số cổ phần của bà Thảo được chia tại Trung Nguyên.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đứng thứ 6 top 10 người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán.

Ngoài 13 bất động sản đem ra phân chia tại tòa, bà Thảo còn là chủ sở hữu của 13 bất động sản khác mà hai bên thống nhất không phân chia (theo danh sách công bố tại tòa, hai vợ chồng có 26 bất động sản, trong đó 20 khu do bà Thảo đứng tên là chủ sở hữu).

Như vậy, nếu không tính số tài sản chung là bất động sản chưa chia và số tiền bà Thảo có thể nhận từ cổ phần của mình tại Trung Nguyên, tài sản ước tính hiện tại của người phụ nữ này lên đến gần 3.400 tỉ đồng.

Nếu xét về top phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán thì bà Thảo sẽ đứng ở vị trí thứ 6, thứ 5 là bà Trương Thị Lệ Khanh (Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn), bà Nguyễn Hoàng Yến xếp thứ 4 (thuộc tập đoàn Masan), bà Phạm Thúy Hằng và Phạm Thu Hương thuộc Vingroup xếp thứ tự lần lượt 3 và 2, đứng vị trí đầu là bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet).

742 hecta đất tại Campuchia của bầu Đức bị thu hồi?

Thông tấn xã Việt Nam dẫn nguồn tin nước ngoài cho biết, 742 hecta đất được Chính phủ Campuchia cấp cho Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức từ 10 năm trước để trồng cao su sẽ bị thu hồi để trả cho cộng đồng bản địa.

Theo thông tin này thì vào năm 2015, 12 cộng đồng bản địa đã khởi kiện Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) - đã đầu tư vào một quỹ cung cấp tài chính cho các liên doanh của Hoàng Anh Gia Lai tại Campuchia và Lào - vì những lý do ảnh hưởng đến môi trường và xã hội.

HAGL phải trả lại cộng đồng bản địa một diện tích đất khá lớn vốn đã được Chính phủ giao từ 10 năm trước

Tiến trình giải quyết tranh chấp đã được thiết lập và Hoàng Anh Gia Lai đã đồng ý ngừng các hoạt động khai phá đất đai. Một năm sau đó, Hoàng Anh Gia Lai đã trả lại đất đai chưa được sử dụng trong hoạt động trồng trọt hoặc khai phá khiến diện tích đất mà doanh nghiệp này được cấp phép đã giảm xuống hơn 60%.

Tuy nhiên, theo đại diện của HAGL, đến chiều nay (28/3), Công ty này vẫn chưa nhận được bất cứ quyết định nào của Chính phủ Campuchia về việc thu hồi 742 ha đất nói trên.

"Các hoạt động trồng trọt tại dự án của Công ty HAGL vẫn diễn ra bình thường", đại diện Công ty này cho biết.

Đại gia đá quý sụt 400 triệu USD

Khối tài sản của ông Hồ Xuân Năng giờ chỉ còn hơn 7 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 320 triệu USD do VCS gặp rất nhiều khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt về giá của các sản phẩm đá Trung Quốc trên thị trường toàn cầu.

Bên cạnh đó, vụ khởi kiện chống bán phá giá đối với các sản phẩm đá gốc thạch anh của Trung Quốc tại thị trường Mỹ dẫn đến việc Trung Quốc xuất ồ ạt vào thị trường Mỹ ngay từ tháng 4/2018 để tránh bị áp thuế.

Ông Hồ Xuân Năng

Lợi nhuận của VCS chững lại còn do sự cạnh tranh đến từ các đối thủ sử dụng công nghệ Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Chưa kể, Vicostone còn hết hạn hợp đồng độc quyền với Breton.

Những biến động trong nội bộ công ty cùng với triển vọng không mấy sáng sủa của một doanh nghiệp từng độc quyền trong một lĩnh vực được cho là nguyên nhân góp phần vào cú tụt giảm của VCS.

Tác giả: Thế Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP