Sáng 13/9, tại tọa đàm “Đổi mới thi cử - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra” do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ở Hà Nội, nhiều chuyên gia và nhà quản lý giáo dục đã đánh giá về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học.
Bên cạnh những lỗ hổng trong khâu coi và chấm thi, dẫn đến gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, nêu ý kiến về ảnh hưởng của kỳ thi đối với việc tuyển sinh của các trường đại học.
Ông đánh giá cao kỳ thi bởi các khâu lọc điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm hết, trường chỉ xét từ trên xuống dưới nên rất nhanh gọn. Năm nay, với 8.500 chỉ tiêu, trường tuyển được 8.700, đảm bảo đủ số lượng và năng lực thí sinh tương đối tốt. Tuy nhiên, số thí sinh bỏ học sau năm thứ nhất khá cao.
“Năm vừa rồi, số thí sinh bỏ học sau năm thứ nhất khoảng 700 em, chiếm 10%. Bên cạnh đó, số lượng ảo rất nhiều. Trước đây, thí sinh đỗ trường nào thì sẽ học luôn trường đó nhưng bây giờ các em có nhiều lựa chọn và còn phụ thuộc vào năng lực học tập nữa. Ở Đại học Quốc gia Hà Nội, năm đầu các em phải học các môn cơ bản rất nặng, đây cũng có thể là nguyên nhân khiến số sinh viên bỏ học sau năm đầu tiên cao”, ông nói.
GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ thực trạng nhiều sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội bỏ học sau năm nhất. Ảnh: Thùy Linh |
GS Nguyễn Đình Đức nhận xét, 156 tổ hợp xét tuyển như hiện nay là quá nhiều. 26 điểm tổ hợp Toán - Lý - Hóa rõ ràng khác với 26 điểm tổ hợp Địa - Giáo dục công dân hay môn nào đó về chất lượng học tập.
“Tổ hợp của Đại học Quốc gia Hà Nội chúng tôi bao giờ cũng có môn Toán bởi theo thông lệ thế giới là có Toán, Ngữ văn và Lịch sử. Tôi cho rằng nếu tổ hợp xét tuyển không cơ bản thì lợi bất cập hại, chúng ta tuyển sinh đủ chỉ tiêu nhưng chất lượng bị ảnh hưởng”, ông Đức góp ý.
Tại buổi tọa đàm, hai mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia được đưa ra thảo luận. Theo tiến sĩ Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, nếu chỉ là mục tiêu tốt nghiệp THPT thì chắc sẽ không có nhiều sai phạm. Gian lận chủ yếu vì mục tiêu thứ hai, làm cho thí sinh có kết quả tốt để đáp ứng được yêu cầu xét tuyển đại học.
"Nếu đạt mục tiêu thứ nhất một cách trọn vẹn thì mục tiêu thứ hai sẽ không thể. Nghĩa là đề thi không phân hóa thì không sàng lọc được, lựa chọn được thí sinh xuất sắc nhất vào đại học, cao đẳng. Còn ngược lại, nếu chọn mục tiêu thứ hai thì số lượng tốt nghiệp THPT giảm, cũng không trọn vẹn", ông trăn trở.
TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tại cuộc làm việc của Bộ với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, thi THPT quốc gia được đề xuất gọi là kỳ thi "2 trong 1 buổi". Tức là có hai phần đề (tốt nghiệp THPT, thi đại học). Học sinh nào không có nhu cầu thi đại học cho ngồi riêng, thi xong được nghỉ. Em nào thi đại học sẽ tiếp tục làm bài. Trong đó, phần thi đại học phải do đại học chủ trì.
Tiến sĩ Ngọc nhấn mạnh, công nghệ thông tin hỗ trợ đắc lực cho các kỳ thi. Chính nhờ phần mềm quản lý điểm thi mới phát hiện ra những trường hợp gian lận thi cử, một điểm khác biệt so với thời thi "3 chung" trước đây. Ông đề xuất sau khi chấm điểm, Bộ nên chính thức công bố toàn bộ số liệu thống kê kết quả, dựa vào đó để biết mức độ phân hóa đề thi và điều chỉnh.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang (phải) đề xuất thành lập Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng độc lập. Ảnh: Thùy Linh |
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường THCS và THPT Marie Curie chia sẻ, ông mong chờ một điều mới mẻ trong tuyển sinh ở Việt Nam, theo xu thế của thế giới. Đó là phải thành lập Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng độc lập.
“Đại học Quốc gia Hà Nội có thể hình thành trung tâm này, tách khỏi trường để làm dịch vụ. Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam rất có thể đủ khả năng tập hợp lại thành lập một trung tâm có chức năng như vậy. Vấn đề là Quốc hội ban hành luật, Chính phủ có các nghị định để tạo điều kiện cho trung tâm này ra đời”, nhà giáo góp ý.
Về phương án thi hiện tại, ông nhận xét tương đối ổn, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội và không có lý do gì để không duy trì cho đến khi có sự thay đổi chương trình phổ thông mới.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, dự kiến kỳ thi đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được tổ chức vào năm 2024. Bộ đang tính toán để việc đổi mới thi là lộ trình không bị ngắt quãng, không gây sốc.
Để kỳ thi hiện tại diễn ra suôn sẻ trong vài năm tới, Bộ xác định những vấn đề cần xử lý gồm: hoàn thiện ngân hàng câu hỏi đủ lớn, đạt chất lượng và phù hợp tính chất kỳ thi; hoàn thiện kỹ thuật và công nghệ; rà soát toàn bộ quy trình để làm rõ trách nhiệm của những người tham gia kỳ thi.
Tác giả: Thùy Linh
Nguồn tin: Báo VnExpress