Tin địa phương

Nhà chờ xe buýt bị "biến thành" nơi tập kết rác: Cần Thơ xử lý thế nào?

Cần Thơ đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt.

Đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tương xứng với phương tiên xe buýt hiện đại. Ảnh: Lê An

Đầu tư hạ tầng cho xe buýt

Sau phản ánh của Báo Giao thông về tình trạng nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi tập kết rác, Sở GTVT TP. Cần Thơ cho biết, đã có công văn số 2430/SGTVT-TTQL&ĐH ngày 30/9//2020 gửi UBND 9 quận, huyện trên địa bàn thành phố hỗ trợ, có ý kiến chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động các tập thể, cá nhân không chiếm dụng các nhà chờ, trạm dừng, vạch dừng đỗ xe buýt trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, Sở cũng đã có công văn ngày 13/10/2020 chỉ đạo Thanh tra Sở chủ trì, bố trí lực lượng phối hợp với Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng tổ chức tuần tra, kiểm soát các khu vực nhà chờ, trạm dừng, vạch dừng đỗ xe buýt.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động các tập thể, cá nhân không chiếm dụng, sử dụng trái phép khu vực nhà chờ, trạm dừng, vạch dừng đỗ xe buýt, nếu không chấp hành sẽ xử phạt theo qui định của pháp luật với tần suất tuần tra là 2 lần/tuần.

Liên quan đến vấn đề nhà chờ xe buýt chưa được đầu tư đồng bộ, Sở GTVT thành phố Cần Thơ cho biết, để đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tương xứng với phương tiên xe buýt hiện đại do Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang - Futa Bus Lines đầu tư. Hiện nay, UBND thành phố đã bố trí vốn cho Sở GTVT để chuẩn bị đầu tư, lập và phê duyệt các dự án trong năm 2020 và bố trí vốn để thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thành các dự án trong năm 2021 - 2022.

Trong đó, sẽ xây dựng 501 điểm dừng, nhà chờ hiện đại, với tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng; Xây dựng 14 Bến xe buýt trên khắp địa bàn thành phố gồm Ba Láng, Cái Cui, KĐT Ô Môn, Phong Điền, Mỹ Khánh, Nam Cờ Đỏ, Bắc Cờ Đỏ, Đông Thới Lai, Tây Thới Lai, Thốt Nốt số 1, TT. Vĩnh Thạnh, Kênh E, Kinh B và Sân Bay, với tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng; Xây dựng Trung tâm VTHKCC bằng xe buýt để nâng cấp thành Trung tâm quản lý giao thông đô thị của TP với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng; Đầu tư Hệ thống quản lý giao thông thông minh thành phố Cần Thơ giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng.

“Khi các dự án nêu trên hoàn thành sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng hiện đại tương xứng với phương tiện xe buýt đời mới phục vụ tốt nhất cho người dân, nhằm đẩy mạnh phát triển mạnh mẽ loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Cần Thơ tăng cuờng tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đạt từ 5% ÷ 10% đến năm 2020 và 20-30% đến năm 2030 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Thành ủy và UBND thành phố Cần Thơ”, người đứng đầu Sở GTVT thành phố Cần Thơ nói.

Địa bàn quận Ninh Kiều hiện đang chịu áp lực giao thông rất lớn. Ảnh Lê An

Đầu tư chống ùn tắc: Đừng bỏ qua xe buýt

Thực tế khoảng 5 năm trở lại đây, áp lực giao thông trên địa bàn quận Ninh Kiều rất lớn. Tại các nút giao Nguyễn Văn Linh - đường 30 Tháng 4; nút giao đường Nguyễn Văn Linh - đường 3 Tháng 2; nút giao đường Nguyễn Văn Linh - đường Nguyễn Văn Cừ; nút giao đường Trần Hưng Đạo - đường 3 Tháng 2 - đường Mậu Thân; nút giao đường Mậu Thân - đường Nguyễn Văn Cừ - đường Võ Văn Kiệt; đường Nguyễn Văn Linh (QL91B),…thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông gây bức xúc cho người dân.

Để giải quyết tình hình trên, thành phố Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều dự án với tổng mức đầy tư ước trên 6.500 tỷ như Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, đường và cầu Trần Hoàng Na, cầu Quang Trung đơn nguyên 2, đường nối hẻm 91 đường CMT8 - đường tỉnh 918,… góp phần chia sẻ áp lực giao thông đô thị trên địa bàn.

Đối với loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thì dường như “dậm chân tại chỗ” sau gần 10 năm thiết lập đề án cũng như triển khai. Người dân dần từ bỏ xe buýt bởi chất lượng kém, phương tiện cũ kỹ. Tỉ lệ người dân tham gia loại hình phương tiện này thấp chưa đến 1%.

Trong khi đó, phát triển vận tải xe buýt, hạn chế phương tiện cá nhân trong điều kiện hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển của xã hội, trong những năm trở lại đây được xác định là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.

Thiết nghĩ, để hành khách ưu tiên lựa chọn đi lại bằng phương tiện xe buýt công cộng, nhằm kéo giảm lượng xe cá nhân lưu thông trên đường, ngành chức năng cần quan tâm sớm đầu tư, nâng cấp và quản lý hiệu quả các nhà chờ xe buýt. Đây cũng là một giải pháp hữu hiệu để chống ùn tắc giao thông.

Tác giả: Lê An

Nguồn tin: Báo Giao thông

  Từ khóa: vận tải , xe buýt , Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP