Trong nước

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Đôi điều mong mỏi về Ngoại giao và Báo chí

Có thể nói, ngoại giao và báo chí (nói đúng ra là các phương tiện truyền thông đại chúng-mass media) vốn là anh em song sinh.

Bác Hồ với các phóng viên báo đài. (Ảnh tư liệu)

Một trong những chức năng của ngoại giao là chuyển tải tới dư luận trong và ngoài nước những thông điệp cần thiết nhằm tranh thủ sự thấu hiểu, đồng tình đối với những chủ trương, chính sách của Việt Nam. Mass media chính là một trong những công cụ hữu hiệu nhất để làm việc này.

Mối quan tâm đặc biệt

Bác Hồ chẳng những là người sáng lập ra Đảng và Nhà nước ta mà Người còn đích thân khai sinh ra nền ngoại giao và báo chí cách mạng Việt Nam và cá nhân Bác đã dành mối quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực truyền thông đại chúng.

Trong mấy chục năm lãnh đạo cách mạng, Người đã trả lời phỏng vấn tới trên 130 lần cho phóng viên từ nhiều quốc gia và nhiều cơ quan truyền thông nổi tiếng toàn cầu.Các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới và mở cửa luôn quan tâm tới việc tiếp xúc với đại diện các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước.

Riêng trong ngành ngoại giao, Phòng Thông tin-Phát ngôn đã ra đời cùng với sự hình thành Bộ Ngoại giao của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong các cuộc kháng chiến, cứu nước liên tiếp trong hơn 30 năm, công tác thông tin-báo chí đã góp phần không nhỏ vào việc vạch trần trước dư luận thế giới những âm mưu, tội ác của quân xâm lược, nêu cao tính chính nghĩa của quân dân ta. Trong thời kỳ đổi mới và mở cửa các cơ quan truyền thông đại chúng, trong đó có các đơn vị chuyên trách trong ngành ngoại giao đã tích cực, chủ động tuyên truyền về đường lối, chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như quan hệ đối ngoại của đất nước ta.

Năm 1989, Tạp chí Quan hệ Quốc tế ra đời, năm 1993 đổi thành Tuần báo Quốc tế, năm 1998 lấy tên là Báo Quốc tế và từ năm 2006 tới nay mang tên Thế giới & Việt Nam.

Để làm tròn sứ mệnh

Ngày nay, tình hình thế giới cũng như tình hình nước ta đã thay đổi rất nhanh chóng và vô cùng sâu rộng, đặt ra nhiều vấn đề rất mới mẻ đối với công tác tuyên truyền-báo chí đối ngoại. Tôi xin mạn phép chia sẻ đôi điều mong mỏi đối với lĩnh vực trọng yếu này.

Phương tiện truyền thông nay khác trước rất nhiều; bên cạnh các phương tiện truyền thống như báo viết, báo nói, báo hình… mạng xã hội trở thành một phương tiện cực kỳ nhanh nhậy, phổ biến rộng rãi nhất. Nhân tố mới này vừa tạo ra những thuận lợi chưa từng có, vừa đặt ra nhiều thách thức mới mà thế giới chưa từng gập phải. Một trong những vấn nạn của mạng xã hội là “vàng thau lẫn lộn”, tin thật không ít, tin giả cũng nhiều. Làm thế nào để ứng phó hữu hiệu với những mặt tiêu cực của nó là nhiệm vụ không dễ dàng gì đối với những người làm công tác tuyên truyền-thông tin đối ngoại.

Không ít nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia cũng tận dụng mạng xã hội để truyền tải những điều muốn nói. Tuy nhiên ở nước ta phương cách này chưa phổ biến. Tiếc rằng, một số cá nhân không nhận thức rõ vị trí và trách nhiệm của bản thân thích đưa lên mạng những suy nghĩ cá nhân gây phương hại tới lợi ích chung. Nên chăng ban hành quy định có tính pháp quy về câu chuyện này?

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan. (Nguồn:biengioilanhtho)

Về đối tượng mà các phương tiện truyền thông của ta phải nhằm tới cũng có những thay đổi sâu sắc. Dân ta vốn có truyền thống quan tâm sâu sắc tới chính trị nói chung và chính trị đối ngoại nói riêng; đó là một thuận lợi riêng có của các phương tiện truyền thông đại chúng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng cần tính đến những thay đổi trong số bạn đọc mà ở đó giới trẻ chiếm phần lớn và họ có những yêu cầu rất khác so với thế hệ lớn tuổi; đó là chưa kể tới những khác biệt về vùng miền, nghề nghiệp, trình độ học thức… Làm thế nào để “gãi trúng chỗ ngứa” của các tầng lớp dân cư khác nhau là đòi hỏi không dễ gì đáp ứng được.

Mối quan tâm của dư luận quốc tế tới chủ đề Việt Nam cũng đã khác trước. Thay vì nhìn nhận Việt Nam như một cuộc chiến, ngày nay trong con mắt dư luận quốc tế, Việt Nam dần trở thành một đối tác làm ăn cộm cán, một “player” quan trọng trên bàn cờ địa-chính trị và địa-kinh tế quốc tế. Làm thế nào để đáp ứng được kỳ vọng ấy của bạn bè, đối tác năm châu, bốn biển tiếp tục là đòi hỏi chưa có lời đáp trọn vẹn.

Để làm trọn sứ mệnh của mình trong tình hình mới thì chất lượng và hình thức thể hiện của các phương tiện truyền thông đại chúng có ý nghĩa quyết định. Hàng ngày đọc khá nhiều sách báo thế giới về chủ đề đối ngoại, cá nhân tôi hầu như chưa bắt gặp phương tiện truyền thông đại chúng nào trên thế giới trích dẫn bài viết của các nhà báo hoặc nhà nghiên cứu quốc tế của ta cả! Tình tiết ấy nhắc nhở chúng ta có chính sách và biện pháp thiết thực để đào tạo, cũng như nâng cao trình độ và tầm cỡ của những các nhà báo và nhà nghiên cứu về đối ngoại.

Trước kia, khi chưa có điều kiện tiếp cận rộng rãi các phương tiện truyền thông đại chúng nước ngoài, chúng ta đã tận dụng kênh phóng viên nước ngoài để chuyển tải những điều mình mong muốn. Ngày nay ta vẫn cần tiếp tục tận dụng phương cách này, song đã đến lúc phát huy tối đa nội lực để có tiếng nói “chính hiệu” trên các phương tiện thông tin đại chúng của thế giới.

Muốn vậy thì nhân tố quyết định là tìm kiếm, phát hiện, nâng tầm cho được những cây bút của ta. Điều không kém phần quan trọng là “nhập gia tùy tục”, phương cách thể hiện phải hợp gu người đọc vốn có truyền thống văn hóa rất đa dạng và rất khác ta. Dù sao đi nữa thì những lời dạy của Bác Hồ từ năm 1926 đối với người làm công tác tuyên truyền, diễn thuyết vẫn còn nguyên giá trị:

“Một là, phải sử dụng ngôn ngữ thích hợp với đối tượng;

Hai là, phải chọn cách thu hút người nghe, biết dẫn dắt người nghe;

Ba là, nội dung diễn thuyết dễ hiểu;

Bốn là, bài diễn thuyết phải thích hợp với hoàn cảnh;

Năm là, phải có những chứng cứ, ví dụ rõ ràng;

Sáu là, trong mọi hoàn cảnh, diễn giả phải trung thực, không xuyên tạc”.

Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là hình thành cơ chế hợp tác, phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa các binh chủng hợp thành trên mặt trận thông tin – tuyên truyền đối ngoại hiện nay rất đông đảo, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, làm cho độc giả không biết đằng nào mà lần, thậm chí có thể gây hiểu lầm trong dư luận quốc tế.

Đã đến lúc phát huy tối đa nội lực để có tiếng nói “chính hiệu” trên các phương tiện thông tin đại chúng của thế giới. Muốn vậy thì nhân tố quyết định là tìm kiếm, phát hiện, nâng tầm cho được những cây bút của ta.

Tác giả: Vũ Khoan

Nguồn tin: baoquocte.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP