Giải trí

Nguyễn Cường: 'Dữ dội là sự khác biệt của tôi'

Nguyễn Cường tự ví mình như rượu, đựng cốc nào chất vẫn không thay đổi, Tây Nguyên hay Hòa Bình, núi rừng hay sông nước vẫn chỉ một tâm hồn đó.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường. Ảnh: Quang Đức

- Cả giáo sư Chu Minh và nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu đều cho rằng tác phẩm mới “Đà giang đại hợp xướng” của ông đang quá dương tính và cần phải nhẹ nhàng, âm tính hơn thông qua việc bổ sung tiếng cồng chiêng, tiếng then hoặc có thể là thanh âm của thiếu nhi. Ông nghĩ sao?

- Giáo sư Chu Minh là thầy của rất nhiều nhạc sĩ, trong đó có tôi. Tôi thấy góp ý của thầy Chu Minh và Nguyễn Thị Minh Châu rất đúng nhưng cũng đúng như Dương Thụ nói, đôi khi sự dữ dội lại chính là sự khác biệt của tôi so với những người khác. Huống hồ, sông Đà, như mọi người biết là một dòng sông hùng tráng và dữ dội.

- Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cũng cho rằng sử dụng “sông Đà” sẽ thích hợp hơn “Đà giang” vì cả 5 chữ trong tên hợp xướng của ông đều là tiếng Hán Việt. Nhiều người cùng đồng ý với quan điểm này, ông có định đổi tên cho tác phẩm?

- Mọi người nhận xét cũng có cái lý của mọi người. Trong tác phẩm tôi cũng sử dụng rất nhiều từ “sông Đà” chứ không phải tất cả đều dùng là “Đà giang”. Nhưng cá nhân tôi lại thích “Đà giang” cho tựa đề hơn. Thực chất đây là từ Hán Việt đã được Việt hóa rồi và không còn xa lạ với mọi người.

Tôi thấy thú vị khi tác phẩm của mình vừa sử dụng từ “sông Đà” lẫn từ “Đà giang”. Ngoài ra, từ “Đà giang” còn cho tôi cảm giác của sự xa xăm, ma mị, thêm một chút khó hiểu và huyền bí. Thời tuổi trẻ, tôi đã biết đến các tác phẩm hợp xướng và với nhan đề này, tôi như sống lại cảm giác mơ hồ của tuổi trẻ.

- Viết hợp xướng vốn không đơn giản huống hố Nguyễn Cường lại được xem là một nhạc sĩ gắn bó với vùng đất Tây Nguyên. Ông có gặp áp lực gì không khi bắt tay vào việc sáng tác một tác phẩm về sông Đà – Hòa Bình?

- Càng áp lực tôi càng thích. Áp lực giúp tôi biết được mình vượt qua như thế nào. Nhưng áp lực ở đây không phải là áp lực cho một sáng tác về vùng đất khác mà áp lực nằm ở tầm cỡ của một tác phẩm đại hợp xướng. Thú thực lúc đầu tôi cũng định viết một vài ca khúc nhưng sau khi đi khắp Hòa Bình, tôi thấy một tác phẩm đại hợp xướng mới đủ để khắc họa.

Còn Tây Nguyên hay Hòa Bình thì vẫn chỉ có một Nguyễn Cường, núi rừng hay sông nước thì cũng chỉ có một tâm hồn đó, Tây Nguyên hay Tây Bắc cũng chỉ một con người đó. Tôi ví mình như rượu dù có đựng vào cốc nào thì chất rượu vẫn không hề thay đổi.

- Ông mất hơn một năm từ 2/2015 đến 6/2016 để hoàn thành “Đà giang đại hợp xướng”. Ông có thể chia sẻ công việc cụ thể của hơn một năm đó?

- Tôi phải đi thực địa và đọc sách, thậm chí phải đọc rất nhiều thì mới có thể viết lên tác phẩm này. Tôi đọc từ Đẻ Đất Đẻ Nước đến Người Việt người Mường để hiểu văn hóa Hòa Bình. Suốt hơn một năm, tôi chỉ tập trung cho tác phẩm mà không làm công việc bên lề nào khác. Nhờ quá trình đó, tôi nhận ra rất nhiều, tôi gọi hành trình của mình là tìm về với nguồn cội của người Việt.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường luôn gây ấn tượng với phong cách trẻ trung. Ảnh: Quang Đức

- Nhiều người gọi ông là nhạc sĩ tiền tỷ vì trước đó doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đặt hàng với chi phí hơn 1 tỷ đồng cho “Đại bàng giọt nắng”, sau đó là tỉnh Gia Lai đặt ông viết hợp xướng “Mặt trời trên đỉnh Chư H'Drông” với số tiền gần 3 tỷ đồng. Còn tác phẩm cho sông Đà lần này thì sao?

- Tác phẩm như thế này thì phải tiền tỷ nhưng không phải tiền tỷ vào túi tôi. Đến thời điểm hiện tại, tôi chưa nhận đồng nào cho riêng mình trong tác phẩm Đà giang đại hợp xướng. Số tiền của nhà tài trợ là dành cho thu âm, thu hình và dàn dựng tác phẩm. Tất cả tiền là để dồn cho dàn nhạc, cho phối khí. Một tác phẩm cần đến 400 người hát thì phải cần kinh phí lớn.

Mọi người thường nghĩ không đúng về từ đặt hàng. Làm văn hóa bây giờ phải có tài trợ chứ. Ở Nhật họ có thuật ngữ “doanh nhân đại nghĩa”. Tôi nghĩ doanh nhân là phải tài trợ cho văn hóa, nghệ thuật, không phải chuyện gì cũng nghĩ đến doanh thu được mà phải nghĩ đến việc sự phát triển của văn hóa.

- Không quan trọng việc công xá vậy tại sao ông không sáng tác thường xuyên mà vẫn phụ thuộc vào những đơn đặt hàng?

- Vì tôi không còn là chàng trai 17, 18 tuổi thấy một cô gái nở nụ cười đi ngang qua cũng sáng tác ngay được một bài hát. Bây giờ phải có đơn đặt hàng vì nó thể hiện sự trân trọng với mình. Ngoài ra, việc đặt hàng còn biểu hiện giá trị của người sáng tạo.

Nhưng đặt hàng không có nghĩa là bắt tôi viết thế này, bắt tôi viết thế kia. Tôi vẫn luôn được tự do trong xúc cảm của mình và muốn viết thế nào thì viết như bài Đà giang đại hợp xướng, không ai bảo tôi là phải viết thế nào vì tôi toàn quyền quyết định. Thế nên đừng nghĩ đặt hàng chỉ là tiền.

- Sau đại hợp xướng về sự dữ dội của sông Đà, ông có đang ấp ủ viết một hợp xướng về vùng đất nào đó không?

- Tôi luôn có suy nghĩ muốn viết một hợp xướng về biển và nếu có người tài trợ, tôi sẽ làm vì dựng một tác phẩm hợp xướng cần phải có kinh phí. Không bao giờ là quá muộn, do vậy, tôi nghĩ chúng ta cần phải quan tâm đến biển hơn nữa. Mỗi lần đứng trước biển tôi muốn hét, muốn gào lên và cảm thấy yêu quê hương, đất nước hơn bao giờ hết. Biển cho ta nhiều thứ lắm và hơn cả, nhờ biển mà người Việt có một tâm hồn đại dương.

Trước câu hỏi nhiều nhạc sĩ cùng thời thường khắt khe với người trẻ còn Nguyễn Cường thì khác, thậm chí không ngại bênh vực người trẻ. Ông bảo: “Vì tôi từng qua tuổi trẻ và cũng đã từng bị một nhạc sĩ lớn tuổi chỉ vào mặt mà nói rằng “thiếu gì người mà phải mời Nguyễn Cường” cách đây mấy chục năm. Người ta thường bảo “kính già yêu trẻ” còn tôi lại muốn nói “kính trẻ thương già”. Không phải cứ trẻ là mình bênh nhưng cái gì cũng cần phải phân tích đúng sai, phải trái và không thể quy chụp người trẻ một cách vô lý được”.

Tác giả bài viết: Quang Đức

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP