Ngôi biệt phủ của đại gia vàng ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng |
Theo công văn do Thứ trưởng Lê Quang Hùng ký gửi nguyên Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, Bộ Xây dựng cho biết, ông Cường đã nghỉ hưu nên hết tiêu chuẩn được thuê nhà công vụ. Công văn nêu: Luật Nhà ở 2014 và nghị định 99/2015 của Chính phủ có quy định “người thuê nhà ở công vụ phải hoàn trả khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà ở công vụ”.
Trước đó, nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường được thuê nhà ở công vụ, cụ thể là căn hộ tại nhà chung cư CT1-CT1 khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Nay khi đã nghỉ hưu, Bộ Xây dựng đề nghị ông Cường làm các thủ tục cần thiết để bàn giao lại căn hộ cho đơn vị quản lý vận hành nhà theo quy định.
Đọc tin này trên báo chí, chắc hẳn nhiều người cảm thấy hài lòng trước một quyết định thể hiện sự “thượng tôn pháp luật” từ Bộ Xây dựng. Không vì nể ông cựu Bộ trưởng mà phá lệ để cho ông được dây dưa thuê nhà thêm hoặc làm theo đề xuất của ông là “mua lại căn nhà công vụ này” vì từ trước tới giờ chưa được hưởng bất kỳ một chính sách nào về nhà ở, đất đai của Trung ương cũng như địa phương.
Thực ra, cũng không trách gì được ông cựu Bộ trưởng trong việc làm đơn xin thuê thêm nhà hoặc mua lại nhà công vụ, bởi tiền lệ đã có rất nhiều vị lãnh đạo về hưu nhưng không trả nhà công vụ, cứ giữ để ở. Hoặc là họ quên rằng mình đã về hưu, tưởng rằng vẫn đương chức, hoặc là họ đã vơi dần sự liêm sỉ, cứ định “để lâu hóa bùn”, kiếm thêm một chút xem sao.
Giá như đó là một công nhân, giáo viên hay nhân viên bình thường, hết thời hạn thuê nhà, sẽ bị lấy lại ngay để cho người khác thuê, làm gì có chuyện được dây dưa thuê thêm mua lại như các vị cán bộ cấp cao kia. Các quy định thường vốn không nương tay, nhân nhượng cho người nghèo bao giờ.
Nhân chuyện Bộ Xây dựng quyết đòi lại nhà công vụ của nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, lại nhớ đến một câu chuyện khác cũng đang lùm xùm ở Đà Nẵng. Đó là biệt phủ của đại gia vàng trên đèo Hải Vân, dây dưa suốt mấy năm nay, hết hạn tháo dỡ này lại được gia hạn thêm hạn tháo dỡ khác, và cuối cùng vẫn đang yên vị, chờ xin chuyển đổi sang kinh doanh du lịch.
Còn nhớ ngày 8/12/2015, Phó chủ tịch quận Liên Chiểu Đàm Quang Hưng đã ký quyết định yêu cầu ông Ngô Văn Quang (giám đốc một công ty vàng ở Quảng Nam) tháo dỡ biệt phủ xây trái phép tại đồi Chim Chim, tiểu khu 11 rừng đặc dụng Nam Hải Vân (thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Tuy nhiên đến thời điểm này, tháng 6/2017, biệt phủ này vẫn chưa tháo dỡ xong.
Diễn biến mới nhất là ngày 15/6 vừa qua, ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết HĐND TP Đà Nẵng vừa chuyển xuống quận đơn của ông Ngô Văn Quang xin chuyển đổi khu đất xây khu biệt thự không phép dưới chân núi Hải Vân trước đó để làm khu du lịch.
Ông Hưng nói, trước đây khu vực ông Quang xây khu biệt thự này là đất rừng, không được cấp phép. "Còn bây giờ đất rừng đã được chuyển thành đất khác theo quy hoạch của thành phố rồi, cho nên cũng có thể lấy ý kiến của các ngành và địa phương để xem xét, báo cáo thành phố quyết định", ông Hưng cho hay.
Thật là tài tình, thật là kiên trì. Trong vòng 1 năm rưỡi, từ khi có quyết định phải tháo dỡ biệt phủ, chủ nhân ngôi biệt thự này đã kiên trì đeo đuổi để ngôi biệt phủ từ chỗ xây trái phép trên đất rừng biến thành một công trình xây trên “đất khác”, và vì thế đang tràn trề khả năng sẽ thoát “án tử”.
Đây là một ví dụ cho thấy rằng: cù nhầy quá lâu thì cái gì cũng có thể hóa bùn. Không sai một ly nào cả. Cứ kéo dài, cứ hoãn binh, cứ trì hoãn, rồi đâu cũng vào đó. Người ta khắc sẽ tìm cách để cho con voi chui lọt qua lỗ kim một cách êm ái, không ai làm sao cả.
Người dân đang nhìn vào cách hành xử của các cơ quan công quyền để từ đó mà học theo lối ứng xử “thượng tôn pháp luật”. Nếu tất cả các trường hợp đều được xử lý dứt khoát, minh bạch như chuyện không đồng ý cho ông nguyên Bộ trưởng thuê thêm nhà công vụ, hẳn là nhiều việc sẽ tốt dần lên.
Tác giả: Mi An
Nguồn tin: Báo Đất Việt