Thế giới

Nguy cơ bất ổn phủ bóng Peru

Sự ra đi của Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski làm nảy sinh những bất ổn chính trị tại Peru trong thời gian tới.

Tổng thống Kuczynski hôm 21-3 đệ đơn từ chức lên Quốc hội, chỉ một ngày trước khi các nghị sĩ Peru bỏ phiếu lần thứ 2 trong vòng 3 tháng để quyết định về việc phế truất nhà lãnh đạo 79 tuổi trong phiên họp toàn thể của Quốc hội do cáo buộc tham nhũng.

Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski nhậm chức hồi tháng 7-2016. Ảnh: Reuters

Tổng thống từ chức vì cáo buộc tham nhũng

Tổng thống Kuczynski bị cáo buộc nhận hơn 4 triệu USD từ tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil cũng như liên tục nói dối về mối quan hệ kéo dài cả thập niên với tập đoàn xây dựng lớn nhất khu vực Mỹ Latinh này.

Phe đối lập tìm cách buộc tội ông Kuczynski lần đầu tiên hồi tháng 12-2017 với cáo buộc ông không tiết lộ khoản thanh toán mà Odebrecht đã làm đối với Cty tư vấn Flordia của ông. Ông Kuczynski tuyên bố sẽ không từ chức trong nhiều tháng tới, cáo buộc phe đối lập dựng chuyện khiến ông không thể cai trị Peru, một trong những thị trường ổn định nhất Mỹ Latinh và là nhà sản xuất đồng lớn thứ hai trên thế giới.

Tuy nhiên, cuối cùng, ông Kuczynski phải đưa đơn từ chức vì gần như chắc chắn không thể vượt qua được cuộc bỏ phiếu phế truất, sau khi lực lượng đối lập công bố đoạn băng ghi hình cho thấy những người ủng hộ đang định "mua phiếu" của một số nghị sĩ đối lập, nhằm tránh cho ông Kuczynski bị phế truất trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội.

Ông Kuczynski phủ nhận các cáo buộc tham nhũng của lực lượng đối lập. Nhà lãnh đạo nói rằng, việc ông từ chức chỉ để tránh tạo thành "rào cản" cho Peru. "Điều tốt nhất cho đất nước bây giờ là tôi từ chức tổng thống vì không muốn trở thành rào cản cho tiến trình tìm kiếm con đường thống nhất và hòa hợp cho đất nước", ông Kuczynski phát biểu trên truyền hình. "Phe đối lập đã cố biến tôi thành một người lũng đoạn, tôi bác bỏ các cáo buộc vô căn cứ này và khẳng định cam kết của tôi vì một Peru công bằng, đạo đức và chân thành đối với tất cả mọi người", ông Kuczynski cho biết. Tổng thống Kuczynski gọi ông là nạn nhân của "các hành động chính trị" có chủ đích, đồng thời chỉ trích các lãnh đạo đối lập và nói rằng việc ông từ chức sẽ giúp bảo vệ gia đình và đất nước Peru khỏi vòng xoáy "bất ổn".

Theo Chủ tịch Quốc hội Luis Galarreta, tất cả các khối cơ quan lập pháp của Peru nhất trí chấp nhận đơn từ chức của ông Kuczynski trong phiên họp toàn thể ngày 22-3. Ngay sau khi ông Kuczynski đệ đơn từ chức lên Quốc hội, công tố viên ngày 22-3 trình lên tòa án điều tra chống tham nhũng một đề nghị yêu cầu ban hành lệnh cấm đi lại đối với vị tổng thống này.

Tương lai nào cho Peru?

Việc ông Kuczynski từ chức đánh dấu sự sụp đổ ngoạn mục của một vị tổng thống được bầu với hy vọng ông sẽ làm sạch nạn tham nhũng trong chính phủ và hiện đại hóa đất nước khoảng 30 triệu dân này.

Trong phiên họp toàn thể ngày 22-3, Chủ tịch Quốc hội Peru Luis Galarreta cho biết, Phó Tổng thống Martin Vizcarra sẽ nhậm chức Tổng thống. Ông Vizcarra sẽ tuyên thệ nhậm chức trong ngày 23-3. Ông Galarreta sẽ phải tổ chức bầu cử mới trong vòng một năm tới. Các cuộc thăm dò cho thấy, rất ít người Peru biết tên của ông Vizcarra, và chính phủ sẽ như thế nào vẫn còn là một bí ẩn. Ông Vizcarra là cựu thống đốc của một tỉnh nhỏ. Ông từng làm bộ trưởng giao thông của Peru trong một thời gian ngắn và hiện là đại sứ tại Canada.

Peru chỉ còn 3 tuần để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Châu Mỹ, cuộc họp quan trọng có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Tây bán cầu, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, câu hỏi lớn hơn được đặt ra là làm thế nào vị tổng thống mới có thể dẫn dắt một quốc gia liên tục xảy ra khủng hoảng chính trị và những vụ bê bối tham nhũng đã làm xói mòn niềm tin vào các tổ chức và các nhà lãnh đạo. Phần lớn cử tri Peru nghĩ rằng, tất cả Quốc hội nên từ chức.

Peru vẫn đang chật vật phục hồi sau trận lũ lụt hồi năm ngoái và có 2 cựu tổng thống bị cáo buộc nhận hối lộ từ Odebrecht. Năm ngoái, cựu Tổng thống Ollanta Humala, người tiền nhiệm của ông Kuczynski, bị đề nghị mức án 18 tháng tù giam do các cáo buộc liên quan đến Odebrecht. Các nhà phân tích cho rằng, ông Vizcarra sẽ giữ nguyên lý thuyết cốt lõi của chính phủ bảo thủ Kuczynski. Nhưng ông Vizcarra có rất ít kinh nghiệm quản lý ở cấp quốc gia và chắc chắn sẽ phải đối mặt với vô số những thách thức.

Tác giả: AN BÌNH

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP