Kinh tế

Người Việt mất nhà vì cá cược Euro 2016

Máu cờ bạc khiến nhiều người sẵn sàng cắm điện thoại, xe máy, ô tô hay thậm chí cả sổ đỏ để cá cược bóng đá.

Euro 2016 trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người tại Việt Nam bởi có người còn cắm sổ đỏ để các cược bóng đá và mất trắng.

Mỗi giải bóng đá diễn ra đều gắn liền với hàng loạt thông tin về các vụ thắng cược lớn, thua cược hay cả những vụ tự tử gây nhức nhối khắp Việt Nam. Rất nhiều người vẫn đam mê cá cược dù đây là hành động phạm pháp.

Cảnh xem tường thuật trực tiếp bóng đá tại quán cafe trên phố ở Hà Nội. Ảnh: AFP.


Trò chuyện với phóng viên AFP tại một quán cafe nhỏ tại Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hoàng kể lại lần cá cược trong giải Euro năm 2012 đã lấy sạch tài sản của ông. "Cá cược bóng đá khiến tôi mất gần hơn 10 tỷ đồng", người đàn ông 58 tuổi cho biết thua cược khiến ông mất 2 căn nhà và một nhà hàng.

"Vợ tôi vô cùng ghét bóng đá bởi nó đã hủy hoại gia đình tôi", ông kể thêm.

Người cha của hai đứa con hiện làm công việc rửa bát tại một quán mỳ nhỏ trên vỉa hè, nơi vợ ông bán phở với thu nhập hơn 200.000 đồng/ngày.

Tuy nhiên, cuộc sống túng thiếu hiện tại cũng không làm giảm máu cờ bạc trong ông Hoàng, và Euro 2016 không phải ngoại lệ.

Giờ đây ông cược nhỏ hơn. Ông Hoàng cho biết tuần trước ông kiếm được hơn 400.000 đồng nhờ thắng cược trận Anh với Wales.

Khao khát làm giàu nhanh chóng cùng văn hóa coi trọng sự may rủi khiến người Việt mờ mắt. Tăng trưởng kinh tế chóng mặt cũng khiến người ta càng chìm đắm trong khát vọng về những thứ xa xỉ.

Đây là hình ảnh quen thuộc trên phố trong thời gian diễn ra Euro 2016. Ảnh: AFP.


Cá cược bất hợp phát thường bùng phát trong thời gian diễn ra các sự kiện thể thao lớn như World Cup, Euro với số tiền cược lên đến hàng chục tỷ đồng và có cả đường dây với nước ngoài. Chính quyền cũng không đưa ra con số chính xác và cũng có ít nghiên cứu về hiện tượng này.

Tuy nhiên, một vụ cá cược bất hợp pháp bị cảnh sát phát hiện hồi đầu tháng cho thấy phần nào con số khổng lồ này. Một quan chức cho biết họ đã bắt 23 người, băng nhóm tội phạm này đã cá cược bất hợp pháp với số tiền lên tới 340 triệu USD (khoảng 7.000 tỷ đồng) trong suốt 12 tháng qua.

Trong kỳ Euro 2016, các tiệm cầm đồ tại Hà Nội đầy ắp điện thoại di động, xe máy, ô tô và thậm chí cả sổ đỏ được cắm để lấy tiền cá cược. Nhiều người gần như phá sản hoặc phải trốn chui lủi khi nhà cái đòi nợ sau trận bóng.

Máu nghiện cờ bạc có ở khắp nơi, từ công chức cho tới sinh viên hay thậm chí cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Và các nhà cái luôn là người cười sau mỗi trận cầu.

Bề ngoài Phúc là chủ một cửa hiệu cầm đồ hợp pháp nhưng thực tế người đàn ông 55 tuổi này là một nhà cái cá cược. Ông được hưởng 1% hoa hồng từ tiền cược của người chơi.

Trả lời phỏng vấn của AFP, ông Phúc cho biết họ có một mạng lưới những người nhận tiền cược từ người chơi, sau đó chuyển cho ông. Số tiền này sau đó được đưa lên mạng bởi "các anh cả". Những "anh cả" này có quan hệ với mạng lưới cá cược bất hợp pháp tại Hong Kong và Đài Loan.

Ông hi vọng thu về vài chục nghìn USD sau Euro 2016. Chia sẻ với AFP, ông cho biết lợi nhuận của chuỗi cá cược này lớn tới mức khó có thể ước tính.

Những chuỗi này ăn nên làm ra nhờ những con bạc như Trần Quốc Vinh, người có nguồn thu nhập chính từ cờ bạc trong 15 năm qua. Dù không phải là người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt, ông đã có một kỳ Euro rất thành công khi số tiền cá cược 500 USD ban đầu giờ đây nở ra gấp 10 lần chỉ sau vài trận cầu.

Chỉ việc gửi tin nhắn hoặc thực hiện một cuộc gọi nhanh, ông Vinh có thể đặt cược hàng trăm USD chỉ trong vài giây. Tiền thắng cược được trả vào ngày hôm sau. "Cá cược là một trò chơi của niềm tin. Chúng tôi tin tưởng nhau", ông cho biết.

Vài năm gần đây, tại Việt Nam nổ ra nhiều cuộc tranh luận về việc có nên hợp pháp hóa cờ bạc, bởi hoạt động này có thể đem lại nguồn thuế lớn cho chính phủ.

Những nhà cái như ông Phúc cho biết hoạt động trấn áp của cảnh sát sẽ không có tác động gì đáng kể tới ngành công nghiệp bài bạc. "Có cầu thì luôn có cung", ông nhận xét.

Tác giả bài viết: Hoài Thu

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP