Từ 1/1, xe nhập khẩu chịu điều chỉnh của cách định giá tính thuế TTĐB mới, sẽ khiến giá xe tăng. Bởi lẽ, trước đây áp thuế TTĐB dựa trên giá vốn, nhưng ở luật mới cách tính dựa trên giá bán buôn theo công thức giá vốn cộng thêm các chi phí vận chuyển, marketing, bán hàng và lợi nhuận của doanh nghiệp. Phần tăng thêm của thuế sẽ được hãng cộng vào giá bán lẻ.
Với tác động này, theo quy luật bán hàng giá xe sẽ tăng. Nhưng đến 1/7, khi mức thuế suất mới cũng của thuế TTĐB chính thức có hiệu lực, xe nhập khẩu sẽ đi theo hai chiều giá khác nhau.
Với những xe nhập khẩu lắp động cơ 1,5 lít trở lên, do thuế suất không giảm hoặc tăng, cộng cách định giá tính thuế mới, chắn chắn đẩy giá xe tăng. Nhưng xe nhập khẩu lắp động cơ dưới 1,5 lít lại khó xác định hơn.
Cũng do tác động của thuế TTĐB, những dòng xe này chịu cách định giá tính thuế mới khiến giá bán lẻ tăng, nhưng ngược lại mức thuế suất TTĐB giảm từ 45% về 40% lại khiến giá bán lẻ giảm. Hai chiều lên xuống ngược nhau cho ra kết quả là tăng, giảm, hay không đổi phụ thuộc vào chính sách làm giá của hãng.
Ở đối trọng ngược lại, xe lắp ráp trong nước lại không chịu tác động vì cách định giá tính thuế TTĐB mới, mà chỉ chịu chi phối bởi mức thuế suất mới. Xe nhỏ dưới 1,5 lít theo nguyên lý kinh tế sẽ phải giảm giá, nhưng hãng có nghĩ vậy hay không lại là chuyện khác.
Đến nay, còn gần một tháng nữa tới thời điểm 1/7 và hầu hết các hãng chưa có động tĩnh. Thaco tiên phong khi mới đây thông báo giảm giá các xe dưới 1,5 lít lắp ráp trong nước là Kia Morning (giảm 7-9 triệu) và Mazda2 (giảm 15 triệu). Bước đi này của Thaco có thể tạo lợi thế trong cuộc đua với các đối thủ nhập khẩu.
Anh Tiến Thành, người đang phân vân giữa chọn Kia Morning hay Hyundai Grand i10 cho biết đến lúc này anh vẫn chưa biết nên nghiêng về phía nào. Đây là hai mẫu xe chi phối phân khúc A, những đánh giá về thiết kế, vận hành hay chi phí sử dụng là không thực sự khác biệt, vì thế giá xe ảnh hưởng lớn đến quyết định. Trong khi Morning đã giảm giá thì Grand i10 vẫn giữ giá.
"Tôi chờ xem i10 sẽ tăng hay giảm giá theo tác động hai chiều của thuế thì mới đưa ra quyết định".
Tuy nhiên trường hợp của i10 vẫn chưa thực sự phức tạp bằng những mẫu xe khác ví như Mitsubishi Mirage. Dòng xe này nhập khẩu từ Thái Lan, động cơ 1,2 lít (dưới 1,5 lít) vì thế sẽ chịu tác động của 3 yếu tố.
Theo đó, xe nhập khẩu nên giá tăng theo cách định giá TTĐB mới, xe dưới 1,5 lít nên giá giảm theo mức thuế suất mới và cuối cùng, xe nhập từ Thái Lan nên thuế nhập khẩu giảm từ 50% xuống 40% theo cam kết trong ASEAN. Hai yếu tố khiến giá giảm, một yếu tố khiến giá tăng, nhưng kết quả cuối cùng vẫn phụ thuộc hãng.
Đại diện một hãng xe Nhật chiếm thị phần lớn ở Việt Nam cho biết, với xe 2 lít trở lên câu chuyện đã quá rõ ràng, dù nhập khẩu hay lắp ráp thì giá cũng tăng, nhưng xe nhỏ dưới 1,5 lít thì khó nói chính xác được điều gì, các hãng sẽ tìm cách tạo lợi thế với đối thủ bằng mức giá, nhưng cũng nhìn ngó sang hãng khác, để tối đa hóa lợi nhuận.
"Nói tóm lại dù thế nào thì khách hàng cũng chịu thiệt. Giá xe trên 2 lít đã tăng là tăng mạnh, nhưng xe dưới 1,5 lít chỉ giảm khá ít, không thực sự mang lại hiệu ứng kích cầu như chính phủ mong muốn", vị này chia sẻ.
Thị trường ôtô Việt Nam qua những tháng đầu năm vẫn đang ghi nhận mức tăng trưởng dương. Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 4/2016 tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xe con tăng 15%. Xe nhập khẩu có dấu hiệu tiêu thụ chậm hơn do lo ngại về thuế phí. Mức tăng sau 4 tháng so với cùng kỳ 2015 của xe nhập khẩu là 4% trong khi xe lắp ráp tăng 37%.
Tác giả bài viết: Đức Huy