Trong nước

Người tiêu dùng phải bồi thường nếu đưa thông tin sai sự thật, gây thiệt hại?

Dự án luật đã bổ sung quy định về nghĩa vụ theo hướng người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 20, sáng 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy

Báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy cho biết, dự thảo luật đã bổ sung quy định, khi sử dụng dịch vụ công, người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan.

Đồng thời, để ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ không bảo đảm chất lượng, dự thảo luật đã bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ công) không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết.

Về trách nhiệm của người tiêu dùng, theo ông Huy, việc bổ sung quy định về nghĩa vụ theo hướng người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật sẽ là cơ sở để phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và giúp người tiêu dùng thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban KH&CN đã bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là người nghèo (thành viên của hộ nghèo).

Thường trực Ủy ban đề xuất 2 phương án về khái niệm “người tiêu dùng” để xin ý kiến:

Phương án 1, giữ như luật hiện hành, đồng thời bổ sung nội dung “và không vì mục đích thương mại”: Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại.

Còn phương án 2, giữ như dự thảo luật mà Chính phủ trình Quốc hội: Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại.

Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban thống nhất với phương án 1. Phát biểu thảo luận, nhiều thành viên cũng đồng tình với phương án 1.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, phương án 1 sẽ tạo được cơ chế bảo vệ nhanh chóng, hiệu quả khi xảy ra các trường hợp số đông người tiêu dùng bị thiệt hại do vi phạm từ phía nhà sản xuất, kinh doanh, nhất là các trường hợp nhà trẻ, trường học, doanh nghiệp mua hàng tiêu dùng cho trẻ em, học sinh, công nhân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề xuất giải thích khái niệm “người tiêu dùng” theo hướng: "Người tiêu dùng là người mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần làm rõ cơ sở, căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn của các phương án. Theo Chủ tịch Quốc hội, luật hiện hành đang quy định “người tiêu dùng” gồm cả cá nhân và các tổ chức. Do đó, khi thay đổi quy định này, cần đánh giá kỹ hơn về đặc thù của Việt Nam, thực tiễn áp dụng pháp luật của Việt Nam.

“Trong bối cảnh pháp luật đang bảo vệ cả tổ chức và cá nhân mà quyền lợi người tiêu dùng còn bị xâm phạm, việc đề xuất bỏ đi một chủ thể quan trọng và khá phổ biến đối với Việt Nam thì có nên không?”, ông Vương Đình Huệ nêu.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, tại Điều 39 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng, dường như dự án luật này đang giao quá nhiều nghĩa vụ vượt ra ngoài phạm vi của các tổ chức này.

Bên cạnh đó, có những quy định trùng lặp với nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân bán hàng về chi phí tuân thủ pháp luật, tạo thêm gánh nặng không cần thiết và chưa chắc đã khả thi.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà lại khoản 2 Điều 39 và toàn bộ Chương II về trách nhiệm tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu, chuẩn bị hồ sơ dự thảo luật xin ý kiến hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, tiếp tục hoàn thiện dự thảo gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh trước trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ năm.

Tác giả: Luân Dũng

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP