Những ngày này, ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1964) trú tại xóm 7A, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, Nghệ An rộn ràng tiếng cười. Khuôn mặt khắc khổ, già nua nhưng đôi mắt luôn ánh lên niềm vui, bà Hồng vui vẻ tiếp chuyện với mọi người. Khi nhắc đến những ngày lưu lạc nơi đất khách, bà Hồng trầm ngâm kể lại: “Năm 1994, khi đó chồng đã mất, một mình tôi đi ở đợ nuôi con trai là cháu Lê Việt Dũng. Làm công cực nhọc nhưng lương chẳng đáng là bao, tình cờ một lần tôi gặp người phụ nữ ở xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn. Qua trò chuyện, người này cảm thông với hoàn cảnh của tôi nên hứa sẽ đưa ra các tỉnh phía bắc làm thuê”.
Người phụ nữ này không quên hứa hẹn đó là một công việc nhàn hạ, lương cao và có thể mang theo con trai nên bà Hồng muốn. Tin lời người phụ nữ đó, bà Hồng ôm giấc mộng đổi đời khi có công việc ổn định nên nhận lời đi cùng. 10 ngày sau, bà Hồng chào tạm biệt người thân, hàng xóm đưa theo con trai mới 10 tuổi lên xe ngược ra bắc.
Bà Hồng đoàn tụ cùng cháu nội.
Trong hành trình lần đó, mẹ con bà Hồng đi cùng nhóm người được giới thiệu là sẽ sắp xếp công việc cho bà. Trên xe, sau khi uống cốc nước của người đi cùng đưa, bà Hồng rơi vào trạng thái mơ màng. Lúc này, bà chỉ biết làm theo sự chỉ dẫn của đám người kia. Đi được mấy ngày, khi tỉnh lại bà Hồng thấy mình đang ở một nơi xa xôi. Mọi người nói chuyện với nhau bằng thứ tiếng xa lạ.
Lúc này bà biết mình đã bị lừa và con trai cũng không thấy đâu nữa. 2 ngày sau, bà Hồng tiếp tục được đưa lên tàu ra đảo. Mãi về sau bà mới biết đó là vùng quê hẻo lánh thuộc huyện Miền Xiên, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Bà Hồng kể lại: “Đám người lừa tôi đi và bán cho người đàn ông Trung Quốc với giá 5,4 nghìn nhân dân tệ. Từ đó, tôi phải về làm vợ ông ta. Ở nơi xa lạ, tôi không biết tiếng nên cứ vậy lầm lũi mà sống với mong muốn sẽ có ngày tìm được đường về quê hương”.
Từ ngày về làm vợ người đàn ông Trung Quốc đó, bà Hồng cùng gia đình chồng làm nông nghiệp để kiếm sống. Công việc vất vả nhưng thu nhập không đáng là bao nên cuộc sống khó khăn, đói nghèo. Năm 1995, bà Hồng sinh cho chồng người con gái đặt tên là Lý Xèo Vuồn. Lúc này, kinh tế gia đình vẫn khó khăn nhưng nhà chồng bắt đầu tin tưởng nên cuộc sống của bà Hồng cũng dần dễ chịu hơn. Dù vậy, trong tâm trí của người mẹ này vẫn luôn ngóng chờ tin của người con trai đã thất lạc.
“Ngày bị bán, khi tôi tỉnh dậy đã không còn thấy con trai mình đâu. Dù rất thương con nhưng tôi xác định có thể con cũng bị bán đi và cũng có thể là đã chết ở một nơi nào đó mà tôi không hay biết. Dù vậy, tôi luôn mong con trai mình được bình an”, bà Hồng tâm sự. Năm 1997, bà Hồng tiếp tục sinh thêm người con trai đặt tên là Lý Kìu Phún. Do sống ở đây được một thời gian nên bà Hồng dần biết tiếng của người bản địa và có thể trò chuyện với mọi người ở đây. Trong một lần gặp người Việt Nam qua làm ăn bên đó, bà Hồng kể lại câu chuyện với người đó với tâm nguyện tìm được quê hương và người con trai của bà.
Hành trình tìm mẹ của con trai
Lại nói về phần anh Dũng, sau khi mẹ bị đưa đi bán, anh được nhóm người kia đưa về Việt Nam và trả về cho gia đình. Bố đã mất, mẹ lại bị bán đi, anh Dũng được người bác là Nguyễn Đình Hùng nhận nuôi. Được bác yêu thương, chăm sóc nên anh Dũng được đi học như các bạn. Trong tâm trí, anh Dũng vẫn mong muốn biết được tung tích của mẹ.
“Khi mẹ và tôi thất lạc nhau ở bên Trung Quốc, tôi vẫn tin là mẹ còn sống nhưng không biết làm cách nào để tìm được mẹ”, anh Dũng chia sẻ. Năm 2010, người quen mà bà Hồng nhờ cậy đã lần theo địa chỉ tìm đến nhà cũ ở xã Nam Thanh để xác minh thông tin. Khi biết anh Dũng còn sống, người này vui mừng báo tin, cho địa chỉ và số điện thoại của bà Hồng ở Trung Quốc cho con trai. Điện thoại được kết nối, bà Hồng gặp được con trai. Hai mẹ con mừng mừng, tủi tủi cứ thế òa khóc.
Anh Dũng chia sẻ về giây phút trùng phùng cùng mẹ của mình.
Lúc này, anh Dũng rất muốn đón mẹ về Việt Nam nhưng hai người con của bà Hồng bên đó còn nhỏ nên bà đành ở lại lo cho các con. Từ đó, mẹ con bà Hồng thường xuyên chuyện trò để hỏi thăm sức khỏe của nhau. Vào tháng 2-2016, anh Dũng theo đoàn người Việt Nam làm ăn ở Trung Quốc để sang đón mẹ về quê.
Sang Trung Quốc, anh Dũng tiếp tục đi tàu cá ra đảo Hải Nam tìm mẹ. Giây phút gặp nhau, hai mẹ con ôm nhau khóc. Anh Dũng cho biết: “22 năm mẹ tôi lưu lạc nơi xứ người nay tôi mới lại được gặp mẹ. Còn có niềm vui nào bằng niềm vui đoàn tụ. Đợt đó, tôi ở lại bên đó gần 1 tháng để mẹ sắp xếp công việc rồi cùng về”.
Ngày bà Hồng trở về, mọi thứ giờ đã thay đổi rất nhiều. Hàng xóm biết chuyện kéo đến chia vui cùng gia đình. Bà Hồng cho hay: “Khi hai mẹ con liên lạc được với nhau tôi không về được là vì hai đứa con còn nhỏ. Người chồng bên đó cũng đã mất nên tôi phải lo cho chúng đã rồi mới về được. Giờ cả hai đứa đều đã khôn lớn và lập gia đình nên tôi mới yên tâm hồi hương”.
Được đoàn tụ cùng mẹ của mình sau 22 năm biệt tích, vợ chồng anh Dũng rất vui và cho biết, anh cùng vợ sẽ chăm sóc, phụng dưỡng mẹ những ngày cuối đời. Bà Hồng mong muốn nếu có điều kiện thì sẽ đón hai người con bà cháu ở Trung Quốc về thăm gia đình, quê hương bên này.
Ông Bùi Thanh Hải, chủ tịch xã Nam Thanh cho biết: “Trước đây, khi bà Hồng bỗng dưng mất tích chúng tôi cũng đã nghi là bà bị lừa bán. Mới đây, khi bà ấy trở về cũng đã lên trình báo với chính quyền địa phương. Chúng tôi đang hoàn tất thủ tục giấy tờ để bà Hồng sớm ổn định cuộc sống”.
Tác giả bài viết: Trịnh Nguyễn - C. Đức