Xã hội

Người mẹ từng bị xâm hại và quan điểm dạy con về giới tính

Thời gian gần đây, các vụ xâm hại tình dục trẻ em dần bị đưa ra ánh sáng, đã tạo nên không ít bức xúc, cũng như sự lo lắng cho các bậc làm cha, làm mẹ.

Trước tình trạng đó, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với một số phụ huynh, để hiểu rõ hơn về quan điểm của họ trong vấn đề giáo dục giới tính cho con.

Chị T.N. (Hà Nội) chia sẻ, với vai trò là một bà mẹ, chị nhận thấy những hành vi xâm hại trẻ em là tội ác không thể tha thứ được. Con trẻ là mầm non, các con ngây thơ, trong sáng. Khi bị xâm hại tình dục, các con sẽ rơi vào sự hoảng sợ, luôn sống trong lo âu, để thăng bằng sẽ mất một khoảng thời gian dài, thậm chí có bé nỗi đau đớn sẽ ám ảnh cả cuộc đời.

Theo chị N., khi bé lên 6 tuổi, là thời điểm bố mẹ nên bắt đầu dạy con về cách bảo vệ bản thân (Ảnh: NVCC).

Cũng theo chị N.: “Theo tôi, giáo dục giới tính cho các con nên đưa ngay vào lứa tuổi mầm non, khi các con mới có những khái niệm nguyên sơ nhất về cuộc sống, thế giới xung quanh.

Bản thân tôi là một bà mẹ hiện đại, tôi dạy con kiến thức về giới tính khi con còn nhỏ. Bởi tôi hiểu rằng, đó là điều rất cần thiết. Bản thân tôi ngày 7 tuổi, cũng đã từng bị bạn của bố xâm hại. Ngày đó, tôi hồn nhiên, vô tư nên khi chuyện xảy ra, tôi chạy về kể ngay với mẹ. Nghe xong, mẹ rất giận và bà đã lên tiếng. Phản ứng của mẹ khiến tôi bất ngờ, mẹ không giấu giếm mà công khai, chặn đứng kịp thời việc làm xấu xa đó.

Hiện tại, các con của tôi đều được giáo dục giới tính từ 6 tuổi, tôi nghĩ đây là thời điểm vàng để chia sẻ với các con những điều thiết thực đó. Tôi thẳng thắn chia sẻ, không giấu giếm.

Với tôi, khi con 6 tuổi, chỉ có mẹ mới được phép tắm cho con. Bất kỳ ai là đàn ông chạm vào vùng kín của con là không được. Khi ở trường, ngủ trưa, con chỉ được phép nằm cạnh bạn gái, tất cả biểu hiện yêu thương quá giới hạn như ôm hôn, cầm tay,…con đều phải nói thật với ba mẹ”.

Cũng theo chị N., phải giáo dục kịp thời, ngay từ khi các con biết trò chuyện. Chẳng hạn, mẹ nên nói thẳng với con: "Không ai được chạm vào vùng kín, quần lót của con. Trong phòng thay đồ của con, ngoài ba mẹ, không ai được vào. Nếu thấy có ai, hoặc có điều gì bất thường, ngay lập tức phải hô to để ba mẹ còn biết".

Khi trẻ bị xâm hại, bố mẹ cần lên tiếng (Ảnh minh họa).

Hiện tại, chị N. có cô con gái lớn tiếp xúc sớm với nghệ thuật, bé thường xuyên đi biểu diễn xa nhà. Vì thế, chị luôn đi cùng con và dạy con những điều cần thiết nhất. Với chị, dạy con, nói cho con hiểu là cả một quá trình nan giải, đòi hỏi các bậc cha mẹ phải kiên nhẫn.

Cùng tâm trạng với chị N., chị Hoài Anh (32 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Mấy hôm nay, lên mạng thấy nhiều thông tin liên quan tới xâm hại tình dục trẻ, mình hoang mang vô cùng. Hành vi dâm ô với trẻ là không thể chấp nhận được, cha mẹ cần lên tiếng ngay để bảo vệ quyền lợi con trẻ”.

Cũng theo chị Hoài Anh, chị có hai cô con gái hiện đang học cấp 1, nhưng từ khi cháu đi trẻ, chị đã bắt đầu dạy con về kiến thức giới tính. Mới đầu, có thể bé chưa hiểu được hết, nhưng mưa dầm thấm lâu, bé ngày càng trưởng thành, tiếp xúc với bạn bè, thông tin đại chúng, bé sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc giáo dục giới tính mà cha mẹ giảng dạy.

Tới nay, các con chị Hoài Anh đã tự mình ý thức được việc nói chuyện, chào hỏi người lạ. Thậm chí, khi được cho quà, các con chị Hoài Anh không dám nhận mà chạy về nói với mẹ. Ai cũng khen các con chị ngoan, nhưng mấy ai hiểu được, để con tiến bộ, chị đã tốn không ít thời gian.

Vì thế, người lớn hãy cùng trẻ thiết lập vòng tròn yêu thương, để trẻ có thể tin tưởng, chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc trong cuộc sống. Việc bảo vệ trẻ, bảo vệ mầm non tương lai của đất nước không chỉ là nhiệm vụ của các bậc phụ huynh, thầy cô giáo mà còn là của toàn xã hội.

Tác giả bài viết: Thanh Bình

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP