Số hóa

Người dùng Facebook đánh mất thông tin cá nhân vì quá vô tư

Bị đánh cắp thông tin, dữ liệu cá nhân, thậm chí mất tài khoản… là những nguy cơ mà người dùng gặp phải khi “click” vào các liên kết trò chơi trên Facebook.

Cách đây không lâu, nhiều người dùng Facebook cảm thấy thích thú với trò chơi “Gương mặt bạn giống với người nổi tiếng nào?”. Để tham gia, người dùng chỉ cần nhấp vào liên kết có trước, tải ảnh lên hoặc liên kết với Facebook cá nhân. Ngay lập tức, người dùng được trả về hình ảnh cho biết gương mặt mình giống với người nổi tiếng nào.

Với cách tham gia đơn giản, cùng với gương mặt được đem ra so sánh là những ngôi sao nổi tiếng hàng đầu Việt Nam và thế giới, trò chơi này đã thu hút khá nhiều người dùng. Trâm Anh - sinh viên Trường ĐH KHXN&NV - cho biết: “Mình rất hay tham gia, có gì mới là mình đều chơi, rồi chia sẻ link lên Facebook cho mọi người vô bình luận, vui lắm”.

Người dùng thích thú với các liên kết trò chơi trên Facebook


Những liên kết tương tự như “Gương mặt bạn giống với người nổi tiếng nào?” đã xuất hiện cách đây khá lâu và được nhiều người dùng Facebook tham gia. Nhìn qua thì những trò chơi có vẻ vô hại, tuy nhiên, người dùng được khuyến cáo nên cảnh giác với những liên kết như thế này, bởi chúng yêu cầu họ phải cung cấp khá nhiều thông tin cá nhân.

Nếu người dùng chấp nhận đăng nhập bằng Facebook khi chơi, đồng nghĩa với việc ứng dụng này đã biết được những thông tin về ảnh đại diện, giới tính của bạn. Cẩm Loan - sinh viên năm 3 Trường ĐH KHXN&NV - chia sẻ: “Mình thấy trò này khá thú vị nên cũng nhấp vào thử. Cái này dễ chơi mà vui, lại không mất gì cả”.

Với liên kết trò chơi “Gương mặt bạn giống với người bạn nào?”, ngoài việc yêu cầu người tham gia phải đăng nhập Facebook, ứng dụng còn yêu cầu toàn bộ danh sách bạn bè của người chơi. Mỗi ứng dụng lại đòi hỏi người dùng những thông tin cá nhân sâu hơn như bài đăng, tất cả hình ảnh, thành phố đang sống và thậm chí là cả địa chỉ IP.

Các trang web thu hút người chơi bằng những câu hỏi độc đáo.


Các kết quả mà dạng trò chơi này trả về chủ yếu “vui là chính” chứ không chính xác. Thay vì cảnh giác, người dùng lại vô tư “đồng ý” để nhận được sự thích thú nhất thời. Xuân Thảo - sinh viên ĐH KHTN - chia sẻ: “Bạn bè mình nhiều người chơi lắm, nên mình cũng tham gia luôn để xem kết quả thế nào”.

Trao đổi với Zing.vn, ông Đỗ Võ Thắng - Giám đốc trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena - cho rằng những ứng dụng, liên kết chỉ đơn thuần cho người dùng chơi thì không vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu ứng dụng đòi hỏi kết nối với tài khoản thì người dùng sẽ bị lấy những thông tin cá nhân và có thể những thông tin ấy sẽ bị chuyển ra ngoài.

Cũng theo ông Thắng, để tránh nguy cơ bị đánh cắp thông tin, người dùng nên cẩn thận với những trò chơi nhấp vào liên kết như thế này. “Nếu các bạn muốn chơi thì hãy lập một tài khoản Facebook khác không có thông tin cá nhân rồi chơi. Nếu không thì đừng nên tham gia chơi, vì nguy cơ mất thông tin là rất cao”. Mặt khác, hiện nay không nhiều người dùng có điều kiện để sử dụng các phần mềm chống ăn cắp dữ liệu nên việc đề phòng vẫn là phương án tốt nhất.

Tác giả bài viết: Khải Trần

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP