Từ đầu năm 2018 đến nay, Cần Thơ xảy ra 15 điểm sạt lở, làm hư hại hoàn toàn 10 căn nhà, 43 căn nhà bị ảnh hưởng. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Kể từ khi sạt lở ở khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ nhấn chìm hàng chục căn nhà xuống sông đến nay đã hơn
ba tháng. Sau khi mất nhà, ngoài một số hộ ở nhờ nhà người quen thì vẫn có những gia đình liều mình bám trụ tại các ngôi nhà đã bị sạt vào tới cửa.
Gần một tháng nay, ông Trương Văn Miên (71 tuổi) cùng gia đình bốn người đã về sinh sống tại ngôi nhà ở ngay bến đò Rạch Vàm thuộc khu vực Thới Lợi, phường Thới An. Đây là ngôi nhà mà cách đây ba tháng gia đình ông đã dọn đi khi sạt lở xảy ra.
Phía trước nhà của ông Miên bây giờ là hàng trăm bao cát được người dân dùng để gia cố tạm trong khi chờ dự án kè chống sạt lở được khởi công. Từ khi nơi này bị sạt lở, điện, nước đã bị cắt. Khi quay về, ông Miên và những người khác phải dùng điện nhờ của những nhà nằm phía trong để sử dụng. “Lúc sạt lở xảy ra, cả nhà tôi dọn đi ở nhờ gần hai tháng. Sau đó thấy đất không sụp nữa nên quay về. Mặc dù cũng lo lắng nhưng chắc không đến nỗi nào đâu. Lâu rồi tôi cũng không thấy sạt lở gì nữa", ông Miên cho biết.
Cạnh nhà ông Miên là nhà ông Nguyễn Chí Đức, một trong những hộ bị thiệt hại nặng nhất do sạt lở. Căn phòng khách rộng khoảng 15m2 của ngôi nhà được vợ chồng ông Đức tận dụng làm nơi sản xuất.
Cơ sở may của gia đình này có gián đoạn một thời gian khi sạt lở xảy ra vào cuối tháng Năm vừa qua nhưng sau đó đã hoạt động trở lại. Những chiếc máy may cùng hàng đống vải vóc, quần áo được đặt kín cả lối đi. Phía ngoài, sạt lở đã ăn vào sát hành lang căn nhà.
Tận mắt thấy ngôi nhà của mình bị nhấn chìm xuống sông cùng nhiều tài sản, đến bây giờ ông Đức vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại thời điểm đó. Trò chuyện với phóng viên, ông thừa nhận gia đình chỉ dám ở đây vào ban ngày còn buổi tối thì đến ngủ ở nhà người quen. Mặc dù đã được chính quyền địa phương vận động di dời đi nơi khác để đảm bảo an toàn nhưng gia đình vẫn muốn sống tại nơi đã ở hàng chục năm qua.
Khi phóng viên đề cập đến những trường hợp còn bám trụ lại khu vực sạt lở, ông Nguyễn Quí Ninh - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, ngày 28/8, đoàn kiểm tra của thành phố phối hợp quận Ô Môn kiểm tra và không phát hiện người dân sinh sống trên tuyến này.
Theo ông Ninh, những hộ dân này sống ở phía trong và có lui tới các căn nhà bị sạt lở chứ không ở trong những căn nhà này.
Cũng theo ông Nguyễn Quí Ninh, khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương và Ban đã hỗ trợ ban đầu cho những hộ dân bị ảnh hưởng với tổng số tiền gần 460 triệu đồng trích từ Quỹ phòng chống thiên tai của thành phố. Cùng với đó, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn và chính quyền địa phương đã làm việc trực tiếp với các hộ dân, hỗ trợ tiền để họ di dời đi nơi khác.
Từ đầu năm đến nay Cần Thơ xuất hiện 16 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 586m, làm sạt hoàn toàn 10 căn nhà, 43 căn khác bị ảnh hưởng hoặc sạt một phần gây thiệt hại khoảng 33,6 tỷ đồng.
Trước việc sạt lở bờ sông xảy ra ngày càng nghiêm trọng và phức tạp trong những năm gần đây, Cần Thơ đã kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ bố trí vốn cho thành phố xây dựng một số công trình kè chống sạt lở trọng điểm trong giai đoạn 2018 – 2020 như Dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn đoạn khu vực Thới Lợi, phường Thới An chiều dài 2.000m, đoạn phường Thới Hòa chiều dài 1.900m với tổng kinh phí dự kiến cho hai đoạn khoảng 456 tỷ đồng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ cho Cần Thơ 35 tỷ đồng để khắc phục hậu quả sạt lở ở khu vực Thới Lợi. Hiện UBND thành phố đã phê duyệt dự án đầu tư công trình kè chống sạt lở tại khu vực này với chiều dài 430 m, dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 11 tới.
Ngoài ra, thành phố cũng đang xem xét cấp nền tái định cư cho những hộ thật sự khó khăn, không có đất.
Theo lãnh đạo thành phố Cần Thơ, trong công tác phòng, chống sạt lở, địa phương ưu tiên đặc biệt là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, sau đó mới là công tác khắc phục hậu quả. Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, ông Đào Anh Dũng cho biết công tác phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn được địa phương xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Đối với sạt lở, thành phố đã xác định được những điểm có nguy cơ cao để chủ động di dời tài sản và người dân đến nơi an toàn.
Những gia đình bị ảnh hưởng bởi sạt lở ở khu vực Thới Lợi khi được hỏi đều mong muốn dự án bờ kè sớm được hoàn thành, xây dựng lại con đường mới để vẫn có thể sinh sống tại đây. Thành phố Cần Thơ đang nỗ lực để đẩy nhanh dự án này, tuy nhiên việc vẫn còn người dân cố tình ở lại khu vực sạt lở là hết sức nguy hiểm./.
Tác giả: Thanh Liêm (TTXVN)
Nguồn tin: bnews.vn