Cuộc sống

Người chồng nuôi hy vọng hồi sinh sự sống cho xác vợ đông lạnh

Ông Gui ở Trung Quốc tin ngày nào đó khi khoa học tìm ra cách chữa ung thư, vợ ông sẽ hồi sinh và trở về đoàn tụ.

Bà Zhan là người Trung Quốc đầu tiên được đông lạnh xác. Ảnh: SCMP.

Đã ba tháng trôi qua kể từ khi bà Zhan Wenlian trở thành người Trung Quốc đầu tiên được đông lạnh xác, ông Gui Jumin vẫn ôm niềm hy vọng, những tiến bộ kỹ thuật và trình độ y học sẽ một ngày nào đó cho phép vợ chồng ông đoàn tụ. Hôm 8/5, bà Zhan qua đời vì ung thư phổi ở tuổi 49, tại một bệnh viện ở tỉnh Sơn Đông, Science and Technology Daily đưa tin hôm 14/8.

Ngay sau khi bà Zhan qua đời, thi thể của bà được các bác sĩ đông lạnh tại Viện Nghiên cứu Khoa học sự sống Yinfeng ở Sơn Đông. Quá trình kéo dài 55 tiếng này được các chuyên gia đến từ Bệnh viện Qilu thuộc Đại học Sơn Đông và bác sĩ Aaron Drake ở tổ chức kéo dài sự sống Alcor, Mỹ, giúp đỡ.

Phương pháp đông lạnh là một kỹ thuật thực nghiệm, với giả định rằng những tiến bộ trong công nghệ y học có thể hồi sinh những thi thể đông lạnh. Quá trình đông lạnh bao gồm việc cất thi thể trong Nitơ lỏng ở nhiệt độ dưới 0 độ C và dùng thiết bị hỗ trợ sự sống để duy trì các chức năng quan trọng trong cơ thể.

Ông Gui chọn đông lạnh thi thể vợ tại một phòng thí nghiệm ở Sơn Đông, với hy vọng các bác sĩ sẽ tìm ra phương pháp chữa ung thư phổi, theo tờ báo chính thức của Bộ Khoa học Công nghệ Trung Quốc.

"Chúng tôi phải đợi tới khi có cách chữa trị thì mới đánh thức bà ấy dậy. Tôi tin với kỹ thuật mới, việc hồi sinh xác vợ tôi là hoàn toàn khả thi", tờ báo trích lời ông Gui nói.

Thi thể của bà Zhan được bảo quản trong thùng chứa 2.000 lít nitơ lỏng ở nhiệt độ -196 độ C. Ảnh: SCMP.

Theo SCMP, thi thể của bà Zhan được bảo quản trong thùng chứa 2.000 lít nitơ lỏng ở nhiệt độ -196 độ C.

Đông lạnh thi thể người thân yêu để ngày nào đó họ trở lại với cuộc sống trần gian này là một bước tiến "nhảy vọt" của niềm tin, SCMP dẫn lời ông Huang Yonghua, phó giáo sư Viện làm lạnh và đông lạnh thuộc Đại học Jiaotong ở Thượng Hải, chia sẻ.

"Dù là chúng ta có thể dùng công nghệ để đông lạnh thi thể người nhưng chưa ai thành công trong việc hồi sinh người chết. Nói cách khác, thành công cho việc đông lạnh xác không thể được đảm bảo", ông Huang khẳng định.

Tuy nhiên, việc đông lạnh xác cho phép lấy mẫu ADN hoặc các tế bào khác từ người chết, một điều có thể đem lợi ích cho những người thân trong gia đình. Ít nhất 300 người đã được đông lạnh tại một số viện khắp thế giới. Một trong số ấy có Alcor ở bang Arizona, Mỹ. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng tìm hiểu quá trình này suốt nhiều thập kỷ qua.

Cả Alcor và một viện đông lạnh khác ở Mỹ đều nhìn thấy lợi ích kinh tế khi nhắm tới thị trường Trung Quốc, nơi người dân có niềm tin mãnh liệt rằng thi thể phải còn nguyên vẹn khi đã về thế giới bên kia.

"Phương pháp đông lạnh chủ yếu nhằm đáp ứng mong ước và nhu cầu của bệnh nhân cùng người nhà nên chuyện đó không có gì sai", tiến sĩ Liu Jing, chuyên gia về đông lạnh tại một trường đại học ở Trung Quốc, cho hay.

Theo Science and Technology Daily, chi phí đông lạnh một thi thể có giá khoảng 300.000 USD. Mỗi năm, gia đình còn phải trả hơn 7.000 USD để làm đầy lượng Nitơ lỏng. Muốn xây dựng một phòng thí nghiệm có khả năng xử lý được các quá trình như vậy cần khoảng 750.000 USD.

Ông Gui không tiết lộ chi phí đông lạnh xác vợ là bao nhiêu. Người đàn ông này cũng định đông lạnh thi thể mình vì chỉ có cách ấy, ông mới "đồng hành" cùng vợ, nếu ngày nào đó bà sống lại.

"Khi người yêu thương của ai đó mắc căn bệnh không thể chữa trị, họ sẽ không từ bỏ niềm hy vọng cuối cùng", ông Huang nói.

Các nhà khoa học mất 55 tiếng để đông lạnh thi thể bà Zhan. Ảnh: SCMP.



Tác giả: Hà Phương

Nguồn tin: ngoisao.net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP