Cuộc sống

Người cao tuổi nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày?

Người bình thường nên uống từ 1,5 -2 lít nước mỗi ngày. Nhưng với người cao tuổi thì cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày, bởi uống nước quá ít hay quá nhiều đều gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Nước được xem là yếu tố chiếm tới 70% thành phần của sụn và duy trì sự trơn tru giữa 2 đầu xương.


Nước có nhiều chức năng quan trọng như giúp cơ thể hòa tan và vận chuyển các hợp chất như protein, carbonhydrate, vitamin, khoáng chất... Nước giúp tiêu hóa, hấp thu và bài tiết. Người già và trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị mất nước và có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn so với các độ tuổi khác.

Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đối với người bình thường, trong một ngày lượng nước đưa vào cơ thể khoảng 2,5lít, trong đó nước uống khoảng 1-1,5lít. Nước từ thức ăn khoảng 1-1,2lít, nước sinh ra từ các phản ứng ôxy hóa trong cơ thể có khoảng từ 200-300ml, nước được thải từ cơ thể ra ngoài trong một ngày cũng khoảng 2,5 lít nước gồm: Nước tiểu, nước mất qua hơi thở, nước bốc hơi qua da…trong đó nước tiểu chiếm số lượng nhiều nhất.

Đối với mùa hè, lượng nước trong cơ thể thải ra ngoài ở mỗi người khác nhau tùy điều kiện lao động và bệnh lý (sốt cao, bỏng, phù thận, suy tim). Trên thực tế, khi nhiệt độ môi trường cao, nắng nóng làm tăng nhu cầu nước. Mỗi ngày có thể cần lên 3,5 lít. Lúc tập thể dục hay hoạt động nhiều có thể thúc đẩy nhu cầu này lên cỡ 6 lít mỗi ngày.

Người già nên ăn nhiều rau xanh và uống đủ nước để đề phòng táo bón.


Với người cao tuổi, không có nghiên cứu cụ thể nên uống bao nhiêu nước trong ngày là vừa. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên không nên uống quá nhiều nước như người lao động bình thường. Nhưng cũng không nên quá dè dặt với nước.

Đặc biệt, trong mỗi bữa cơm ở gia đình có ngươi cao tuổi, người nội trợ cần lưu ý luôn luôn phải có bát canh, tránh tình trạng ăn uống khô khan sẽ khiến người già khó nuốt.

Lưu ý

Uống quá nhiều nước, cân bằng điện phân bị xáo trộn dẫn đến mất cân bằng nước, kết quả vượt quá khả năng bài tiết. Triệu chứng khi bị nhiễm độc nước bao gồm đau đầu, buồn nôn, co giật cơ, có thể gây tử vong. Cho nên uống nhiều nước nhưng không được lạm dụng.

Khi ăn uống, người cao tuổi cũng nên lưu ý chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ; Nhai chậm, kỹ thức ăn; Nên ăn các món ăn mềm, thái nhỏ hầm kỹ, các món canh chất lượng dễ tiêu; Không nên ăn quá no vào buổi tối vì khi nằm, dạ dày căng to đẩy cơ hoành lên chèn ép hoạt động của tim; Sau khi ăn xong nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút để giúp dạ dày nhào trộn tiêu hóa thức ăn và chuyển xuống ruột non dễ dàng.

Người cao tuổi cũng nên lưu ý giảm bớt lượng thịt, thay bằng cá và nên bổ xung các loại thức ăn thực vật như: Vừng, lạc, đậu đỗ, rau xanh, quả chín.

Tác giả bài viết: TH

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP