Kinh tế

Ngồi nhà vẫn mua được đủ đồ ăn ngon bổ rẻ thời Covid-19 nhờ "chiêu lạ"

Thay vì xếp hàng, đối diện với nguy cơ lây nhiễm khi đi chợ, nhiều người chọn cách mua chung, mua gom để được giá rẻ, an toàn, giao tận nơi.

Không đi chợ vẫn đủ món

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chị Đậu Thị Huyền, một cư dân ở chung cư Center point (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, kể từ thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội đến nay, gia đình chị và những cư dân khác ở đây rất ít khi phải đi chợ mua đồ ăn nhờ sự kết nối sáng tạo của một số thành viên trong khu chung cư.

Nhóm mua chung, gom chung quy định ghi rõ nhiều thông tin.

Chị Huyền kể, từ nhóm bán hàng được lập trước dịch, chị trưởng nhóm đã phân loại, tạo thành một nhóm nội khu để mọi người phân biệt được người bán. Từ đó, chị kêu gọi mọi người cùng nhau mua chung, mua gom để giá rẻ và hạn chế lượng shipper lẻ tẻ đến chung cư.

Hơn nữa, để đảm bảo sự tin cậy và an toàn nguồn hàng, trưởng nhóm còn yêu cầu người đăng tin phải ghi chi tiết thông tin người bán như số phòng, thông tin sản phẩm, giá bán...

Cách làm này đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ đông đảo cư dân nơi đây. Hầu hết ai cũng tham gia vào nhóm để được mua bán và giúp đỡ nhau tiêu thụ hàng hóa.

Giá nhiều mặt hàng rẻ hơn chợ, không mất tiền ship nhờ mua chung.

“Người nào có gì bán nấy, nếu thiếu sản phẩm nào có thể giới thiệu người cung cấp uy tín vào nhóm”, chị Huyền nói và cho biết nhờ thông điệp “mua chung, gom chung” nên hầu hết người bán, người đăng tin đều đưa ra mức giá “hỗ trợ nhau”. Điều này không những giúp cư dân mua được giá rẻ mà còn đảm bảo chất lượng.

Theo chị Huyền, ai đứng ra gom thì nhận hàng và tự thanh toán với đầu mối. Sau đó, thông báo ngày, giờ giao cho mọi người biết, kèm số tài khoản để nhận tiền.

“Tùy vào mặt hàng nặng hay nhẹ, ít hay nhiều...người gom có thể huy động thêm người hỗ trợ treo ở cửa của từng nhà, hoặc chia túi để dưới sảnh để mọi người tự xuống lấy”, vị này cho biết.

Hàng sẽ được giao trước của nhà mỗi người.

Chị Linh, một cư dân khác bày tỏ, nhờ nhóm mua chung mà chị mua được đủ thứ ngon, bổ, rẻ như rau, cá, thịt, trứng….được đưa tận nhà với giá không những không đắt hơn chợ mà thậm chí nhiều mặt hàng rẻ hơn, nhưng lại không mất phí ship nhờ mua số lượng lớn.

“Ai cũng mua được đồ ngon, đồ rẻ, nhất là đảm bảo chất lượng, lại còn biết rõ địa chỉ nhà nhau nên rất yên tâm. Điều đó cũng giúp việc chuyển khoản thuận lợi khi chỉ cần thông báo nhận hàng là tự động thực hiện như một nghĩa vụ.

Đặc biệt, việc này giúp người dân tiết kiệm được nhiều thời gian khi không phải đi lại, không phải suy nghĩ hôm nay mua gì, ăn gì. Ngoài ra, cũng giải cứu được nhiều thực phẩm cho nhiều nơi bị dịch làm cho thất thu...", chị Linh nói.

Bảo vệ phải kiêm giữ đồ

Các cư dân cho biết, việc mua bán được thực hiện nghiêm công tác phòng dịch theo hướng dẫn của quản lý tòa nhà. Đồng thời, bảo vệ còn trở thành người giữ đồ cho người dân tại sảnh khi đợi họ xuống nhận.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Ban quản lý tòa nhà cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh cần hạn chế đi lại thì đây là cách làm sáng tạo được ban quản lý chung cư ủng hộ.

Vị này thừa nhận, dù bộ phận an ninh và hành chính rất vất vả khi vừa phải đảm bảo hàng hóa cho cư dân, vừa phải an toàn phòng tránh dịch bệnh nhưng khẳng định: "Cách đó tiện cho người dân và cũng góp phần hạn chế nguồn lây từ cộng đồng".

Theo vị này, đơn vị đã kê bàn ra bên ngoài cửa sảnh vào chung cư để khai báo y tế, sát khuẩn, giãn cách. Bên cạnh đó, còn có thêm một cái bàn để dành cho việc giao nhận hàng hóa của cư dân.

Ban quản lý ngoài việc theo dõi qua camera thì cũng có bộ phận an ninh giám sát trông hàng, quản lý hàng trực tiếp, từ khâu ký sổ cho đến khi cư dân xuống nhận hàng.

Tác giả: Hồng Hạnh

Nguồn tin: Báo Giao thông

  Từ khóa: mua đồ , cantho24h , COVID-19 , đi chợ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP