Thể thao

Nghịch lý về đội bóng khác biệt nhất Premier League

Giống Man United thời Sir Alex, Arsenal là đội bóng hiếm hoi gắn bó lâu với một HLV, Wenger. Nhưng khác Quỷ đỏ, sự "ổn định" của họ không đem lại thành công về mặt danh hiệu.

Hãy xem, Carlo Ancelotti (Real Madrid), Luis Enrique và Pep Guardiola (Barcelona) vô địch ngay mùa đầu tiên nắm CLB (Pep vô địch thêm lần nữa ở mùa thứ ba).

Jupp Heynckes (Bayern Munich) và Jose Mourinho (Inter Milan) chiến thắng ở mùa thứ hai. Roberto Di Matteo (Chelsea) và Zinedine Zidane (Real) thậm chí đoạt Cúp chỉ sau 3 và 4 tháng.

Điều đó có nghĩa là trong gần một thập kỷ qua, những HLV gắn bó với đội bóng quá 3 năm đừng mơ đặt tay vào "chiếc Cúp tai to" danh giá.

Càng bất ổn càng... ổn

Bayern mùa này đón HLV thứ 3 trong 5 năm. Zidane là HLV thứ 3 của Real trong vòng 2 mùa giải. Chelsea có HLV thứ 5 kể từ năm 2012. Enrique ở Barca là HLV thứ 3 kể từ khi Pep rời đi mùa Hè 2012.

Mourinho trở thành HLV thứ tư của Man United trong 4 năm hậu kỷ nguyên Sir Alex (gồm cả Ryan Giggs tạm quyền). Juventus thì đang sử dụng HLV thứ 5 trong thập kỷ này…

Mourinho đã là HLV thứ tư của Man United tính từ lúc Sir Alex Ferguson giải nghệ.


Những dữ kiện ấy có thể thay đổi hoàn toàn nhận thức của con người về "kinh nghiệm" hay là "ổn định". Bởi xu hướng bóng đá bây giờ là càng kém ổn định thì... càng ổn.

Những đội thay tướng xoành xoạch lại là những đội thành công bậc nhất. Trong khi Arsenal của "Giáo sư" Arsene Wenger đã trung thành với một tướng suốt 20 năm qua thì lại tương đối... xìu. Thật là nghịch lý!

Nếu như Wenger là đại diện cho sự vĩnh cửu thì phía sau ông bây giờ là ai? Xin thưa: trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu lục thì Christophe Galtier của St.Etienne có thâm niên cầm một đội lâu thứ hai, chỉ 7 năm. Cũng giống như Wenger, Galtier không có danh hiệu nổi bật nào ngoại trừ chiếc Cúp Liên đoàn Pháp.

Điều đó có nghĩa là thế giới bóng đá bây giờ không còn quá coi trọng sự ổn định nữa. Khi chuẩn bị giải nghệ năm 2013, Alex Ferguson có thâm niên 27 năm ở Man United và phía sau ông là Arsene Wenger (17 năm với Arsenal) cùng David Moyes (11 năm cầm Everton).

Ba năm sau nhìn lại thì chẳng còn thấy ai nắm một đội bóng trên 10 năm nữa, ngoại trừ một người.

Và sự ổn định lừa bịp

Hầu như mỗi đội bóng vĩ đại đều có một triều đại lâu bền gắn với một HLV huyền thoại. Liverpool có Bill Shankly (15 năm). Arsenal có Wenger (20 năm) và Herbert Chapman (9 năm). Real có Miguel Munoz (14 năm). Barca có Johan Cruyff (8 năm).

Nottingham Forest có Brian Clough (18 năm). Celtic có Jock Stein (13 năm). Man United có hẳn 2 triều đại, Alex Ferguson (27 năm) và Matt Busby (24 năm)...

Nhưng như đã nói, tư duy bóng đá của thời đại đã thay đổi và con người không còn đánh giá quá cao tính ổn định nữa. Thứ được đánh giá cao nhất bây giờ là danh hiệu.

Không chịu "chết dí" với Barca, Pep Guardiola sau khi thử sức với Bayern Munich, giờ đã sang Anh cầm quân ở Man City.


Những HLV giàu khả năng chinh phục danh hiệu nhất đều trẻ. Họ không muốn gắn bó quá lâu với một đội bóng để thiết lập triều đại cho mình. Thay vào đó, họ thích nhảy việc, thích những nơi mới lạ nhằm củng cố kinh nghiệm nhanh nhất có thể và phát triển nghề nghiệp.

Họ có thể chủ động nghỉ việc (như Guardiola, Juergen Klopp, Antonio Conte) hoặc có bị sa thải (như Ancelotti, Mourinho) cũng chẳng lấy làm buồn bởi không khó để tìm một công việc mới.

Trong lúc ấy, Arsene Wenger vẫn đang "ổn định" ở Arsenal. Bản thân khái niệm ổn định cũng có hai mặt. Nhìn ở góc này là tích cực nhưng ở góc kia lại là ì ạch, trì trệ.

Lối mòn của Wenger

Hãy xem tân HLV đội tuyển Anh Sam Allardyce viết về Wenger trong cuốn tự truyện "Big Sam" mới xuất bản: "Wenger rất ít thay đổi. Ông ấy không chịu tiếp cận trận đấu với tư tưởng "phải chơi thế nào với đối thủ này", mà luôn theo kiểu "đây, cách tôi chơi đây". Arsenal không mấy khi khiến bạn bất ngờ".

Nói như Javi Martinez, người đang làm việc với HLV thứ 3 trong năm thứ 5 ở Bayern, thì: "Điều quan trọng nhất với một HLV là giữ được cho cầu thủ cảm giác "đói khát", đừng quá nghiêng về chiến thuật hay là phong cách chơi mà hãy truyền đam mê cho cầu thủ.

Các cầu thủ bây giờ không muốn lặp đi lặp lại những bài tập mỗi ngày nữa".

Cổ động viên Arsenal đã chán ngấy Wenger.


Các bài tập của Wenger bao năm rồi vẫn thế và ông hiếm khi nghiên cứu đối thủ kỹ càng trước mỗi trận đánh. Đó là mặt trái đầy bất ổn của tính "ổn định".

Hai mươi năm trước, Wenger được xem là một nhân vật cách tân khi thiết lập cho các cầu thủ một chế độ dinh dưỡng khoa học với nhiều rau củ và gây dựng chính sách chuyển nhượng khôn ngoan. Hai mươi năm sau, ông trở thành ông già bảo thủ, chậm tiến.

Đừng ngạc nhiên nếu mùa này Arsenal trượt chân khỏi Top 4 trong đoạn kết buồn thảm của kỷ nguyên Wenger!

Tác giả bài viết: Nguyễn Đỉnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP