Nhân ái

Nghị lực phi thường của anh em mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh

Mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh khiến anh em Nghĩa tàn tật, thân hình teo tóp như trẻ lên 6 tuổi. Nhưng chính nghị lực sống và khao khát đến trường đã giúp anh em Nghĩa vượt qua tất cả. Mới đây, chàng trai này đã thành lập thư viện nghĩa tình với hàng nghìn đầu sách khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Một ngày cận Tết Nguyên đán chúng tôi đến thăm nhà vợ chồng chị Phan Thị Nhàn (SN 1973), anh Trịnh Xuân Ngoạn (SN 1973), trú tại xã Phú Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Mặc dù, trời đã xế trưa nhưng anh em Trịnh Xuân Nghĩa (19 tuổi), Trịnh Thị Ngân (17 tuổi), con của chị Nhàn vẫn miệt mài học bài. Phải viết chữ tư thế nằm với đôi tay co quắp, anh em Nghĩa nắn nót từng nét chữ. Nhìn thân hình hai anh em như học sinh lớp 1 ai cũng thấy xót xa.

Anh em Nghĩa nằm để học chữ.

Nhắc đến con, chị Nhàn ngân ngấn nước mắt cho biết, Nghĩa và Ngân sinh ra đều mắt bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Mặc dù, gia đình đưa con đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. “Khi biết Ngân cũng mắc bệnh xương thủy tinh giống Nghĩa, tôi đã ngất trên bàn đẻ. Hai đứa con tàn tật, mắc bệnh hiểm nghèo nên anh Ngoạn phải bỏ công việc bên Lào về chăm sóc các con”, chị Nhàn rơi nước mắt nói.

Mặc dù vậy nhưng khát khao có một đứa con khỏe mạnh vẫn luôn thường trực trong vợ chồng chị Nhàn. Năm 2009, chị Nhàn sinh cô con gái thứ 3. Tuy nhiên, đứa bé này vẫn mắc căn bệnh xương thủy tinh giống Nghĩa và Ngân.

Với 3 đứa con tàn tật nên chị Nhàn dành hết thời gian để chăm sóc chúng nên không có thời gian để đi làm. Để có tiền nuôi sống gia đình và chữa bệnh cho con, anh Ngoạn phải đi làm thuê khắp nơi. Vì mắc bệnh xương thủy tinh nên ba anh em Nghĩa không biết bao nhiêu lần gãy xương phải vào bệnh viện để điều trị với chi phí lớn. Để bảo vệ các con, chị Nhàn và anh Ngoạn đã thiết kế căn phòng đặc biệt cho 3 anh em Nghĩa. “Việc đóng giường, thiết kế nhà tắm, xe lăn,…phù hợp với chiều cao 3 anh em để chúng tự vận động và sinh hoạt hàng ngày”, anh Ngoạn cho biết.

Hành trình đến trường của Nghĩa vô cùng gian nan và vất vả.

Thấy con khát khao học, chị Nhàn tự mua bảng, bút, giấy về tự dạy học cho con. Thời gian đầu, 3 mẹ con vật lộn với nhau rất vất vả. Đôi tay teo tóp của Nghĩa không chịu theo sự điều khiển của mình. “Đã có lúc em muốn bỏ cuộc nhưng nhìn thấy mẹ hy vọng và chịu khó như vậy em càng quyết tâm hơn. Hai anh em bảo ban cùng nhau cố gắng. 12 tuổi, em quyết định xin mẹ đến trường học con chữ”, Nghĩa cho biết.

Chị Nhàn đưa Nghĩa đến xin nhà trường cho cháu vào học lớp 1. Nhưng sau khi làm bài kiểm tra tại lớp, các thầy cô giáo đã nhận Nghĩa vào học lớp 3. Tuy nhiên, để con nắm chắc kiến thức hơn, chị Nhàn xin cho Nghĩa vào học lớp 2. Sau nhiều năm miệt mài, Nghĩa đã đạt được nhiều thành tích đáng nể trong học tập.

Cũng giống như Nghĩa, 12 tuổi Ngân cũng xin mẹ đến trường. Với nghị lực phi thường, Ngân đã đạt học sinh giỏi trong nhiều năm liền. Mới đây, Ngân xuất sắc giành giải Nhất môn cờ vua Hội khỏe Phù đổng cấp trường. Nghĩa và Ngân không những là học sinh tiêu biểu của trường mà là tấm gương sáng cho các bạn cùng cảnh ngộ. "Em Ngân là một học trò rất đặc biệt. Mắc căn bệnh thủy tinh nên chân tay em rất yếu và mềm nhũn. Dù vậy nhưng em vẫn chịu khó và nỗ lực học hỏi. Nhờ đó, nhiều năm liền em đạt học sinh giỏi của trường", cô Phan Thị Ngân Hà, giáo viên chủ nhiệm của Ngân cho biết.

Với nghị lực phi thường, Ngân đã đạt học sinh giỏi trong nhiều năm liền

Không chỉ có những thành tích học tập tốt, Nghĩa còn cho ra đời “thư viện nghĩa tình” với hàng nghìn đầu sách tại gia. Việc làm của Nghĩa khiến cho nhiều người ngưỡng mộ và thán phục. “Do bị bệnh xương thủy tinh nên việc đi lại của em hạn chế. Sách chính là người bạn tri kỷ giúp em vơi đi nỗi buồn. Nó giúp em có niềm tin hơn với cuộc sống và đó là nguồn kiến thức bổ ích. Ý nghĩ muốn mở thư viện sách cho các bạn bè ở địa phương tìm đọc luôn thường trực trong em”, Nghĩa cho biết.

Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, thầy cô giáo, tình nguyện viên,… “thư viện nghĩa tình” được ra đời. Nghĩa đã phân ra từng loại sách một cách rất khoa học. Cũng giống như các thư viện khác, thư viện tại gia của Nghĩa cũng có nhưng quy định cụ thể về việc đọc sách và mượn sách. “Do đầu sách chưa được phong phú nên chưa thu hút được nhiều bạn nhỏ. Em mong muốn có thêm nhiều đầu sách bổ ích hơn nữa để phục vụ nhu cầu bạn đọc”, Nghĩa mong muốn.

Không những vậy, hai anh em Nghĩa còn tham gia đứng lớp phụ đạo, củng cố kiến thức Toán, Ngoại ngữ cho các bạn nhỏ trong vùng. Lớp học này hoàn toàn được miễn phí. Rất nhiều bạn nhỏ đã đến tham dự lớp học này. Nghị lực phi thường của Ngân và Nghĩa là tấm gương sáng cho nhiều em đồng cảnh ngộ noi theo.

Tác giả: Minh Tâm

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP