Giáo dục

Nghị lực của thầy giáo Tin học bị liệt nửa người

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Đức - giáo viên Tin học, trường THCS Lương Thế Vinh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) dù bị liệt nửa người bên phải bẩm sinh nhưng thầy chưa bao giờ mặc cảm tự ti về bản thân mà luôn say mê tìm tòi, nghiên cứu và cống hiến hết mình cho ngành Giáo dục.

Lần đầu tiếp xúc với thầy giáo Nguyễn Ngọc Đức, ấn tượng của chúng tôi đó là người thầy với khuôn mặt rất thư sinh, dù dáng đi của thầy tập tễnh và bàn tay phải co quắp lại vì bị chứng liệt nửa người nhưng nụ cười tươi luôn thường trực trên môi.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Đức bên học sinh của mình.

Chia sẻ về con đường đến với nghề giáo, thầy Đức tâm sự, ngay từ bé khi lần đầu tiên được tiếp xúc với máy tính, thầy đã rất thích thú và ấn tượng. Có những khi thầy thức tới 2h sáng để tìm hiểu bằng được những cách lập trình trên máy và các ứng dụng được cài sẵn.

Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp cấp 3, thầy đã mạnh dạn thi vào khoa Tin học trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk để theo đuổi ước mơ của mình.

“Tôi sinh ra có phần kém may mắn khi chỉ sử dụng được một nửa thân thể bên trái. Mọi việc của tôi làm chậm hơn những người khác nhưng tôi luôn tâm niệm rằng mình sẽ không được bỏ cuộc và không được tự ti về bản thân mà nhất định phải theo đuổi mơ ước làm thầy giáo dạy tin học cho tới cùng”, thầy giáo Đức tâm sự.

Do bị liệt nửa người bên phải bẩm sinh nên thầy Đức chỉ sử dụng được một tay

Sau khi tốt nghiệp, thầy Đức bắt đầu đi dạy, đến nay đã tròn 10 năm trong nghề giáo. Nhìn hình ảnh thầy giáo cầm bút, cầm phấn, cầm chuột… đều chỉ bằng tay trái mới thấy hết nghị lực phấn đấu của thầy giáo trẻ sinh năm 1986. Không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy, thầy giáo Đức còn nghiên cứu và lập trình những ứng dụng thiết thực cho ngành.

Trước đây, hằng năm khi xét tốt nghiệp cho học sinh, thầy giáo Đức được nhà trường giao cho việc tổng hợp số liệu cho học sinh bằng phương pháp thủ công. Nhận thấy những bất cập của việc nhập số liệu, nhập điểm như vậy rất dễ nhầm lẫn, có nhiều sai sót trong quá trình xét tốt nghiệp THCS nên thầy Đức đã tìm hiểu, sáng tạo nên ứng dụng, tự động hóa, quản lý được thuận tiện, hiệu quả, phục vụ việc lưu trữ số liệu, thống kê các số liệu để cấp phát bằng tốt nghiệp.

Đồng thời, do trên thị trường cũng có khá nhiều ứng dụng phục vụ việc xét tốt nghiệp nhưng đều phải mất khoản phí 5 triệu đồng và các phần mềm không đồng nhất các mẫu xét tốt nghiệp, việc cài đặt cũng khá phức tạp.

Năm 2014, thầy Đức bắt tay vào việc lập trình và đến tháng 3/2015 thầy hoàn thành ứng dụng “Xây dựng ứng dụng xét tốt nghiệp cấp THCS và quy lập dữ liệu trình xét tốt nghiệp một cách hiệu quả”. Ứng dụng này với dung lượng nhỏ, dễ cài đặt, chạy trực tiếp trên file excel dễ cài đặt, dễ sử dụng. Qua đó, người dùng chỉ cần nhập danh sách vào ứng dụng, công việc còn lại hoàn toàn tự động, chính xác và rất hiệu quả.

Thầy tận tình hướng dẫn cho các học sinh của mình

Bên cạnh đó, tính ưu việt của phần mềm này là có phần sắp xếp, định dạng tên đồng bào dân tộc Ê đê. “Do tỉnh Đắk Lắk học sinh là người đồng bào dân tộc Ê đê chiếm số lượng khá đông nhưng các em có điểm khác với các dân tộc khác là tên trước và họ ở sau (ví dụ H’Linh Ê ban) nên các phần mềm khác sẽ rất khó sắp xếp tên. Với ứng dụng này đã khắc phục được điểm khó này, giúp thuận lợi hơn trước”, thầy Đức cho hay.

Phần mềm mang lại nhiều hiệu quả này đã được toàn ngành giáo dục huyện Cư M’gar sử dụng cho việc xét tốt nghiệp cho học sinh và một số huyện khác hiện cũng đang triển khai ứng dụng này - đây là điều mà thầy giáo Đức cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi việc làm của mình đã được ứng dụng rộng rãi.

Với ứng dụng này, trong hội thi sáng tạo khoa học toàn quốc lần thứ 13 (năm 2014 - 2015) , giải pháp “Xây dựng ứng dụng xét tốt nghiệp cấp THCS và quy lập dữ liệu trình xét tốt nghiệp một cách hiệu quả” của thầy Nguyễn Ngọc Đức đã đoạt giải ba trong lĩnh vực giáo dục.

Thầy Hoàng Gia Thiện (bên trái) - Hiệu trưởng trường THCS Lương Thế Vinh đáng giá cao sự cống hiến của thầy Đức.

Ngoài ra, thầy giáo Đức còn đạt được nhiều giải thưởng như được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo (năm 2015); đạt giải Ba cuộc thi “Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học năm học 2014 - 2015”; đạt giáo viên dạy Giỏi cấp huyện và có học sinh danh hiệu Học sinh Giỏi cấp Quốc gia môn Tin học.

“Hiện tại tôi cũng chưa có kế hoạch lập trình thêm ứng dụng khác mà vẫn đang tập trung công việc giảng dạy ở trường. Nhất là giúp các học sinh có thêm đam mê với môn tin học và những em tham dự các kỳ thi môn tin cấp tỉnh, cấp quốc gia có hành trang tốt nhất để bước vào kỳ thi”, thầy Đức chia sẻ.

Thầy Hoàng Gia Thiện - Hiệu trưởng trường THCS Lương Thế Vinh cho biết: “Thầy giáo Đức có vai trò tích cực trong sự phát triển của nhà trường. Đặc biệt, với những ứng dụng mà thầy đã sáng tạo, đang được sử dụng rất rộng rãi và thầy cũng chủ động thành trang lập nên trang web của trường giúp cho học sinh và phụ huynh thuận lợi theo dõi mọi kế hoạch của nhà trường. Thầy Đức dù có khuyết điểm ở cơ thể nhưng là người "có tật có tài" và là người thầy rất mẫu mực được các học sinh, đồng nghiệp rất yêu quý”.

Tác giả: Thúy Diễm

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP