Giáo dục

Nghỉ học ngày thứ 7: Nhiều phụ huynh ủng hộ nhiệt tình

Việc tổ chức thí điểm cho học sinh THCS nghỉ học ngày thứ 7 tại 2 quận Hải Châu và Thanh Khê của Đà Nẵng trong năm học 2017 - 2018 nhận được sự ủng hộ của phụ huynh và HS khi lịch nghỉ học của con trùng với lịch nghỉ của cả gia đình. Qua thực tế triển khai cho thấy, nhà trường không gặp khó khăn gì nhiều trong xây dựng thời khóa biểu, phân công giáo viên đứng lớp, dù là ở những trường có số lớp khá đông.

Thêm thời gian cho hoạt động ngoại khóa

Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho biết: “Lâu nay, HS bậc tiểu học đã áp dụng học liên tục từ thứ 2 cho đến thứ 6 và nghỉ học ngày thứ Bảy, chủ nhật; trong khi đó, HS bậc THCS có lịch nghỉ không trùng với thời gian nghỉ chung của người lao động. Thêm vào đó, những năm gần đây, các kỳ nghỉ lễ thường kéo dài 3-4 ngày do rơi vào thứ bảy, chủ nhật nên được nghỉ bù vào những ngày sau đó. Chúng tôi bắt đầu có ý tưởng triển khai cho HS bậc THCS nghỉ học ngày thứ 7 để lịch sinh hoạt, nghỉ ngơi của các gia đình phụ huynh không bị ảnh hưởng nhiều bởi việc học của con và HS thì có điều kiện tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng với gia đình và nhà trường”.

Qua một năm triển khai áp dụng cho HS THCS nghỉ học ngày thứ 7, bà Trần Thị Thúy Hà cho biết, Phòng GD&ĐT nhận được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh và điều quan trọng nhất là không ảnh hưởng đến phân phối chương trình – tiết dạy. “Thay vì HS nghỉ học ngày thứ 5 như trước đây thì giờ chuyển qua ngày thứ 7. Đối với khối 6, mỗi tuần có 23 tiết, khối lớp 7 thì học kỳ I có 24 tiết, học kỳ II có 25 tiết/tuần, khối 8 theo thứ tự là 26 tiết và 25 tiết, khối 9 có 25 tiết/tuần.

Như vậy, bình quân sẽ có 5 tiết học/buổi, riêng khối 8 dư 1 tiết, các tiết chào cờ và sinh hoạt lớp là đã cố định rồi. Với môn thể dục thì lâu nay, HS ở Đà Nẵng đã học trái buổi, chính vì vậy, mỗi ngày sẽ chia đủ 5 tiết/buổi học, riêng khối 8 dôi một tiết Mỹ thuật hoặc Âm nhạc thì các trường sẽ ghép chung với buổi học thể dục để HS và phụ huynh không phải đi lại nhiều lần”. Chính vì vậy, theo như bà Thúy Hà thì việc sắp xếp này không ảnh hưởng gì cả.

Ông Phạm Đình Sơn – Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê cho rằng, thực ra, ngày thứ 7 không phải các trường đều được nghỉ mà có thể tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo HS yếu kém. “Riêng các hoạt động hội họp, sinh hoạt tổ chuyên môn thì thay vì tổ chức vào ngày thứ 5 như trước đây, giờ các trường chuyển sang ngày thứ 7 nên gần như nói nghỉ ngày thứ 7 nhưng thực chất đối tượng được nghỉ chủ yếu là HS. Và phụ huynh thì rất ủng hộ điều này vì không gây xáo trộn gì trong sinh hoạt và học tập cả”.

Giảm áp lực đối với HS

Thực tế cho thấy, không chỉ đối với học sinh và phụ huynh mà việc học thứ 7 là áp lực đối với nhiều giáo viên, đi làm 6 ngày trong tuần. Nếu như các giáo viên có con học mầm non, tiểu học sẽ được nghỉ ngày thứ 7 trong khi bố mẹ là giáo viên trung học vẫn phải đi làm.

Cô Nguyễn Thị Minh đánh giá: “Sau một năm triển khai cho HS THCS nghỉ học ngày thứ 7, cái được lớn nhất mà nhà trường nhận thấy là việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa rất thuận tiện. Vì tổ chức vào những ngày thứ 7 nên phụ huynh có điều kiện để cùng tham gia với HS, hiểu được hơn các hoạt động giáo dục của nhà trường”.

Với quy mô 45 lớp, cô Hồ Thị Phước – Phó Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Huệ (Q. Hải Châu) cho biết, BGH không gặp khó khăn gì trong phân chia thời khóa biểu và lịch dạy cho GV. “Lịch họp hành của CB, GV sẽ chuyển sang sáng thứ 7 thay vì tổ chức vào ngày thứ 5, và từ chiều thứ 7 thì GV sẽ được nghỉ hoàn toàn. Chính vì vậy, việc triển khai nghỉ học ngày thứ 7 hoàn toàn nhận được sự ủng hộ của GV và cả phụ huynh học sinh. Nghỉ liên tiếp 2 ngày thứ bảy, chủ nhật, gia đình phụ huynh và GV rất tiện trong sắp xếp các hoạt động như đi chơi, dã ngoại hay về quê thăm ông bà”.

Cũng có ý kiến cho rằng, nếu nghỉ học ngày thứ 5 như trước đây thì số buổi học sẽ giãn ra, HS không bị áp lực. Thế nhưng, theo như phân tích của cô Hồ Thị Phước thì HS bậc THCS chỉ học 1 buổi/ngày trong khi HS tiểu học đã học 2 buổi/ngày và học liên tục từ thứ 2 – thứ 6 nên không thể nói là áp lực cho HS THCS được. Ở một khía cạnh khác, cô Nguyễn Thị Minh – Hiệu trưởng trường THCS Lý Thường Kiệt cho biết: “Khi đưa ra chủ trương xây dựng lại thời khóa biểu để HS nghỉ học ngày thứ 7, có một số GV có ý kiến rằng, các môn chính như Toán – Văn học gần nhau quá sẽ quá tải cho GV và HS, nhưng lớp đông thì số GV sẽ đông, số tiết/tuần của GV cũng không bị tăng lên, và trong khi chia thời khóa biểu thì chuyên môn sẽ chú ý sắp xếp các môn học để kéo giãn ra”.

Cô Nguyễn Thị Minh đánh giá: “Sau một năm triển khai cho HS THCS nghỉ học ngày thứ 7, cái được lớn nhất mà nhà trường nhận thấy là việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa rất thuận tiện. Vì tổ chức vào những ngày thứ 7 nên phụ huynh có điều kiện để cùng tham gia với HS, hiểu được hơn các hoạt động giáo dục của nhà trường. Đây cũng là xu hướng rất tốt để tăng cường mối quan hệ gia đình – nhà trường – xã hội trong phối hợp giáo dục; cũng là một kênh để phụ huynh thấu hiểu hơn những áp lực của giáo viên, hình dung được những hoạt động trên lớp của con… Lịch nghỉ của HS trùng với lịch nghỉ của gia đình nên các em có điều kiện tham gia các hoạt động chung, các kỹ năng xã hội vì thế cũng sẽ được tăng lên”.

Tác giả: Hà Nguyên

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP