Thế giới

Nghi can Rahami với chân tướng của 'sói đơn độc'

Báo USA Today ngày 20.9 (giờ địa phương) ghi nhận Ahmad Khan Rahami, nghi can trong các vụ nổ bom ở New York và New Jersey, có nhiều nét chung với những kẻ tấn công đơn lẻ (sói đơn độc) hoặc cùng đồng bọn tấn công nhằm sát hại nhiều người tại Mỹ trong những năm gần đây.


nghi can rahami voi chan tuong cua soi don doc 43339 1517544 1280x720 resize
Nghi can Ahmad Khan Rahami và hiện trường vụ nổ bom ở New York ngày 17.9.2016 - Ảnh: ABC News

Theo bạn bè và những người quen biết, Ahmad Khan Rahami 28 tuổi là dân gốc Afghanistan đã nhập quốc tịch Mỹ. Rahami đã từng đi du lịch đến một quốc gia Hồi giáo nơi có nhiều kẻ chiêu mộ khủng bố, sau đó đã phát triển tín ngưỡng Hồi giáo dưới hình thức bảo thủ và đã thay đổi hành vi trước khi thực hiện vụ đánh bom.

Công dân Mỹ bình thường trở thành phần tử cực đoan

Chuyên gia Max Boot ở Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ nhận xét: “Hành trình và nguồn gốc Afghanistan của nghi can làm gia tăng khả năng bọn Taliban Afghanistan tại căn cứ ở Pakistan đã biến hắn trở thành phần tử cực đoan”.

Dưới đây là vài trường hợp tương tự của các công dân Mỹ theo Hồi giáo bình thường nhưng sau đó trở thành phần tử cực đoan giết người:

Tamerlan Tsarnaev là dân nhập cư gốc Checnya (Liên bang Nga) cùng em trai đã cho nổ bom trong cuộc chạy marathon ở Boston năm 2013. Cơ quan an ninh Nga cho rằng chúng trở thành phần tử cực đoan sau một chuyến trở về thăm quê hương.

Syed Farouk là dân Mỹ gốc Pakistan cùng vợ người Pakistan đã xả súng sát hại 14 đồng nghiệp tại San Bernardino (bang California) ngày 2.12.2015. Hắn đã đến Ả Rập Saudi trước khi thực hiện vụ tấn công.

Faisal Shahzad đã cố cho nổ xe bom tại quảng trường Times Square (New York) năm 2010. Hắn khai với cơ quan điều tra rằng hắn đã học cách chế tạo bom tại trại huấn luyện khủng bố ở Pakistan giáp biên giới Afghanistan.

Cơ quan điều tra cho biết tương tự những kẻ tình nghi khủng bố khác tại Mỹ, Ahmad Rahami cũng tuân theo giáo thuyết của Anwar al-Awlaki, giáo sĩ cực đoan người Mỹ gốc Yemen bị tiêu diệt trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái Mỹ năm 2011.

Al-Awlaki là lãnh đạo cấp cao trong tổ chức Al Qaeda trên bán đảo Ả Rập, đã tiến hành tấn công khủng bố và truyền cảm hứng cho nhiều “sói đơn độc” và nhiều tên tấn công khác từ căn cứ ở Yemen.

Thiếu tá, bác sĩ tâm thần thuộc quân đội Mỹ Nidal Hasan sát hại 13 người tại căn cứ quân sự Fort Hood ở bang Texas năm 2009 cũng được Anwar al-Awlaki truyền cảm hứng bằng cách trao đổi qua thư điện tử trước khi thực hiện tấn công.

2pict14
Vụ nổ bom tại cuộc chạy marathon ở Boston ngày 15.4.2013 - Ảnh: Boston Globe

Truy tìm bọn khủng bố cực kỳ khó

Trả lời phỏng vấn của tạp chí Commentary (Mỹ), chuyên gia Max Boot ở Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ nhận xét, bằng chứng cho thấy 15 năm sau khi Mỹ tiến hành chiến tranh tại Afghanistan để loại bỏ nơi trú ngụ an toàn của bọn khủng bố Al Qaeda, khu vực ngoài vòng pháp luật này – nơi bọn chủ mưu có thể giao tiếp với nước ngoài – đã trở thành “nơi chủ chốt hỗ trợ cho nguy cơ khủng bố mà chúng ta đang đối phó ở Mỹ”.

Các quan chức thực thi pháp luật Mỹ cho biết, cũng giống như những kẻ tấn công đơn lẻ khác, FBI đã từng điều tra Rahami sau khi Rahami bị cha tố cáo là phần tử khủng bố sau cuộc cãi vã giữa Rahami và người anh em năm 2014.

Trước đó, FBI cũng đã từng điều tra Omar Mateen, hung thủ đã sát hại 49 người trong quán bar dành cho người đồng tính tại Orlando năm nay, và điều tra Thiếu tá, bác sĩ Nidal Hasan 6 tháng trước khi vụ Fort Hood xảy ra vào tháng 11.2009.

Dù vậy, chuyên gia Max Boot nhận xét cơ quan điều tra đã nhận được quá nhiều khuyến cáo nhưng quá ít đầu mối trong khi “khó để chứng minh một ý định khủng bố khi thiếu các chứng cứ thực tế”.

Chuyên gia Matthew Levitt, cựu quan chức chống khủng bố ở Bộ Tài chính Mỹ, hiện làm việc tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, chia sẻ: “Quốc tịch và cách thức Rahami trở nên phần tử cực đoan có thể không quan trọng bằng những kẻ hắn quen biết. Và liệu hắn ta có liên lạc với nhóm cực đoan tôn giáo trong suốt chuyến đi tới Pakistan và Afghanistan”.

Ông lưu ý: “Chúng ta có thể nhận ra nghi can này có nhiều mối liên hệ hơn phần lớn bọn khủng bố khác bởi vì các quả bom này phức tạp hơn nhiều so với bom do anh em nhà Tsarnaev chế tạo tại sự kiện cuộc chạy marathon ở Boston”.

Cuối cùng chuyên gia Matthew Levitt đánh giá: «Truy tìm bọn khủng bố là cực kỳ khó bởi vì chúng ta không có nhiều mô hình và nhiều ví dụ. Công việc mà FBI, cơ quan tình báo và cảnh sát đang làm là quá nhiều và bất khả thi vì không thể phát hiện một người nào đó trở thành phần tử cực đoan vào thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ”.

Tác giả bài viết: Anh Đào

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP