Thế giới

Nghi án Kim Jong Nam được xử như thế nào theo luật Malaysia?

Nếu bị kết tội giết người, hai nữ nghi phạm trong vụ sát hại công dân Triều Tiên sẽ bị kết án tử hình. Tòa án Malaysia đã kết án tử hình gần 1.000 kể từ tháng 9/2012.

15 phút Đoàn Thị Hương nghe buộc tội mưu sát tại Malaysia Sáng 1/3, nghi phạm Đoàn Thị Hương tới tòa án ở Malaysia để nghe buộc tội. Cô bị cáo buộc tội mưu sát và đối mặt với án tử hình theo Luật Hình sự của Malaysia.
Hai nữ nghi phạm liên quan tới vụ sát hại công dân Triều Tiên vừa nghe buộc tội tại tòa án quận Sepang, bang Selangor ngày 1/3. Vì cả hai bị buộc tội giết người và đối mặt với án tử, hồ sơ của họ sẽ được chuyển lên cho Tòa án thượng thẩm thụ lý.

Hệ thống phân cấp của tòa án Malaysia

Bộ máy tư pháp Malaysia chủ yếu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và lấy hệ thống Thông luật của Anh làm trung tâm. Về cơ bản, có hai loại hình thức xét xử là hình sự và dân sự.

Hệ thống tòa án tồn tại theo hình thức phân cấp. Theo đó, quyền lực và trách nhiệm của mỗi cấp sẽ giảm dần theo mô hình kim tự tháp.

Bộ máy tư pháp được chia làm 2 phần: tòa án cấp cao và tòa án cấp dưới. Tòa án tối cao của nước này là Tòa án Liên bang, tiếp đến là Tòa Phúc thẩm, Tòa thượng thẩm. Các tòa án cấp dưới bao gồm Tòa Hình sự, Tòa Sơ thẩm và tòa án chuyên trách cho trẻ em.
Lực lượng an ninh và các phóng viên tập trung bên ngoài tòa án quận Sepang, bang Selangor, Malaysia, trong phiên tòa xét xử đầu tiên vụ giết hại công dân Triều Tiên, ngày 1/3. Ảnh: The Star.
Tòa án đặc biệt được thành lập theo Hiến pháp Liên bang từ năm 1993 có thẩm quyền xét xử các hành vi hình sự hoặc dân sự liên quan tới nhà vua hoặc thủ hiến của các tiểu bang.

Tòa án Liên bang, tòa án tối cao của Malaysia, có thẩm quyền tiếp nhận kháng cáo của các vụ án hình sự, tố tụng dân sự đã được Tòa án Phúc thẩm xét xử.

Tòa án Phúc thẩm có thẩm quyền xét xử kháng cáo các phán quyết đã được tòa án thượng thẩm thi hành.

Tòa án thượng thẩm có thẩm quyền xét xử kháng cáo trong các vụ án hình sự và dân sự từ các tòa án cấp dưới. Cơ quan này có quyền xét xử không giới hạn các vụ án hình sự liên quan tới án tử hình và các vụ án dân sự.

Tòa án cấp dưới có thể xét xử các vụ án hình sự và dân sự thông thường. Trong đó, tòa án hình sự có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự không liên quan tới án tử hình.

Quy trình xét xử nghi án sát hại Kim Jong Nam

Hai nữ nghi phạm liên quan tới vụ sát hại công dân Triều Tiên được cho là ông Kim Jong Nam vừa được xét xử tại tòa án cấp địa phương quận Sepang, bang Selangor ngày 1/3.

Hai bị cáo Siti Aisyah và Đoàn Thị Hương bị buộc tội theo Mục 302 của Bộ luật Hình sự quy định về án tử hình bắt buộc khi bị kết tội.

Cáo trạng được đọc riêng cho từng người. Không có lời biện hộ nào được ghi nhận vì việc này thuộc thẩm quyền của tòa thượng thẩm.
Bị cáo Đoàn Thị Hương được cảnh sát hộ tống rời khỏi tòa sau khi nghe cáo trạng. Ảnh: Getty.
Viện trưởng Viện kiểm sát bang Selangor Muhamad Iskandar Ahmad đại diện cho bên truy tố. Ông đã áp dụng thời hạn truy tố 6 tuần để thu thập các tài liệu liên quan trước khi chuyển vụ án lên Tòa thượng thẩm Shah Alam.

Ông Gooi Soon Seng đứng đầu nhóm luật sư gồm 5 người đại diện cho Siti Aisyah trong khi Đoàn Thị Hương được đại diện bởi luật sư S. Selvam.

Theo quy trình, các vụ án giết người sẽ được thụ lý trước tiên ở tòa án cấp địa phương, lời bào chữa từ bị cáo sẽ không được ghi nhận trong phiên tòa này. Lời biện hộ chỉ được ghi nhận khi vụ án được tòa thượng thẩm thụ lý.

Hai nghi phạm sẽ bị tạm giam tại nhà tù Kajang cho đến ngày xét xử tiếp theo 13/4.

Các tội danh chịu án tử hình bắt buộc

Án tử hình bắt buộc ở Malaysia đã tồn tại từ hàng thập kỷ nay và được áp dụng với tội giết người, buôn bán ma túy, phản quốc, xả súng gây thương vong,…

Việc hành quyết được thực thi theo hình thức treo cổ đến chết và không được công khai. Thân nhân có thể sẽ được thông bào vài ngày trước khi thi hành án để tới thăm người nhà lần cuối và lo liệu tang lễ.

Một nghiên cứu về án tử hình tại Malaysia của Đại học Oxford năm 2013 cho thấy quốc gia Hồi giáo này đã treo cổ 441 người từ năm 1960 đến năm 2011. Từ năm 2002, việc hành quyết trở nên ngày càng hiếm hoi.

Nghiên cứu này ghi nhận Malaysia không có vụ hành quyết nào cho đến năm 2006, khi 4 người bị xử tử vì chống lại nhà vua.

Năm 2008, 1 người bị hành quyết vì tội giết người, 2 người bị hành quyết vào năm 2009 do buôn bán ma túy và 1 người nữa bị hành quyết vào năm 2010 vì tội giết người. Đầu năm 2016, nước này đã treo cổ 3 người đàn ông cũng vì tội giết người.

Theo thống kê đến tháng 9/2012, Malaysia có gần 1.000 người bị kết án tử hình đang ở trong phòng giam dành cho tử tù, khoảng 2/3 trong số này bị kết tội buôn bán ma túy.

Tác giả bài viết: Tuyết Mai (Tổng hợp)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP