Nhân ái

Nghẹn lòng cậu bé lớp 3 chăm mẹ câm điếc, bệnh tật trong căn nhà nát

Cậu bé Đảm vốn chẳng có bố, em được sinh ra bởi người mẹ câm điếc, lại suốt ngày yếu đau với cái hạch to đùng nhưng lại không được đến viện. Ngày ngày một mình em lại tha thẩn đi chăm vườn rau để cây nào lớn thì nhổ đi bán lấy tiền đong gạo ăn hàng ngày.

Cậu bé đáng thương ấy là Đoàn Văn Đảm (Đội 4, xóm Ninh Lâm, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) mà chúng tôi đã trở về thăm theo lời kêu cứu khẩn cấp của chính quyền thôn, xã. Vừa dẫn chúng tôi vào thăm mẹ con em, chị Nguyễn Thị Thoa – Phó Chủ tịch hội phụ nữ xã Nghĩa Lâm vừa kể chuyện: “Vừa hôm trước đoàn chị vào tặng cho 2 mẹ con chiếc chăn đắp chứ không thì chỉ có chiếc chiếu để đắp thôi. Chị Mến bị câm điếc, dạo này lại nổi 1 chiếc hạch to lắm ở nách khiến chị ốm sốt liên tục, phía chính quyền địa phương đang xem xét các phương án để đưa chị ấy đi viện chứ không thì gay go lắm”.

Khi chúng tôi đến thăm, chị Mến đau quá nên nằm vật trên chiếc giường sắp sập.

Chiếc giường với những thanh đỡ đã gãy gần hết nên chỉ cần ngồi nhẹ lên những chỗ này cũng có thể sập.

Đúng như những gì chị Thoa tâm sự, không gian sống của hai mẹ con chị Mến trống huếch, trống hoác, không có bất cứ một vật dụng nào đáng giá. Chiếc giường ọp ẹp, với các thanh đỡ đã gãy gần hết đang được vá víu tạm bởi những tấm bìa, phía trên là chiếc chiếu cũng đang rách bươm.

Đang ngồi dựa lưng vào tường, chị Mến ra hiệu đau lắm rồi chỉ vào phía nách của mình nơi đang nổi lên 1 cái hạch rất to mà chúng tôi sờ vào cũng thấy ngay được. Ngồi bên cạnh mẹ là cậu bé Đảm với sự rụt rè, có phần hơi sợ hãi. Hỏi con ăn gì chưa, cậu bé lắc đầu, nhăn nhó chỉ vào nồi cơm đã không còn sót lấy 1 hạt, ngần ngại bảo: “Con đói nhưng nhà hết gạo ăn rồi”.

Cuộc sống khó khăn khiến 2 mẹ con rau cháo cho qua ngày.

Cậu bé Đảm không có bố, em sống cùng người mẹ câm điếc và bệnh tật.

Chứng kiến 2 mẹ con ngồi co ro, chúng tôi ai cũng hoang mang và có phần hơi sợ hãi cho sự an toàn bởi từng cơn gió rít mạnh là toàn bộ những tấm ni lông được giăng quanh nhà lại bay phần phật, có lúc lại bị gió xẻ rách tươm. Mỗi lúc ấy, cái lạnh lại càng như xoáy sâu vào căn nhà nát, bủa vây lên hết cả da thịt của hai mẹ con cho dù hai người đã cố ngồi thật gần vào nhau hơn nữa.

Lo lắng, sốt ruột cho chị Mến, bác Trần Thị Điệp (hàng xóm) hốt hoảng chạy sang ra hiệu cho chị mặc thêm áo vào, chứ không chết lạnh. Ái ngại, bác cho biết: “Ở đây chẳng ai khổ như mẹ con cô ấy cả. Cô Mến bị câm điếc, không có chồng, hàng ngày chỉ ra chăm vườn rau bắp cải trước nhà để có tiền đong gạo ăn nhưng từ ngày cô ấy bị đau thì thằng bé Đảm nó chăm. Đấy các cô xem, cả gia tài của mẹ con cô ấy là vườn rau nhỏ đó chứ chả có gì cả đâu”.

Cả gia tài của hai mẹ con là vườn rau bắp cải. Đảm ra kiểm tra cây rau nào lớn thì mang đi bán.

Không thể giao tiếp được với chị Mến, chúng tôi cố gắng ra kí hiệu cho chị hiểu và được bé Đảm “phiên dịch” lại. Chị bảo đau và sốt lắm nên không làm được gì cả khiến chúng tôi càng thêm sốt ruột. Nghèo khổ đến hạt gạo cũng hết chẳng còn để mà nấu cơm, nên cái mơ ước được đến bệnh viện điều trị là một điều quá xa vời đối với chị. Đó là sự thật buộc phải chấp nhận, và nếu như không tận mắt chứng kiến, có lẽ tôi cũng khó tin thời buổi này lại có người khốn khổ đến vậy.

Chị Mến đau đớn vì khối u to đùng ở nách đã nhiều ngày nay.

Sự sống của chị không biết sẽ đi đâu, về đâu?

Căn nhà nhỏ, vẫn tiếp tục những đợt gió lùa thốc thẳng vào chiếc giường đang kêu kẽo kẹt của hai mẹ con khiến mọi người càng thêm rùng mình, sợ hãi. Khẽ nép vào áo mẹ, cậu bé Đảm run lập cập nhưng chợt lo cho vườn rau nên em vội vã đứng dậy ra sân nhìn mặc cho cái lạnh thấu da, thấu thịt vẫn đang bủa vây. Ở trong nhà, chị Mến vẫn đang vật vã, có lẽ cơn đau lại đến khiến chị oặt cả người sang một bên, muốn kêu mà không thể.

Nhìn chị lúc này, cái cảm giác nghèn nghẹn ở cổ họng như trực trào lên nghẹn đắng. Thương chị, người đàn bà bất hạnh vốn đã không được lành lặn… nay lại phải chịu đựng nỗi đau của bệnh tật âm thầm, một mình trong sự nghèo túng đến bát cháo còn không đủ ăn.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Chị Đoàn Thị Mến (Đội 4, xóm Ninh Lâm, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định)

Số ĐT: 037.730.7186 (Số ĐT của chị Thoa - Phó chủ tịch hội phụ nữ xã Nghĩa Lâm)

Tác giả: Phạm Oanh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP