Ngoài việc góp phần đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm, ngành chăn nuôi còn góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy nền kinh tế cho từng địa phương. Bằng chứng là hệ thống trang trại với quy mô lớn đã được hình thành, giúp người nông dân có thu nhập cao, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ. Riêng Nghệ An, tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có gần 400 trang trại, trong đó có 90 trang trại lợn, 32 trại chăn nuôi gia cầm, trên 210 trang trại chăn nuôi trâu, bò. Theo đó, tổng số đàn lợn khoảng 924,88 ngàn con, 428,78 ngàn con bò, 296,67 ngàn con trâu, 19,13 triệu con gia cầm. Chỉ tính riêng trong năm 2015, toàn tỉnh đã có khoảng trên 212.000 tấn thịt lợn hơi xuất ra thị trường, chưa kể khối lượng thịt trâu, bò...
Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm đang diễn ra phức tạp và ngày càng tinh vi. Thời gian qua, các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử phạt nhiều cá nhân liên quan về hành vi này. Thế nhưng, trước những diễn biến phức tạp của các đối tượng coi thường mạng sống, sức khoẻ của người tiêu dùng để trục lợi, tình trạng này vẫn còn diễn ra.
Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cần phải được kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh
Theo thống kê của Chi Cục quản lý thị trường Nghệ An thì từ năm 2014 đến nay đã xử lý trên 414 vụ vi phạm chủ yếu liên quan đến thực phẩm, thu giữ 5.612 kg sản phẩm động vật, 3.500 kg mỡ động vật, 12.240 con gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Còn theo lãnh đạo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An thì vấn đề thực phẩm bẩn đang “nóng”, được cả cộng đồng quan tâm. Đây cũng là thực trạng đang được dư luận và các cấp, ngành quan tâm. Tuy nhiên, để kiểm tra, xử lý tình trạng này còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nhiều đối tượng vi phạm cố tình lách luật khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý.
Đối với cơ quan quản lý thú y, việc tiến hành kiểm tra lấy mẫu phẩm trên gia súc, gia cầm cũng đã được tiến hành theo định kỳ. Qua đó, ngành cũng đã phát hiện nhiều loại mẫu phẩm dương tính với các chất cấm theo quy định nằm trong danh mục mà Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành. Trong năm 2015, cơ quan Thú y vùng III đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu phẩm trên thịt lợn, gà tại 5 tỉnh Bắc Trung Bộ trong đó có Nghệ An. Chỉ tính tại tỉnh Nghệ An, đơn vị đã phát hiện 4/12 mẫu phẩm dương tính với chất cấm sử dụng trong chăn nuôi Chloramphenicol có hàm lượng 0,6 – 2,5PB. Còn trên thịt gà, tiến hành lấy 3 mẫu thì đã có 2 mẫu dương tính với chất Enrofloxacin trên địa bàn Nghệ An.
Qua trao đổi với ông Dương Tất Thắng – Giám đốc Cơ quan Thú y vùng III thì được biết, trong thời gian qua, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn còn tồn tại. “Để dẹp bỏ tình trạng này, ý thức của người dân rất quan trọng. Chính người dân là chủ thể đã vô tình tiếp tay cho hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi rồi quay trở lại chúng ta lại sử dụng nó. Hơn bao giờ hết, các cấp chính quyền địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm này. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền sâu rộng tới người chăn nuôi cần được đẩy mạnh hơn nữa” – ông Dương Tất Thắng cho biết thêm.
Được biết, việc ngăn chặn hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được các cơ quan chức năng phối hợp xử lý trong thời gian qua. Tuy nhiên, hành vi này mới chỉ bị xử lý hành chính nên chưa đủ sức răn đe. Đại tá Trần Hữu Hồng – Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đã bị cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp kiểm tra, bắt giữ một cách quyết liệt. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tái diễn trên địa bàn Nghệ An, gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý. Thời gian tới, khi Luật hình sự sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành cũng là điều kiện thuận lợi để cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ của mình, tăng mức răn đe đối với các loại tội phạm liên quan đến môi trường.
Ngày 1/7/2016 tới đây, khi Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2015 có hiệu lực thi hành, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị cấu thành tội phạm và bị xử tù với mức án 20 năm. Tại các điều 317 vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191); sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190)...cũng đã quy định rất rõ các khung phạt tù bổ sung về những hành vi nói trên.
Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT ngày 04/9/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam gồm 20 kháng sinh, hoá chất sau: Carbutero, Cimaterol, Clenbuterol, Chloramphenicol, Diethylstilbestrol (DES), Dimetridazole, Fenoterol, Furazolidon và các dẫn suất nhóm Nitrofuran, Isoxuprin, Methyl-testosterone, Metronidazole, 19 Nor-testosterone, Ractopamine, Salbutamol, Terbutaline, Stilbenes, Trenbolone, Zeranol, Melamine (Với hàm lượng Melamine trong thức ăn chăn nuôi lớn hơn 2,5 mg/kg), Bacitracin Zn. |
Tác giả bài viết: Phạm Tuân