Tổng kết giai đoạn 5 năm (từ 2010-2015), tổng số bò giống đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện tại 18 xã thuộc 9 huyện của Nghệ An là 1.424 con, với tổng số tiền hơn 3,5 tỷ đồng.
Nối tiếp những niềm vui
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Bá Dũng, ở xóm 6, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, một hộ từng được xem là hộ nghèo của xã nhưng nay đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Đưa chúng tôi đi xem đàn bò 4 con, ông Dũng chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi nghèo lắm. Nhà có 5 người nhưng chỉ biết nhìn vào 3 sào ruộng khoán. Cuộc sống gia đình cứ nghèo đói mãi. Năm 2011, được sự quan tâm của Hội Chữ thập đỏ, gia đình được nhận một con bò giống từ dự án “Ngân hàng bò”. Đến nay bò của dự án đã sinh sản được 4 con, giá trị hơn 150 triệu đồng.
Cùng với gia đình ông Dũng, 80 hộ nghèo khác ở hai xã Lăng Thành và Bảo Thành đều nhận được 80 con bò giống của Hội Chữ thập đỏ. Số bò giống đã sinh trưởng được 219 con và Hội Chữ thập đỏ tiếp tục chuyển giao 83 con cho những hộ nghèo khác nuôi.
Cũng tại huyện Kỳ Sơn, một huyện nghèo theo tiêu chí 30a của Chính phủ. Trong 5 năm, Hội Chữ thập đỏ đã tổ chức trao 100 con bò giống cho đồng bào nghèo ở 2 xã Bảo Nam và Hữu Lập. Với đặc điểm là vùng có diện tích chủ yếu là đồi núi, cỏ xanh, khí hậu mát mẻ… đặc biệt phù hợp với giống bò Mông của địa phương. Vì vậy, sau khi nhận bò giống, 100 hộ đồng bào ở 2 xã được thụ hưởng đã chú trọng chăm sóc, phát triển đàn bò sinh sản lên 176 con; nâng tổng đàn 272 con bò.
Bà Nguyễn Lương Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An, cho biết: Để dự án phát huy đúng mục đích, hỗ trợ đúng đối tượng thì quan trọng nhất vẫn là việc bình xét các hộ dân đảm bảo tính dân chủ và nghiêm túc; không gây mất đoàn kết, khiếu kiện nội bộ. Dự án ưu tiên những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận bò trước. Trước đây, mỗi con bò giống được Hội Chữ thập đỏ định giá hỗ trợ 10 triệu đồng; trong đó 7 triệu đồng từ nguồn ngân sách của Trung ương và 3 triệu đồng tiền đối ứng của địa phương. Nhưng bắt đầu từ năm 2015, giá trị hỗ trợ của mỗi con bò được tăng lên là 15 triệu đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 10 triệu đồng. Trong 5 năm triển khai, tổng số tiền Trung ương hỗ trợ cho dự án “Ngân hàng bò” là 3 tỷ 579 triệu đồng và tỉnh Nghệ An đối ứng là 60 triệu đồng.
Cần tháo gỡ khó khăn
Theo dự án, tiêu chí để lựa chọn người hưởng lợi là những hộ nghèo không có phương tiện sản xuất hoặc không có nguồn thu nhập ổn định; thiếu lương thực; có lực lượng lao động và sức khỏe dồi dào; đồng ý nhận nuôi bò và chấp nhận các điều kiện của dự án…
Trên thực tế, để đáp ứng được tiêu chí về chuồng trại chăn nuôi, không phải hộ dân nào cũng có thể thực hiện được. Chị Bùi Thị Hiên, xóm 7A, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, cho biết: Vì các gia đình được nhận bò phần lớn là các hộ đặc biệt khó khăn, nên nếu chỉ nhận bò mà không có hỗ trợ xây dựng chuồng trại cũng như kinh phí để chăn nuôi, thuốc phòng chữa bệnh… thì người dân sẽ gặp khó khăn, nhiều hộ dân không có đủ khả năng tài chính để làm chuồng trại… Vì vậy, chúng tôi đề xuất với Ban Quản lý Dự án, thời gian tới cần xem xét hỗ trợ thêm những điều kiện cần thiết nói trên để số người tham gia nhận bò từ ngân hàng bò được nhân lên, đồng thời số hộ đã được nhận bò sẽ có thêm điều kiện để chăn nuôi bò hiệu quả, bền vững hơn.
Bên cạnh đó, hiện nay, tỷ lệ đói nghèo ở Nghệ An còn cao, chiếm 14% dân số toàn tỉnh. Trong khi đó, chi phí cho một con bò giống khoảng 15 triệu đồng/con, khiến các dự án, chương trình nói chung không đủ lực để cấp một lượng lớn bò giống cho các hộ nghèo. Vì vậy, trong thời gian tới, Nghệ An rất mong nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước; cũng như của các cấp ngành, các tổ chức xã hội; các công ty, tập thể, các mạnh thường quân để làm sao giúp đỡ người nghèo trong tỉnh có cơ hội được sở hữu những con giống tốt, chất lượng cao, tạo “đầu cơ nghiệp” vững chãi để đồng bào có thêm nghị lực, phát triển kinh tế gia đình…
Tác giả bài viết: Vân Anh