Ngày 17/5, thông tin từ Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Huế (ĐH Ngoại ngữ Huế) cho biết, qua quá trình rà soát, nhà trường phát hiện nhiều trường hợp làm giả chứng chỉ ngoại ngữ của trường để đi xin việc làm tại các cơ quan nhà nước, gây ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường.
Theo ông Phan Thanh Tiến - Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại ngữ Huế, qua đối chiếu với hồ sơ tổ chức dự thi của ĐH Ngoại ngữ huế, nhà trường phát hiện những trường hợp có chứng chỉ giả của các đơn vị yêu cầu xác minh không hề có tên trong danh sách của các đợt thi mà trường tổ chức.
Đáng nói, có một số trường hợp có chứng chỉ giả đang công tác trong ngành giáo dục, trong đó có cả giảng viên công tác tại một trường đại học ở Hà Nội.
Theo ông Tiến, các đối tượng đã làm giả khuôn dấu của nhà trường, giả chữ ký của hiệu trưởng và các thông tin được ghi trên chứng chỉ có nội dung giống với chứng chỉ ngoại ngữ của Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế cấp.
Sau khi phát hiện gần 10 chứng chỉ ngoại ngữ của nhà trường bị làm giả, Ban giám hiệu Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế đã yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ.
Trường ĐH Ngoại ngữ Huế phát hiện nhiều trường. (Ảnh: C.Đ) |
Liên quan đến các chứng chỉ ngoại ngữ làm giả, vừa qua, cơ quan ANĐT phối hợp với Cục An ninh Chính trị Nội bộ Tổng cục An ninh, Bộ CA đã điều tra đường dây tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả theo khung năng lực Châu Âu.
Trong đó, có một đối tượng từng là sinh viên Khoa song ngữ của một trường ở ĐH Huế. Trong khi các đơn vị nghiệp vụ tiến hành điều tra thì nhận được thông tin của trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH quốc gia Hà Nội về việc nhận được công văn của một số đơn vị tuyển dụng, đề nghị xác minh một số trường hợp sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực Châu Âu. Song các chứng chỉ này đều là chứng chỉ giả.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, giữa tháng 2/2018, cơ quan điều tra đã triệt phá đường dây tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả theo khung năng lực Châu Âu, gồm các đối tượng: Nguyễn Văn Thuật (1972, trú Thanh Hóa) và Nguyễn Thị Hạnh (1983, trú Hà Nội). Thời điểm bị bắt giữ, các đối tượng này đã tổ chức cho 140 thí sinh dự thi tại Hà Nội. Theo cơ quan CA, các đối tượng đã làm giả giấy tờ, hồ sơ của Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội; tự thành lập hội đồng thi; tổ chức thi tuyển ở cả các kỹ năng nghe, nói, đọc và viết... nhằm đánh vào lòng tin của những người có nhu cầu sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ.
Được biết, Nguyễn Thị Hạnh từng theo học Khoa song ngữ tại ĐH Huế, rồi tiếp tục theo học ở một trường đại học khác tại Hà Nội. Trước khi bị bắt giữ, Hạnh là giảng viên của một trường đại học ở Hà Nội. Theo cơ quan điều tra, Hạnh thừa nhận nắm bắt nhu cầu của nhiều người muốn tăng lương, thi tuyển vào công chức nên bàn bạc với Nguyễn Văn Thuật đứng ra tổ chức thi, cấp chứng chỉ giả cho các thí sinh dự thi. Hạnh được Thuật chia 350 triệu đồng.
Theo lời khai của một số thí sinh dự thi tại "trung tâm" do Hạnh và Thuật đứng ra tổ chức, số tiền họ phải nộp cho Thuật từ 3,5 đến 33 triệu đồng tùy loại chứng chỉ. Hầu hết các thí sinh cứ nghĩ rằng trung tâm này đủ điều kiện tổ chức thi và thủ tục đơn giản nên họ tham gia.
Theo cơ quan công an, thời gian gần đây, hoạt động mua bán và sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả ngày càng diễn biến phức tạp. Hiện, trên các trang mạng như: "Lambannguytin", "Lambandaihocphoigoc", "Lambangdaihocgiare"… công khai đăng tải thông tin nhận làm giả các loại bằng từ tiến sỹ, thạc sỹ, đại học, cao đẳng, trung cấp với giá dao động từ 5 - 15 triệu đồng/bằng. Điều này đã làm ảnh hưởng đến uy tín, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức; làm giảm niềm tin của nhân dân và tác động xấu đến tình hình an ninh chính trị nội bộ...
Những người sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả thì sớm muộn gì cũng bị phát hiện. Đến lúc đó, dù nhận ra sai lầm thì cũng phải trả giá đắt khi vừa tốn tiền mua bằng vừa mất việc.
Tác giả: NGUYỄN VƯƠNG
Nguồn tin: Báo VTC News