Kinh tế

Ngân hàng rục rịch tăng lãi suất tiền gửi

Một số ngân hàng bất ngờ điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi ở một vài kỳ hạn trong bối cảnh lãi suất đầu vào chạm đáy

Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024 đến nay, một số ngân hàng (NH) thương mại bất ngờ điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở cả kỳ hạn ngắn và dài. Diễn biến này được cho là khá lạ trong bối cảnh nhiều NH khác tiếp tục giảm lãi suất đầu vào và tăng trưởng tín dụng giảm 0,6% trong tháng đầu năm.

Tăng một số kỳ hạn

Trong biểu lãi suất tiền gửi công bố cuối tuần qua, NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng lãi suất từ 0,2-0,4 điểm % ở một số kỳ hạn. Theo đó, lãi suất gửi dưới 6 tháng tại NH này tăng lên mức 3,7%/năm; khách gửi kỳ hạn 12 tháng được hưởng lãi suất 4,8%/năm và lãi suất cao nhất là 6%/năm nếu khách gửi kỳ hạn dài 36 tháng tại quầy. Nếu gửi online, lãi suất cao nhất tăng lên 6,2%/năm.

Một số NH thương mại khác như Techcombank, ACB... cũng điều chỉnh tăng lãi suất ở một số kỳ hạn ngắn từ 0,1-0,2 điểm %. Hiện lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy của Techcombank cao nhất là 4,5%/năm cho khách hàng cá nhân gửi từ 12 tháng trở lên. Trong khi tại ACB, lãi suất gửi cao nhất là 4,6%/năm.

Động thái tăng lãi suất tiền gửi tại một vài NH gây chú ý trong bối cảnh nhiều NH thương mại khác tiếp tục làn sóng hạ lãi suất đầu vào. Lãnh đạo một NH lý giải việc tăng lãi suất chỉ ở một vài kỳ hạn, do các kỳ hạn này mức lãi suất thấp hơn mặt bằng chung nên điều chỉnh tăng. Mặt bằng chung lãi suất huy động vẫn ở mức thấp và xu hướng là ổn định.

Không chỉ lãi suất đầu vào tại một số NH, trên thị trường liên NH, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm trong phiên ngày 21-2 đã tăng lên 4,14% từ mức 2,15% của phiên trước đó. Lãi suất qua đêm liên NH đã tăng gần gấp đôi và chạm mức cao nhất kể từ cuối tháng 5-2023. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng lãi suất liên NH tăng chỉ là nhất thời và mang tính chất cục bộ, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống NH vẫn dồi dào và tín dụng tăng chậm trong những tháng đầu năm.

Cập nhật gần nhất của NH Nhà nước đến ngày 22-2, lãi suất liên NH đã hạ nhiệt khi kỳ hạn qua đêm giảm còn 3,85%/năm, kỳ hạn 1 tuần giảm còn 3,79%/năm.

Mặt bằng lãi suất trên thị trường vẫn duy trì ở mức thấp, việc điều chỉnh tăng ở một số ngân hàng chỉ mang tính cục bộ và ngắn hạn. Ảnh: TẤN THẠNH

Không ảnh hưởng tới thị trường

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho rằng đà tăng của lãi suất liên NH chỉ là tạm thời do "sự thiếu hụt thanh khoản cục bộ tại một NH", chứ không đại diện cho toàn hệ thống. Trên thị trường, một số NH vẫn tiếp tục hạ lãi suất huy động, trong khi tín dụng tháng 1 toàn hệ thống tăng trưởng âm do hiệu ứng đầu năm. Với việc nhu cầu tín dụng hiện chưa cao, áp lực lên lãi suất huy động và cho vay sẽ chưa lớn. Tương tự, lãi suất liên NH gần đây nóng lên cũng chỉ là tạm thời và sẽ sớm lắng dịu.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư FIDT, phân tích xu hướng tín dụng sẽ tăng trong thời gian tới khi ngành NH tập trung đẩy mạnh vốn ra nền kinh tế. Do đó, việc một số NH điều chỉnh tăng lãi suất huy động để tăng nguồn vốn huy động chuẩn bị cho nhu cầu vay vốn sắp tới cũng là dễ hiểu. "Mức tăng thêm 0,1-0,3 điểm % là không nhiều để tác động tới mặt bằng lãi suất. Chưa kể, nhóm các NH thương mại nhà nước vẫn đang duy trì lãi suất đầu vào rất thấp sẽ tạo áp lực cạnh tranh tới các NH khác. Lãi suất cho vay cũng khó bị tác động trước việc lãi suất tiền gửi nhích lên gần đây" - ông Huỳnh Minh Tuấn nói.

Thống kê của NH Nhà nước cho thấy đến cuối tháng 1-2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các NH thương mại là 3,38%/năm và 6,84%/năm, giảm lần lượt khoảng 0,15 điểm % và 0,25 điểm % so với cuối năm 2023. Về phía người gửi tiền, dù lãi suất đầu vào đi xuống nhưng nhiều người cho biết vẫn chọn gửi tiết kiệm trong bối cảnh các kênh đầu tư khác chưa sôi động hoặc nhiều rủi ro.

Phó Thống đốc Thường trực NH Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định đến thời điểm này, các mức lãi suất điều hành vẫn được giữ nguyên nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NH Nhà nước với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất sẽ được điều hành phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. NH Nhà nước luôn khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Duy trì lãi suất thấp để đẩy tín dụng

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, cho rằng yếu tố tiên quyết là chính sách tiền tệ ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay thấp để doanh nghiệp và người dân yên tâm làm ăn. Bản thân Vietcombank cũng cam kết tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, phấn đấu duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp so với mặt bằng chung trên thị trường, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.

Tác giả: THÁI PHƯƠNG

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP